CHƯƠNG VIII: Chúng tôi phải có ít nhất một nhân tình phòng bị
Từ khóa tìm kiếm: Giải mã dục vọng – Pamela Druckerman
Theo những gì người ta còn nhớ trong quá khứ, những người làm ngành y ở những vùng ngoại ô Alexandra của Nam Phi được mọi người coi là phi thường và được gán biệt danh là “hội chứng Alex”. Những người đàn ông da đen nghèo khổ, nhiều người đã ngót nghét 65 tuổi, vẫn đến phòng khám than phiền rằng mình bị “yếu sinh lý”. Nhưng chuyện yếu sinh lý ở đây có nghĩa là họ chỉ có thể làm tình một đến hai lần trong một đêm và liên tục không nghỉ ngày nào. Một chuyên gia tâm thần học làm việc ở phòng khám cho biết: “Họ có vợ và nhân tình. Sau khi ngủ với bồ, họ phải về nhà để “trả bài” cho vợ, và có lẽ họ chỉ có thể làm tình được một lần”.
Vấn đề này chắc chắn không chỉ tồn tại ở mỗi vùng ngoại ô đó. Tỷ lệ quan hệ ngoài hôn nhân của đàn ông thuộc châu Phi vùng hạ Sahara (khu vực miền Nam sa mạc Sahara) thì cao đến nỗi cả người Nga cũng phải hổ thẹn. Ở Mozambique, thủ đô là Maputo, cách Johannesburg 300 dặm, qua một cuộc khảo sát vào năm 2003 đã có 29% đàn ông đang ăn ở như vợ chồng với bạn tình thừa nhận rằng mình qua lại với nhiều người vào năm ngoái, con số này cao hơn gấp 7 lần so với đàn ông đã kết hôn ở Mỹ hay Pháp.
Trong những trường hợp một người có thể gạt vấn đề đạo đức sang một bên để bội phản lòng tin của bạn đời, làm phụ nữ khác không phải vợ mình mang bầu, và trao đổi tình dục lấy tiền và một số quyền lợi khác thì tôi cho đó là thông thường. Nhưng những chuyện này không thông thường ở Nam Phi chút nào. Trong 5 người lớn ở đây thì có 1 người nhiễm bệnh HIV và hơn 1 triệu người dân Nam Phi đã chết vì AIDS. Theo tôi, con vi-rút này chính là một cái án tử chậm. Chỉ có một phần rất nhỏ người bị nhiễm HIV có điều kiện dùng thuốc để kéo dài sự sống.
Điều này khiến cho ngoại tình từ một thú vui hư hỏng trở thành một mối hiểm họa. Ngoại tình là công cụ thích hợp và nhanh nhất để phát tán HIV ra cộng đồng. Một khi người ta có nhiều mối quan hệ tình dục một lúc, vi-rút có thể lây lan qua nhiều người trong thời kì ác tính nhất. (Con người dễ lây cho người khác nhất khi họ vừa mới bị nhiễm bệnh.) Vào năm 1991, ở Nam Phi cứ 100 người phụ nữ đi khám thai thì có ít hơn 1 người phát hiện bị HIV dương tính. Đến năm 2000 thì tỷ lệ này đã là 4 trên 100.
“Nếu tỷ lệ nhiễm bệnh trong cộng đồng cao thì ngoại tình chính là một quả bom nổ chậm,” Allison Russell, Trưởng khoa điều trị bệnh nan y giai đoạn cuối của bệnh viện lớn nhất Nam Phi tên Soweto’s Chris Hani Baragwanath, phát biểu.
Trường hợp thường gặp nhất là người chồng bị nhiễm HIV từ tình nhân sau đó về nhà lây cho vợ. Con cái của họ cũng có thể bị lây nhiễm khi được sinh ra qua tử cung hoặc bú sữa của người mẹ đã bị nhiễm bệnh. Vợ chồng nào may mắn sẽ sống được thêm 10 năm, nhưng thường là chết trước thời hạn đó.
Biết hậu quả khủng khiếp như vậy nhưng vì sao người Nam Phi vẫn dám ngoại tình? Chẳng lẽ khát vọng sống và chuyện bảo vệ an toàn cho gia đình lại không có tầm quan trọng và không cưỡng lại được chuyện khát khao làm tình với nhiều người khác hay sao?
