CHƯƠNG VII: Bí mật của chiếc nệm đơn cứng kiểu Nhật

Những mối hôn nhân này không hẳn là “hôn nhân vô dục” vì các cặp vợ chồng không trông đợi vào những cuộc mây mưa nóng bỏng đầy sang tạo. Hầu hết, kết hôn không phải là chuyện lãng mạn gì. Bản tình ca mùa đông làm rúng động lòng người vì dù sao đi nữa phụ nữ ở độ tuổi này vẫn còn mơ mộng đến sự lãng mạn (và cả tình dục), nhưng tất nhiên không phải với chồng mình (các ông này đến khi về hưu thì được gọi là sodai-gomi , hay “đống rác rưởi béo ú vô dụng”). Những người đàn ông trong mơ – như Yon-sama – chẳng những không hay ngồi trên ghế sofa quát tháo vợ mang rượu ra, mà có lẽ không bao giờ ở nhà. Nhưng cũng chẳng sao vì đối với các bà, người tình trong mộng không để sở hữu mà để nhung nhớ khát khao.

“Bạn không thể nào đoán được họ có tái hợp với nhau hay không,” Tamako, 58 tuổi đã ly hôn và sống ở Tokyo, giải thích. Bà có tướng người béo lùn, mái tóc ngắn và nụ cười toe toét mang nhiều cảm xúc. Bà từng tốt nghiệp đại học và đang là cố vấn cho những nông trại của Nhật, một công việc mà hiếm có phụ nữ ở độ tuổi này đảm đương được.

Tamako cho rằng chuyện say mê Yon-sama khá là ngớ ngẩn và khẳng định bản thân bà không thể nào ham muốn một cậu trai diễn viên trạc tuổi con mình được. Bà cũng cho biết vì quá bận nên cũng không thể đi tham quan đảo Hàn Quốc nơi từng được chọn làm cảnh quay về hồi ức tuổi thơ của các nhân vật trong phim. (Một trang mạng cho biết, “Cảnh đạp xe trong phim trở nên quá nổi tiếng đến nỗi người ta cho thuê hẳn xe đạp để đi lại theo đúng con đường Bản tình ca mùa đông mà các nhân vật chính từng đi qua.”)

Nhưng sau đó trong một buổi chiều chủ nhật ngồi nhâm nhi cà phê với tôi ở Tokyo, Tamako thừa nhận rằng bà đã ghi hình lại tập phim tối qua và xem lại vào buổi sáng trước khi gặp tôi. Cả tôi cũng xem nó ở khách sạn và không thể không than phiền về cái kiểu diễn xuất lúc nào cũng đơn độc đầy nội tâm của Yon-sama và tính bất hợp lý của cốt truyện. (Một cảnh éo le nữa của bộ phim là mẹ của Yon-sama lại nhồi nhét vào đầu anh ta những kí ức mới trong đó không hiện hữu khoảng thời gian anh từng gặp người yêu thời học sinh của mình.)

Nhưng Tamako lại không quan tâm đến những chi tiết này. “Tôi hiểu được cảm xúc bộ phim muốn truyền tải chứ không phải nội dung của nó,” bà bảo. “Phụ nữ vào tuổi 70 và 80 chỉ còn nhớ về thời son trẻ và tình yêu ngọt ngào trong quá khứ.” Trong thực tế, cuộc sống Tamako đang hưởng thụ cũng là một bản sao của Bản tình ca mùa đông , chỉ khác là người tình năm xưa đang vừa cặp kè lại với bà lại cùng tuổi và đã có gia đình. Theo bà thì ông ta là “một người đàn ông trung niên bình thường” (tiếng Nhật là ojisan ). Họ làm việc cùng ngành và gặp nhau cách đây đã 20 năm nhưng chỉ mới hẹn hò 5 năm trở lại đây.

Ông ta cũng không phải thuộc dạng đẹp mã gì, và trong tương lai sẽ trở thành một thứ vô dụng đối với người khác. Nhưng điều hấp dẫn Tamako là hầu như bà không nắm bắt được ông ta. Bọn họ thường dành thời gian nhung nhớ về nhau hơn là gặp mặt vì ông ta ở cách xa Tokyo (khoảng hơn 1 giờ đi xe) và cũng đi công tác rất nhiều, bởi thế họ chỉ ở bên nhau hai lần trong năm. Trong thời gian xa cách họ chỉ tán tỉnh và tâm tình cùng nhau qua email và tin nhắn. (Tamako đợi 3 ngày mới trả lời tin nhắn của ông ta nhưng lại dương dương tự đắc rằng ông ta luôn trả lời bà trong cùng ngày.) Có vẻ bà hứng thú với chuyện thư từ qua lại này hơn là những buổi hẹn hò vụng trộm trong khách sạn.

