CHƯƠNG X: Cuộc cách mạng tình dục
“Dân chúng thường gọi cuộc Cách Mạng Văn Hóa này là chủ nghĩa khổ hạnh. Nhưng chính quyền càng bắt dân chúng sống khổ hạnh và đưa ra những lời đạo đức bao nhiêu thì Chủ tịch của họ lại càng lún sâu vào chủ nghĩa khoái lạc bấy nhiêu,” vị bác sĩ từng viết. “Ông ta luôn lao mình vào hàng tá các cô gái trẻ. Trong thời điểm hà khắc nhất của cuộc Cách Mạng Văn Hóa thì ông ta lại lên giường cùng 3, 4 hay thậm chí 5 cô một lúc.” Dấu hiệu nhận biết các phụ nữ này chính là căn bệnh giang mai mà Mao Trạch Đông lây nhiễm cho họ.
Khi Mao Trạch Đông qua đời vào năm 1976, ông ta để lại một nền kinh tế tập trung. Những nhà cải cách trong đảng lên nắm quyền, nhưng họ phải bỏ đi một số cơ chế từng được áp dụng nhằm kiểm soát đời tư của người dân để mở rộng nền kinh tế của Trung Quốc. Và nhiều yếu tố khác dần dần bị đào thải: Các bà già mắt cú vọ đã biến mất khi các khu nhà được xây cất lên thành các cao ốc tráng lệ. Các tổ chức đoàn thể chính phủ trở nên không cần thiết đối với những người trẻ tuổi giàu có.
Khi có nhiều không gian cá nhân, nhiều tiền bạc hơn thì cơ hội ngoại tình cũng bùng phát. Các yi lai chỉ là một trong vô số hình thức ngoại tình. Tầng lớp điều hành bậc trung và chuyên gia Trung Quốc mới xuất hiện không màng động chạm tới các nông dân bần hàn kém học thức, họ bắt đầu qua lại với người cùng địa vị trong các công ty, và các sàn khiêu vũ mọc khắp nơi ở những thành phố lớn như Thượng Hải. Nhà hàng và khách sạn – những nơi không thể thiếu của chuyện ngoại tình – bất ngờ nằm trong tầm tay của người dân, và từ đây họ có thừa không gian riêng tư và thời gian thoải mái để “tìm hướng đi mới.” Còn đối với những người quá ngại ngùng không dám làm quen trực diện hoặc e ngại các dính vào chuyện tình công sở thì Internet chính là sự lựa chọn tuyệt vời nhất mà Chúa ban tặng.
Mặc dù những kẻ ngoại tình ở Trung Quốc thường đổ lỗi cho quá khứ đã ảnh hưởng đến họ nhưng rõ ràng rất nhiều thứ xuất phát từ thói quen tân thời. Đầu tiên là các thuật ngữ. “Tình một đêm” ở Trung Quốc thường ám chỉ mối quan hệ chóng vánh giữa những người lao động trí óc gặp nhau ở các quán bar kiểu Tây hoặc sàn nhảy. “Tình yêu mạng” và “Nhân tình trên mạng” có thể chỉ là gặp nhau qua môi trường ảo trên mạng. “Cảm giác thứ 4” bao gồm cả ba thứ cảm giác thông thường là tình bạn, tình yêu và tình dục, và thường xảy ra giữa đồng nghiệp chung công ty. Ngoài ra còn có một thuật ngữ dành riêng cho những người cố tình phá hoại hạnh phúc gia đình của nhân tình.
Nền kinh tế phát triển không những cho phép người ta vụng trộm mà còn sản sinh ra cả một nền công nghiệp ngoại tình. Nó hoàn toàn trái ngược với phiên bản của Mỹ và cổ vũ cho chuyện lăng nhăng. Những dịch vụ mai mối thường giới thiệu các doanh nhân nam đến công tác với phụ nữ địa phương. Các nhà tình dục học và những “chuyên gia” mới phát biểu về đạo lý của quan hệ ngoài hôn nhân trên các buổi tọa đàm quốc gia. Những phim truyền hình dài tập cải biên chuyện ngoại tình và đưa ra những kịch bản đạo đức mới. Nhiều thám tử tư qua các văn phòng môi giới như Grand Shanghai Investigation luôn theo dõi từng bước chân của các đối tượng bị tình nghi vụng trộm. (Một thám tử nổi tiếng còn được biết đến với biệt danh “Sát thủ hồ ly”). Rất nhiều công ty môi giới dạng này trở nên thành công đến mức có thể nhượng quyền thương hiệu và mở chi nhánh.