***
NẾU BẠN CHƯA BAO GIỜ chu du vòng quanh thế giới để tìm nhiều người trao đổi về chuyện ngoại tình thì bạn sẽ hiểu tôi cảm thấy nhẹ nhõm như thế nào khi nhận được email từ Isak “Sakkie” Niehaus, một nhà nhân loại học của Đại học Pretoria. Bức email được gửi vài tuần trước khi tôi bay đến Nam Phi:
“Xin chào Pamela, cô đã tìm đúng người, chuyện quan hệ ngoài hôn nhân và bệnh AIDS là chuyên môn của tôi. Tôi đã viết rất nhiều sách về nó… Liên lạc với tôi ngay khi cô đến đây.”
Không cần phải nói thêm, khi vừa đến Johannesburg, tôi trực tiếp đi thẳng đến văn phòng của Sakkie. Từ Johannesburg đi xe đường cao tốc mất khoảng 1 tiếng để đến Pretoria. Dưới thời phân biệt chủng tộc thì sinh viên đại học đa phần là da trắng nhưng hiện nay có đến 40% da đen và thật khó tin khi họ có thể hòa hợp với nhau như vậy. Vào một ngày hè trời trong xanh, sinh viên đủ sắc tộc tụ tập dọc theo những bãi cỏ trải dài trên sân trường, họ cười nói vui vẻ như đang chuẩn bị chụp hình cho các cuốn kỷ yếu.
Sakkie có bộ râu quai nón hung đỏ, còn giọng nói trầm thường bật ra những tiếng cười trầm vui vẻ. Khi tôi cho biết mình tốn mất 60 đô-la tiền taxi, ông bật cười và bảo đó là số tiền mà đàn ông Nam Phi thường trả cho bố mẹ vợ tương lai. Nghĩ lại khả năng nấu nướng có hạn của bản thân, tôi thầm nghĩ xem mình có nên quên chuyện phỏng vấn này và đi mua cho mình một cô vợ không nhỉ?
Số liệu thống kê về ngoại tình không hẳn nắm bắt được sự biến động về quan hệ ở Nam Phi. Nhưng Sakkie đã nắm bắt được nó qua “cuốn hồi kí tình dục” của một đồng nghiệp nghiên cứu, anh chàng 38 tuổi tốt bụng tên Ace này sống ở vùng quê tên Bushbuckridge phía Bắc Pretoria. Nếu Ace làm những chuyện như vậy ở Boston hoặc Stockholm, anh sẽ bị xem là đồ đểu cáng và có lẽ sẽ dính vào vòng lao lý. Nhưng ở cái đất Nam Phi này, lịch sử của anh ta chỉ bình thường như những người quyến rũ và có chút tiền mà thôi.
Chúng ta nên xem xét những điểm nổi bật để biết sự thay đổi về thói quen tình dục của con người sẽ ảnh hưởng như thế nào đến đời sống của họ. Ace đã bắt đầu yêu đương từ khi 19 tuổi và đi học xa nhà. Anh quan hệ với 5 người phụ nữ. Một trong số họ mang thai, anh chối bỏ trách nhiệm và trốn về quê. Về đến nhà, Ace qua lại với 2 phụ nữ: Helen và Iris. Kết quả Iris mang thai. Ace đưa cho bố mẹ Iris 37 đô-la, số tiền ít hơn quy định, làm sính lễ. Sau đó Ace sống chung thủy được một thời gian và có lẽ đó là thời một vợ một chồng duy nhất của anh ta. Nhưng chỉ vài tháng sau, khi Ace được thuê làm công nhân trong một khu mỏ ở tỉnh ngoài thì hôn nhân của họ đổ vỡ. Trong thời gian Ace đi làm, Iris mang thai với vị linh mục trong nhà thờ cô hay đi lễ. Mặc dù cô ta phá thai nhưng bị Ace phát hiện và đánh cho cô nàng một trận. Iris bỏ về nhà bố mẹ và đem theo con trai của họ.
