Có hay không sự tái tạo cơ phận nơi cơ thể sinh vật?

Từ khóa tìm kiếm: Hãy Trả Lời Em Tại Sao? – Tập 3 – Arkady Leokum

Con người bị cụt chân cụt tay thì không thể “mọc” ra chân khác, tay khác, nhưng có những sinh vật làm được. Sự kiện một cơ phận khác mọc ra để thay thế cơ phận bị cụt, bị mất được gọi là sự tái tạo.

Sự tái tạo này rất khác nhau, tùy theo mỗi loại sinh vật. Chẳng hạn có vài giống sâu bọ và sò ốc có thể phát triển một phần tí ti của thân thể ra thành một cơ phận đầy đủ đã bị mất, nếu cơ phận ấy còn lại dù chỉ chút xíu, thì thời gian sau sẽ mọc lại “y chang” như cũ.

Nếu chỉ vì cơ thể bạn không thể tái tạo được cái chân cụt của bạn mà bạn tưởng cơ thể loài người hoàn toàn không có khả năng tái tạo thì bạn lầm. Sự tái tạo vẫn liên tục diễn ra trên toàn thân mà bạn không biết đấy thôi.

Bằng chứng là lớp da của bạn vẫn bị “tróc” ra đều đều và được thay bằng lớp da mới đó. Còn nữa, tóc, móng tay, móng chân… vẫn “mọc” đều đều đấy. Lớp răng sữa của bạn rụng và được thay bằng lớp răng mới đó chi? Và, tất nhiên lớp lông vũ nơi loài chim, lớp lông mao nơi loài thú, lớp vảy… cũng được thay thế – nếu không toàn thể thì ít ra cũng một phần.

Những cơ thể càng phức tạp – cơ thể con người là phức tạp nhất – thì khả năng tái tạo càng thấp. Con người và tất cả loài động vật có vú không thể tái tạo toàn bộ một cơ quan. Nhưng một vài giống sâu bọ, bò sát thì có thể tái tạo đầy đủ một “chi” thể bị cụt của nó. thằn lằn bị đứt đuôi chỉ ít lâu sau là lại mọc ra đuôi mới. Sự tái tạo mà cơ thể con người có được không phải là để thay thế mà để sửa chữa, để vá lại những hư hỏng có mức độ, chẳng hạn như xương bị gãy có thể lành, da bị mụt ghẻ làm hư có thể lành, một vài dây thần kinh bị đứt có thể liền lại…

Sự tái tạo diễn ra theo hai cách. Cách thứ nhất là những mô mới phát triển ra trên bề mặt vết thương. Cách thứ hai là phần còn lại của bộ phận sẽ biến đổi và tổ chức sắp xếp lại mà không làm phát sinh chất liệu mới. trên vết thương có cái “núm”, cái thẹo, đó chính là cách tái tạo theo kiểu thứ nhất. một chi thể mới mọc ra thay chi thể cũ bị cụt là cách tái tạo thứ hai. trong sự hình thành chi thể mới ta thấy có sự xuất hiện của những tế bào loại phôi. Loại tế bào này hiện diện ngay từ lúc sinh vật vừa ra đời nhưng nó nằm im “đợi thời”. Khi có thời cơ – nghĩa là khi cần đến – những tế bào này phát triển thành những tế bào đặc biệt để hình thành chi thể mới. Khi những tế bào này phát triển thì chi thể mới cũng bắt đầu hình thành.