CHƯƠNG X: Cuộc cách mạng tình dục

Nói yi lai chấp nhận theo mình vì tình yêu chân thật chẳng khác nào xem con ở là người nhà. Thử không trả lương xem nó sẽ ở lại làm việc được bao lâu. Farrer và đồng nghiên cứu Sun Zhongxin đã phỏng vấn người Thượng Hải về chuyện ngoại tình thì thấy rằng người ta rất thích dùng “tình yêu” để che đậy cho chủ đích thật sự. Khi phép màu tình yêu tan biến bộ mặt thật của vụ lợi sẽ hiện rõ ra ngay. Sau khi Mimi, 31 tuổi, phát hiện ra nhân tình của mình không có ý định ly dị vợ thì cô ta bắt đầu đòi hỏi tiền bạc. Và cô ngày càng làm to chuyện hơn. Khi vợ của ông ta gọi đến văn phòng làm việc của họ thì Mimi nghe máy. Lúc bà ta bảo: “Tôi là bà Li ở Đài Bắc,” Mimi đáp lại ngay rằng: “Còn tôi là bà Li ở Thượng Hải.”

Những lý do biện hộ sẽ thay đổi tùy theo trường hợp. Khi người vợ đặt vấn đề thì người chồng thường bào chữa cho mình bằng một lý do cố hữu là: người đàn ông đi làm kiếm tiền nuôi gia đình không cần phải chung thủy. “Tất cả đàn ông nuôi vợ bé đều bảo rằng họ là những người chồng, người cha có trách nhiệm. Họ sẽ biện bạch rằng ‘Tôi phải mang tiền về nhà,’” nhà nhân loại học Siumi Maria Tam thuộc Đại học Trung Hoa ở Hong Kong bảo tôi. “Tiền bạc là yếu tố quyết định cho một người chồng tốt chứ tình cảm thì không có sức ảnh hưởng mấy… Cách dễ nhất để tỏ ra mình có trách nhiệm là đem tiền về nhà và biếu tiền cha mẹ.”

Cách mạng tình dục ở Trung Quốc rất dễ lây lan. Tôi luôn được nghe chuyện đàn ông phương Tây sau khi đến làm việc ở đây vài tháng thì đã thấy rằng họ không phải dạng người có thể sống một vợ một chồng. Xu hướng chung (áp lực từ những người cùng giai cấp) định hình cho một nền văn hóa tình dục. Khi mọi người xung quanh cho rằng ngoại tình là chuyện bình thường và bạn có quyền cho phép bản thân làm vậy và chẳng có hại gì thì bạn bắt đầu cảm thấy đó là ý kiến hay. Không phải Martin nuôi yi lai vì anh ta có khả năng mà vì bạn bè anh ta cũng làm vậy. Ở Thẩm Quyến, họ thường tổ chức gặp mặt theo nhóm với các mạnh thường quân Hong Kong khác và mang các yi lai đi cùng.

Những cuộc ngoại tình xen lẫn giữa tình yêu và nhiều tiền bạc được ca ngợi trong thời Trung Quốc hiện đại. Một trong những nhân vật truyền thuyết này là Wendi Deng. Sau nhiều mối tình, cuối cùng cô cũng tóm được ông chồng hời nhất: tỷ phú Rupert Murdoch. Con đường dẫn đến hôn nhân của cô chẳng khác nào một kim chỉ nam cho các cô gái Trung Quốc đầy tham vọng. Theo tờ Wall Street Journal, Deng là con của một giám đốc nhà máy, lúc cô 16 tuổi và đang học Đại học Y ở Quảng Châu thì gặp một phụ nữ Mỹ tên Joyce Cherry và được cô này dạy cho tiếng Anh. Chồng của Joyce tên Jake và làm nghề tư vấn lắp ráp kho lạnh cho một nhà máy Trung Quốc. Hai vợ chồng này mến Deng đến nỗi khi cô tỏ ý muốn đi học ở Mỹ thì họ liền tài trợ cho cô visa và giúp cô nộp đơn vào một trường đại học gần nhà họ. Họ thậm chí còn giúp đỡ cho đến khi cô tự lo được mọi việc. (Lúc đó cả hai vợ chồng nhà Cherry cùng quay về California.)