Bà cũng chẳng quan tâm là ông ta có thêm nhiều bạn tình khác hay không. (Vì một lần ông ta đã cám ơn vì mấy cái bánh của bà nhưng bản thân bà không hề gửi.) Vì ông ta tốt hơn rất nhiều so với ông chồng mà bà ly hôn cách đây 10 năm. “Tôi thích có được cảm giác yêu cuồng yêu dại thế này,” bà bảo. “Rất nhiều bạn tôi, nhất là bạn từ thời còn đi học, đang độc thân nhưng đều có bạn trai hoặc những mối quan hệ tương tự. Tôi thì không biết gì về chi tiết những mối quan hệ ấy, chỉ biết rằng họ bảo, ‘Bên cạnh tôi đang có một người đàn ông’ và tôi cũng bảo họ điều tương tự.”

Kiểu tình yêu cuồng dại và không bao giờ nắm giữ được trong tay của Bản tình ca mùa đông đã ăn sâu vào văn hóa tình dục của Nhật. Nhà văn Ian Buruma thuộc trường phái Anglo của Hà Lan từng nói “nỗi buồn” và “luyến tiếc” là những từ hay xuất hiện nhất trong cả văn học cổ điển của Nhật và trong những bản tình ca đồng quê hiện đại. Ông ta còn tìm thấy nó trong phiên bản tiểu thuyết dạng “chick lit” của Nhật. “Khóc ròng vì luyến tiếc không phải là hành động thường thấy trong văn học phương Tây. Không phải vì họ vô cảm mà vì họ không thường biểu hiện nó ra một cách quá kịch, hay có lẽ vì những gì nghe có vẻ kịch trong tiếng Anh thì lại trở thành hoàn toàn bình thường trong tiếng Nhật.”

Một tình yêu đã nguội lạnh trong quá khứ không “hoàn hảo” bằng một tình yêu đã chết thảm ngay trước khi có cơ hội bắt đầu ( Bản tình ca mùa đông lại có cả hai). Phiên bản thảm thiết nhất của chuyện tình này là khi cả hai đều tự vẫn. Ngày nay ở Nhật mặc dù chuyện ly hôn rất phổ biến nhưng chuyện cùng tự tử vì yêu này vẫn còn tồn tại qua nghệ thuật. Những vở kịch Nhật trong thời Edo (từ thế kỷ 17 đến giữa thế kỷ 18), luôn ám ảnh với chuyện cả hai ôm nhau mà chết, và đến nay chúng vẫn còn được tái diễn. Như Buruma đã viết, đây chính là thời “tình yêu thường kết thúc trong bi kịch vì không có chốn dung thân cho tình yêu ở Nhật. Giữa hai vợ chồng chẳng tồn tại sự lãng mạn nào cả. Tình yêu đã chết ở ngưỡng cửa hôn nhân”.

Thật khó tưởng tượng một cuộc hôn nhân có thể tồn tại trong cái nền văn hóa có tiêu chuẩn tình yêu không tưởng như vậy. Những nhân vật trong thời đại ấy mỗi khi bị bắt buộc chọn lựa giữa nhân tình và bạn đời, họ thường thà chết với tình nhân. Giây phút họ cùng nhau tự vẫn chính là đỉnh điểm của lãng mạn trong câu chuyện. Trong Sonezaki Shinju , một trong những vở kịch rối Bunraku nổi tiếng nhất thời Edo, một gái điếm hạng sang đề nghị tình lang cùng mình quấn trong chiếc thắt lưng kimono của cô rồi tự tử trong rừng để họ “đến chết vẫn đẹp.”

Tình tiết hư cấu này vẫn còn ảnh hưởng đến những tác giả cùng thời. Thiên đường bị đánh mất, một trong những tiểu thuyết bán chạy nhất ở Nhật vào năm 1997 nói về một đôi trai gái ngoại tình tuyệt vọng vì không thể ở bên nhau, và nếu có bên nhau thì tình yêu của họ cũng sẽ không còn được tinh khôi như thuở ban đầu. Vì vậy, họ chọn cái chết trong lúc làm tình (vào ngay lúc cả hai cùng “lên đỉnh điểm” trong quan hệ). Đúng theo kế hoạch, lúc cảnh sát phát hiện thì hai cái xác đã cứng đờ và thật sự không thể tách rời nhau.