Rồi câu chuyện tiếp diễn như một vở kịch nhiều tập của Mê-hi-cô. Trở lại cuộc sống độc thân, Ace tái hợp cùng Helen, nhưng lúc này cô nàng đã kết hôn với một vị bác sĩ người Ni-giê-ri-a. Ace đành quay lại với công việc ở khu mỏ và lang chạ cùng gái điếm đến khi gặp được Lindiwe, một phụ nữ khá giàu có đã ly hôn và đang mang thai đứa con thứ ba. Sau đó Ace bị mất việc và thừa nhận rằng chỉ giả vờ yêu Lindiwe vì tiền và bia rượu miễn phí của cô. Rốt cuộc, Ace bị các đồng nghiệp của chồng cũ của Lindiwe tẩn cho một trận tơi bời. Vào lúc này, Ace chỉ mới 23 tuổi (nhưng đã được xem là đàn ông trung niên vì tuổi thọ của đàn ông Nam Phi chỉ khoảng 43 tuổi).
Sau đó Ace gặp một phụ nữ khác, thỉnh thoảng cô ta cũng hành nghề mại dâm, và có với cô ta 3 đứa con (2 đứa trong số đó anh ta vẫn luôn nghi ngờ có phải con thật của mình hay không), nhưng rồi khi phát hiện cô ta chung chạ với người đàn ông khác (chẳng có gì ngạc nhiên về điều này), anh ta lại đánh cô tơi tả rồi ruồng bỏ cô nàng. Tiếp theo Ace lại hẹn hò cùng một nhân viên bán quần áo nhưng chẳng lâu sau lại thất vọng khi biết được cô nàng cũng đang là bồ nhí của một người đàn ông giàu sang đã có hai vợ.
Đối với một tay chơi như Ace thì việc đuổi hình bắt bóng này cũng làm anh ta mệt mỏi. Anh bảo bản thân mình vẫn yêu nhất Iris, người mẹ của đứa con thứ hai của anh, vì ngoài một lần trót dại mang thai với gã linh mục thì cô luôn chung thủy với anh. Nhưng đến khi tìm lại được Iris thì cô ta đã qua đời. Hóa ra sau khi thoát khỏi Ace, cô kết hôn với một gã giàu có, hắn đã bị nhiễm bệnh HIV từ mấy cô bồ nhí và cũng đã tử vong.
***
CŨNG KHÔNG QUÁ KHÓ để hình dung chuyện con người biết kiềm chế lại bản năng tình dục một khi phải đối diện với căn bệnh hiểm nghèo. Những người đồng tính đã làm được điều đó. Vào tháng 7 năm 1981, bác sĩ ở New York và Los Angeles đã phải chữa trị cho 41 người đồng tính mắc phải chứng ung thư hiếm hoi và cực kì ác tính. Tất cả những trường hợp này đều có một điểm chung là “những người nam đồng tính có quan hệ tình dục thường xuyên với nhiều bạn tình khác nhau, bốn đêm một tuần và mỗi đêm 10 lần.” Một trong 9 người được điều trị ở LosAngeles cho biết họ thường đến New York. Những người này sống ngoài khu lý tưởng dành cho người đồng tính. Như John-ManuelAndriote từng viết trong cuốn Chiến thắng bị trì hoãn: Bệnh AIDS đã thay đổi cuộc sống của người đồng tính ở Mỹ như thế nào : “Đồng tính trong những năm 70 ám chỉ những gã đàn ông bảnh bao, thường xuyên sử dụng chất kích thích, nhảy nhót cuồng loạn và làm tình như cái máy.”
Trong ba năm sau, cộng đồng người đồng tính được thành lập và tập hợp những thông tin y học về căn bệnh để chỉ mọi người cách phòng chống. Vào năm 1984, tổ chức luật pháp nòng cốt ở thành phố New York mang tên Khủng hoảng Sức khỏe của dân Đồng tính đã đưa ra những hướng dẫn thực hiện tình dục an toàn đầu tiên. Những tổ chức của người đồng tính ở các quốc gia phương Tây khuyên đàn ông hạn chế số bạn tình, ngoài ra nên dùng bao cao su và chất bôi trơn mỗi khi quan hệ qua hậu môn. Vào năm 1985 ở thành phố New York, Bộ Sức khỏe bắt đầu đóng cửa những nhà tắm công cộng dành cho dân đồng tính vì đây là nơi thường xuyên xảy ra quan hệ tình dục nhất. Vì cộng đồng dân đồng tính thường tập trung ở các khu thành thị nên họ thường chứng kiến bạn mình bỏ mạng vì bệnh AIDS.