Ngay sau đó, bà Cherry phát hiện những tấm hình gợi cảm mà Jake chụp Deng trong một khách sạn ở Trung Quốc. Hai năm sau thì họ ly hôn và Jake cưới Deng. Theo tờ Journal , mối hôn nhân này chỉ kéo dài hơn thời gian Deng lấy quốc tịch Mỹ một chút. Sau khi tốt nghiệp cấp ba, Deng vào trường kinh tế của Yale, sau đó thực tập và được vào làm chính thức trong một công ty cung cấp dịch vụ truyền hình vệ tinh khu vực châu Á của Murdoch mang tên Star TV. Tờ Journal cho biết, chỉ khoảng 9 tháng sau lần đầu tiên Deng xuất hiện trước công chúng dưới vai trò thông dịch viên tiếng Hoa của Murdoch ông đã thông báo với toàn bộ ban lãnh đạo rằng quan hệ giữa họ là “nghiêm túc”. Một năm sau thì Murch ly dị vợ và kết hôn với Deng.

Những câu chuyện kiểu này là kim chỉ nam cho một số tầng lớp phụ nữ Trung Quốc. Tam thuộc Đại học Trung Hoa ở Hong Kong phát biểu: “Hãy hỏi bất kì một phụ nữ học thức kém rằng ‘Mục tiêu của đời cô là gì?’ họ sẽ trả lời ngay rằng ‘Thì cưới chồng giàu chứ là gì nữa.’”

***

KHÔNG PHẢI AI cũng đồng tình với nền văn hóa tình dục mới của Trung Quốc. Nhiều quan chức chính phủ vẫn muốn lập lại nền văn hóa tình dục như những năm 70. Viễn cảnh hàng triệu cử tri của mình lăn lộn trên giường cùng với nhân tình không tuân theo luật lệ làm cho chính quyền Bắc Kinh lo lắng. Nếu đối với người dân trung lưu Trung Quốc, ngoại tình chỉ là biểu tượng cho tự do và thể hiện bản thân thì mặt khác đối với chính quyền đó chính là sự đánh mất quyền lực.

Khi một công chức khẳng định rằng ngoại tình sẽ phá hoại giá trị gia đình và làm tăng tỷ lệ giết người thì sự lo lắng của Bắc Kinh bắt đầu sôi sục. Ngoại tình là con ma thế thân hợp lý nhất cho bất kì chuyện gì, và người ta còn chuyển hướng đề tài sang những vấn đề nghiêm trọng hơn ví dụ như mức sống chênh lệch quá lớn giữa người dân nông thôn và thành thị.

Một trong những yếu tố phát sinh ra từ ngoại tình là nạn tham nhũng xuất hiện ngay trong bộ máy nhà nước. Một hội thẩm các chuyên gia đã điều tra được 95% công chức nhà nước từng ăn hối lộ đồng thời cũng có nhân tình, còn xét riêng về khu vực miền Nam (trong đó có Thẩm Quyến) thì tất cả bọn họ đều như vậy. Các chuyên gia kết luận rằng biện pháp ngăn ngừa tham nhũng và đồi trụy là phải nghiêm cấm chuyện ngoại tình. Luận điểm đưa ra ở đây dựa trên việc các công chức phải tham ô để đáp ứng nhu cầu của người tình như các chuyến đi nghỉ mát hoặc những đôi giày của các nhà thiết kế danh tiếng, vì vậy nếu họ không vụng trộm thì họ không phải thụt két nhà nước.

Thỉnh thoảng tổ chức chính quyền địa phương cũng thực hiện những hành động chống phá nạn ngoại tình. Thành phố Nam Kinh yêu cầu các công chức báo cáo về nhân tình của họ cho chính quyền địa phương. Tỉnh Quảng Đông, bao gồm Thẩm Quyến, quyết định xử phạt các đôi tình nhân chưa cưới nhưng sống chung quá 2 năm tại các trại lao động khổ sai. Luật này chủ yếu nhắm vào những người đàn ông đã có gia đình và các cô nhân tình ở lục địa. Nhưng chỉ vài trường hợp bị khởi tố, vì bản thân các bà vợ ở Hong Kong phải đâm đơn kiện và họ lại sống ở Hong Kong, nên điều đó nằm ngoài thẩm quyền của Trung Quốc.