***

NHƯNG THEO THỜI GIAN mọi thứ cũng thay đổi ở Nhật. Vài năm sau, dư luận báo chí được một phen xôn xao với “Ly hôn kiểu Narita.” Các cô trong tuần trăng mật cảm thấy chán nản với những ông chồng mới cưới nên vừa về đến sân bay Tokyo thì bỏ chạy ngay lập tức.

Những cô dâu ngày nay ít khi bằng lòng chịu đựng mòn mỏi. Họ muốn gặp gỡ và kết hôn với người đàn ông phù hợp và nhất là không có chuyện quan hệ ngoài luồng. Khi tôi thử dò ý kiến về chuyện “Nếu phải trả tiền thì không phải là lừa dối” với Ayako, một cô gái 26 tuổi thông minh và đang sống cùng bạn trai, thì cô trả lời qua email rằng, “Ai bảo với cô như vậy? Theo tôi thì chắc là từ miệng của những gã không hiểu gì về cảm nhận của phụ nữ rồi!”

Cảm giác là thứ quan trọng đối với thế hệ phụ nữ như Ayako. Khi tôi hỏi những cô gái tuổi đôi mươi về phẩm chất của người đàn ông họ mong muốn thì luôn bao gồm tayori ni naru – một người có thể chở che. Một người đàn ông tayori ni naru có thể đang công tác tại Mitsubishi. Anh ta chắc chắn có thu nhập tốt và làm chủ được gia đình. Nhưng anh ta lại là salarymen có tâm hồn – kiểu chỗ dựa tinh thần và cởi mở. Phụ nữ vẫn còn nghĩ về hôn nhân tồn tại mối quan hệ dạng cha mẹ và con cái. Nhưng với quan niệm mới này, họ sẽ đóng vai trò là con cái. Họ hình dung những anh chồng tayori ni naru này sẽ kiên nhẫn lắng nghe ý kiến của mình và cho ra những lời khuyên sáng suốt. “Một người có thể hỗ trợ mình không những về tiền bạc mà còn có thể giúp mình vượt qua muộn phiền, bối rối hay khi gặp chuyện,” Ayako giải thích và nói thêm. “Nhưng kiểu này thật khó tìm.”

Vấn đề nằm ở chỗ, khi phụ nữ Nhật đòi hỏi nhiều hơn thì hầu hết đàn ông chẳng màng quan tâm. Emi, 30 tuổi, hiện là trợ lý cấp cao tại một cửa hàng thời trang ở Tokyo, luôn hoài nghi về những người đàn ông tự nhận là mình có làm việc nhà. “Trước hôn nhân thì có thể, nhưng sau đó họ thường yêu cầu vợ quán xuyến mọi thứ,” cô bảo. “Tôi đã từng nghe bạn bè than phiền về chồng họ nhiều rồi.” Kết hôn vì tình yêu là lý tưởng nhất, nhưng khi một tạp chí Nhật khảo sát những người ly hôn vào độ tuổi 20 đến 30 vì sao họ lấy nhau, thì một phần ba trong số họ đã trả lời: nantonaku, tức là chẳng vì lý do gì đặc biệt cả.

Thay vì chấp nhận rất nhiều phụ nữ chọn cách trì hoãn hôn nhân. Makoto Atoh, Tổng Giám đốc của Học viện Khảo sát Dân số và An ninh xã hội Quốc gia cho biết, vào năm 2000, 25% phụ nữ Nhật ở độ tuổi 30 đến 34 vẫn chưa kết hôn, trong khi con số này vào năm 1975 là 7%; và hiện bà vẫn đang đau đầu vì đứa con gái 34 tuổi của mình cũng vừa mới chia tay bạn trai. Phụ nữ ngày nay độc lập về tài chính hơn là thế hệ các bà sau thời chiến và cũng chịu ảnh hưởng từ phương Tây. Họ tốt nghiệp từ các đại học Anh và sở hữu toàn bộ DVD của sáu mùa phim Tình dục và thành phố (Sex and the city) . Vì vậy họ chẳng muốn sống với các ông chồng ở Nhật chút nào.