Có hay không có thảo mộc ăn thịt côn trùng?

Từ khóa tìm kiếm: Hãy Trả Lời Em Tại Sao? – Tập 3 – Arkady Leokum

Sao lại ngược ngạo như vậy? côn trùng ăn, phá thảo mộc thì có chứ thảo mộc – không có mỏ, miệng, tay, chân – thì làm sao bắt được côn trùng mà ăn thịt? Vậy mà có sự ngược ngạo đó!

Nếu bạn không bao giờ tự tay trồng hoa – thấy hoa đẹp thì bỏ tiền ra mua – bạn sẽ không thể ngờ được có một vài thứ hoa phô sắc rực rỡ, khoe hương ngọt ngào, vậy mà hiểm độc đáo để. Hương ấy, sắc ấy chính là cái bẫy, cái lò sát sinh dành cho các côn trùng.

Có ít nhất ba giống cây ăn thịt sâu bọ. Mỗi giống cây có mánh, có bẫy – nghĩa là có tuyệt chiêu – khác nhau hầu săn bắt và hạ thịt con mồi để làm thức ăn nuôi thân.

Giống cây ăn thịt nổi tiếng nhất phải kể đến thứ cây có tên là cây “nắp bình” mọc trên đảo Bornéo (nước Indonesia) và ở nhiều vùng châu Á nhiệt đới. Cây “nắp bình” này tiết ra một thứ mật thơm, ngọt để hấp dẫn, quyến rũ sâu bọ tới. để tăng thêm sức quyến rũ “nạn nhân”, ngoài thứ mật thơm ngọt, loại cây này còn dùng tới màu sắc: cái lá có dạng như cái bình màu đỏ.

Sâu bọ tới “tham quan” và hút mật. Sâu bọ bò vào cái bình đó tức là chui đầu vào cái bẫy. Phía bên trong của cái bình rất trơn, đến nỗi một khi đã đặt chân vào đó là trơn tuột xuống, không thể nào dừng lại được. Dưới đáy cái bình có một chất lỏng đặc biệt chờ sẵn. Khi sâu bọ rớt vào chất lỏng này là “a lê hấp”, ngay lập tức, chất lỏng này tác động và chế biến sâu bọ thành thực phẩm nuôi cây.

Cây sương mai là một thứ cây ăn thịt khác. Mặt trên của mỗi cái lá của nó có phủ một lớp tơ tiết ra một thứ chất lỏng dính như keo để bẫy côn trùng. Chất lỏng ấy nom giống như hạt sương mai. Bởi vậy nó mới được gọi là sương mai. Một khi mà có con sâu bọ hay côn trùng nào vô phúc lỡ chạm phải mấy sợi tơ trên lá của nó thì thôi, có mà Trời gỡ. Vừa chạm phải thì lập tức các sợi tơ ấy quấn chặt lấy côn trùng như một cái kén. Rồi chất lỏng trên lá sẽ chế biến côn trùng thành lương thực. Vừa chế biến vừa tiêu thụ, một cái lá phải mất hai ngày mới giải quyết xong thực phẩm. đến lúc đó mấy sợi tơ quái ác kia mới lại mở ra để đón côn trùng khác.

Ở một vài nơi trong các bang Bắc và Nam Carolina (Hoa Kỳ) có loại cây gọi là “bẫy ruồi của Vệ Nữ”. Loại cây này mới đúng là thứ “ăn thịt” dữ dằn hơn hết trong các thứ thảo mộc ăn thịt. Mỗi cái lá của nó lúc nào cũng như hai cái hàm mở rộng và háu đói. Khi một chú ruồi chạm phải sợi lông mọc ven mép nó, thế là cái nắp của nó đậy lại. Tiêu hóa xong chú ruồi, cái nắp ấy lại mở ra.