Duy chỉ có một điểm sáng là cuộc thảo luận quốc gia gần như công khai và dân chủ nhất của Trung Quốc về chuyện Bắc Kinh có nên đưa ngoại tình vào tội hình sự hay không, những trường hợp nào được coi là ngoại tình, và người thứ ba trong chuyện này có nên bị truy tố không. Thậm chí người ta còn đưa ra ý kiến xem việc vợ chồng không sống chung là bất hợp pháp. Nhưng nghĩ đến việc cảnh sát Trung Quốc dùng hầu hết thời gian để chuyển sang công tác đi lục soát các nhà nghỉ đã làm cho các nhà cầm quyền đảng Cộng Sản phải cân nhắc lại. Rốt cuộc phiên bản cuối cùng của luật hôn nhân chỉ cho phép người dân khởi kiện về đổ vỡ hôn nhân nếu có thể chứng minh được bạn đời của mình đang chung sống cùng kẻ khác.

Văn hóa tình dục mới của Trung Quốc không những làm phiền các nhà cầm quyền mà còn chẳng giúp ích được gì cho các ông chồng hay bà vợ đang có bạn đời lăng nhăng. Họ hài lòng với hệ thống văn hóa tình dục cũ vì nó bảo vệ gia đình của họ hiệu quả hơn.

Khi gặp Winnie, một thợ may tuổi 50 ở Hong Kong, sinh ra ở Trung Quốc và 20 tuổi mới đến đây, nhắc cho tôi nhớ rằng Trung Quốc có lẽ là nơi ở tệ hại nhất cho phụ nữ trung niên. Winnie có linh cảm xấu đầu tiên về hôn nhân của mình khi chồng cô bắt đầu bàn tán về phụ nữ. “Ông ta bảo, ‘Nếu tôi tìm được phụ nữ xấu hơn bà thì bà nghĩ sao? Còn nếu tôi tìm được người nào xinh như Lý Nhược Đồng [cựu hoa hậu Kong Kong – ND] thì bà nghĩ sao?’” Winnie cảm thấy buồn rầu. Cô có đôi tay thô kệch và khuôn mặt bèn bẹt, dĩ nhiên chẳng thể nào đem so sánh với Lý Nhược Đồng được.

Chồng cô đã dành nhiều thời gian trở lại Trung Hoa lục địa, quê của họ, cách Hong Kong khoảng 2 tiếng lái xe, để vờ giúp bạn mình tìm vợ. Và rồi có điều gì đó đã cướp mất hồn của anh ta. Anh ta không còn muốn ở nhà vào mỗi thứ 7 với Winnie và con cái nữa.

Khi Winnie cùng chồng về thăm quê thì có hai phụ nữ trẻ vào ngồi cạnh bàn ăn của họ trong nhà hàng nhưng chẳng nói năng gì. Một trong số họ nhìn rất giống Lý Nhược Đồng. Winnie cảm thấy đây là một sự thăm dò hay điều tra. Nhưng hôm sau khi cô hỏi chồng về chuyện này thì anh ta bảo không nhớ là đã thấy mấy cô gái đó.

Sự thật thì anh ta chẳng kể cho vợ nghe về chuyện gì đang xảy ra vì không lời biện bạch nào có thể thoát khỏi cặp mắt của Winnie cả. Và khi cô gọi đến công ty thì họ đều tưởng cô là người phụ nữ kia vì họ hỏi rằng: “Cô từ Trung Quốc đến Hong Kong phải không?” Ai cũng biết được điều này, duy chỉ có cô thì không. Chồng của cô cũng chẳng thẳng thắn thừa nhận chuyện gì cả nhưng thường ậm ừ rằng: “Chuyện này có vấn đề gì đâu, ai mà chẳng làm vậy.”

Winnie cảm thấy vô cùng tuyệt vọng. Một lần cô định đòi quyền lợi và bảo chồng rằng: “Nếu anh có thêm người phụ nữ khác thì em phải làm lớn, cô ta làm nhỏ và phải rót trà mời em để qua cửa.” Nhưng rốt cuộc cô chẳng nhận được tách trà nào cả vì chồng cô mang trong đầu một suy nghĩ hoàn toàn khác mà bạn bè và đồng nghiệp thêu dệt vào đầu anh. Trong suy nghĩ này, Winnie chẳng có địa vị đặc biệt gì cả. Winnie bảo: “Có lẽ ông ta đang cảm thấy quá tự hào vì bản thân mình sở hữu được hai người phụ nữ cùng một lúc.”