Trung Quốc còn xuất khẩu ngoại tình. Một số đại gia thường gửi nhân tình đi du học ở Úc thay vì ruồng bỏ họ. Báo chí Đài Loan xác nhận quan hệ ngoài hôn nhân là một kiểu “bệnh dịch”, một phần vì có quá nhiều thương gia bản địa nuôi vợ bé từ lục địa ở các thành phố mà họ thường đi công tác. Cuốn sách Chồng tôi là một thương gia Đài Loan làm ăn ở Trung Quốc đại lục , nhằm chỉ cách cho các bà hạn chế chồng mình quan hệ bừa bãi khi các ông đi công tác xa, đã trở thành cuốn sách bán chạy nhất (mặc dù chính tác giả cũng bị chồng bỏ rơi theo vợ bé). Các bác sĩ Đài Loan công bố tỷ lệ làm phẫu thuật thắt ống dẫn tinh tăng đột biến, có lẽ vì yêu cầu của các bà vợ muốn hạn chế hậu quả chơi bời của chồng mình.
***
TIỀN BẠC ĐÃ SINH RA các cơ hội ngoại tình mới ở Trung Quốc. Nhưng không thể đổ lỗi tất cả cho đồng tiền vì thật ra chính con người đã lợi dụng những cơ hội này. Để có thể làm vậy, xã hội Trung Quốc phải chấp nhận một số lý do biện hộ mới về việc vụng trộm với ai hay lúc nào là có thể thông cảm được. Người ta dùng những lý do này để biện minh cho chuyện ngoại tình của mình với các đồng nghiệp, bạn bè và thậm chí để trấn an bản thân.
Một trong những lý do mới là tình yêu – hay nói rõ hơn là vụng trộm trên danh nghĩa tình yêu thì không đến nỗi nào, và lời bào chữa này khá giống với người phương Tây. Dĩ nhiên người Trung Quốc đã biết yêu từ hàng ngàn năm nay. Nhưng theo nhà xã hội học James Ferrer tìm hiểu thì đến cuối thế kỉ 20, người ta mới dám nghiêm túc nghĩ đến “tình cảm yêu đương”. Vào đầu những năm 80, các tạp chí danh tiếng đăng các bài tranh luận về chuyện con người nên ly hôn để chung sống với nhân tình hay cố gắng duy gì mối hôn nhân không tình yêu. Vấn đề này không bao giờ có thể được nghĩ tới trong vài năm trước đó.
Những người thành thị trí thức đặc biệt tin vào những logic tình yêu mới. Trong một khảo sát vào năm 1990 của Zha và Geng, có 84% đàn ông và 92% phụ nữ cho rằng vợ chồng phải chung thủy về cả thể xác. Nhưng khi được hỏi rằng liệu họ có tha thứ cho kẻ ngoại tình “vì tình yêu” hay không thì có 40% đàn ông và 28% phụ nữ có bằng đại học bảo rằng sẽ chấp nhận bao dung. (Trong khi đó những người ít học thức hơn sẽ khó có thể bỏ qua chuyện này hơn.)
Không có bằng chứng cụ thể nào cho thấy nạn ngoại tình đang bùng nổ hơn ở Trung Quốc vì không có khảo sát tình dục đàng hoàng nào được thực hiện dưới thời Mao Trạch Đông để đem ra so sánh. Nhưng một cuộc khảo sát toàn quốc vào năm 2000, mang tên Khảo sát sức khỏe và cuộc sống gia đình Trung Quốc, cho thấy tỷ lệ đàn ông thành thị giàu có nhất nước lăng nhăng hơn hẳn đàn ông trong cả nước. Khoảng 18,3% đàn ông thành thị và 3,2% phụ nữ thành thị đã ngoại tình trong năm ngoái, còn con số này ở đàn ông cả nước là 10,5% (và không có tỷ lệ cho phụ nữ cả nước). Khoảng 40% người dân muốn ly hôn ở Thượng Hải vào năm 2000 cho biết họ muốn chia tay vì đã ngoại tình. Thủ tục ly dị trước đây rất rườm rà thì ngày nay chỉ mất 10 phút và chi phí còn rẻ hơn một ly cà phê đá xay.
Nền kinh tế bùng nổ của Trung Quốc cũng khơi gợi lên ham muốn tình dục của người anh em Hong Kong. Người Hong Kong không trải qua dưới chế độ Cộng Sản vì họ là thuộc địa của Anh đến năm 1997 mới trở về với Trung Quốc. Nhưng chính vì những nguồn đầu tư mới ồ ạt từ Trung Quốc cuốn theo những yi lai đến biên giới Hong Kong làm đàn ông ở đây cũng bị đắm chìm vào cơn lũ tình ái. Martin, một người chạy việc vặt ở Hong Kong 41 tuổi, bô lô ba la với tôi về chuyện nuôi yi lai rẻ thế nào và còn nhấn mạnh rằng anh ta và người tình đã gặp nhau khi cô ấy mới 18 tuổi và lập tức đã yêu nhau thắm thiết. Anh ta kể lại lần gặp đầu tiên của họ trong tiệm mát-xa cứ như một buổi hẹn hò thật sự. Anh bảo: “Tôi biết rằng cô ấy cũng muốn chung sống với tôi,” và đó là lý do họ dọn vào ở chung trong một căn hộ.
Một tình yêu “không vụ lợi” sẽ càng được trân trọng hơn trong cái thời buổi mà đồng tiền quyết định tất cả này. Martin tự hào khẳng định lại nhiều lần rằng yi lai của anh chẳng bao giờ đòi hỏi tiền bạc như bà vợ ở nhà. Martin cho biết anh đến với nhân tình rất khiêm tốn ngay từ đầu nên họ có chung “văn hóa”. “Cô ấy nấu cho tôi bữa tối và phục vụ tôi như một vị vua. Sáng thức dậy đã thấy có sẵn tách trà và quần áo được chuẩn bị sẵn sàng. Còn các bà vợ Hong Kong thì đừng hòng có chuyện này.”
Martin xem yi lai của mình như vợ lẽ. Anh quốc thôn tính Hong Kong vào năm 1842 nhưng đến 1971 mới nghiêm cấm chuyện lấy vợ lẽ (chuyện này là hợp pháp từ thời nhà Thanh). Thời xưa vợ lẽ hay tì thiếp thường dành cho các danh môn vọng tộc nhưng giờ đây ngay đến những người đàn ông thuộc tầng lớp lao động như Martin cũng có thể lập phòng nhì song song với gia đình chính thức.
Nhưng yi lai của Martin lại thích xem mình là vợ chính thức hơn. Martin cho biết chỉ có truyền thông và phụ nữ Hong Kong mới dùng từ yi lai . Cô bảo bạn bè rằng Martin vẫn còn độc thân và yêu cầu anh xưng hô với cô là “vợ, chồng” mặc dù chỉ biết ngồi lặng im mỗi khi Martin nói chuyện điện thoại với vợ chính thức. (Thường anh ta bảo với vợ rằng mình đang làm ca đêm). “Nếu tôi gọi cô ấy là yi lai thì cô ấy sẽ nghĩ rằng mình đang bị sỉ nhục. Cô ấy chấp nhận sự thật tôi đã có vợ ở Hong Kong nhưng khi đến Trung Quốc thì hãy đối xử với cô ấy như một người vợ đàng hoàng.”
Khi Martin đến Thẩm Quyến thì cô nàng bám dính lấy anh không cho các cô gái khác có cơ hội. (Giống như những ông chồng thật sự, anh thường đi cùng bạn đến trước giờ hẹn vài tiếng để “giải trí”). Martin khoe khoang rằng anh ta còn cho cô ấy biết cả tên thật của mình, không giống như những người đàn ông khác thường lấy tên giả để có thể tự do biến mất khi mất việc hoặc khi muốn tìm các cô khác trẻ đẹp hơn. Sau bốn năm rưỡi bên nhau, Martin và yi lai của anh đã có một kết thúc lãng mạn: Rốt cuộc cô có đi cưới chồng thì sẽ vẫn “qua lại” với anh.