Thói quen dùng nĩa có nguồn gốc từ đâu?
Từ khóa tìm kiếm: Hãy Trả Lời Em Tại Sao? – Tập 1 – Arkady Leokum
Người đầu tiên dùng thứ dụng cụ thô kệch có dạng cái đinh ba để xiên thức ăn đưa lên miệng có lẽ sống cách nay hàng mấy ngàn năm. Nhưng thói quen dùng nĩa như người Âu Mỹ như hiện nay thì chỉ mới có đây thôi.
Nhiều học giả tin rằng cài nĩa ngày nay có gốc gác từ mũi tên và rằng lúc đầu nó chỉ được sử dụng như một cái tăm ta dùng để cạy thức ăn dính vào răng.
Nhưng, như ta biết, cái nĩa ngày nay lúc đầu chỉ sử dụng trong việc nấu ăn và ghim cho miếng thịt đứng im đặng cắt ra cho dễ dàng. Nhưng cái nĩa dùng vào việc này thường chỉ có “hai răng”, có cán dài và làm bằng sắt, bằng xương hay bằng gỗ cứng.
Phải mất một thời gian lâu dài, nĩa mới được người ta sử dụng trong bữa ăn. Mới chỉ cách nay 300 năm thôi, nĩa vẫn còn là đồ vật hiếm lạ đối với người Âu. Mãi đến thế kỷ XVII, ở bên Pháp, mọi người vẫn ăn bốc. Ngay như trong cung điện vua Louis XIV – một ông vua nổi tiếng có đời sống xa hoa sang trọng – trong các buổi yến tiệc, từ vua cho đến triều thần vẫn cứ ăn bốc. Cả triều đình nổi tiếng thanh lịch như vậy mà không một ai biết sử dụng cái nĩa ra làm sao.
Khi người đầu tiên dùng nĩa để ăn thì mọi người xúm vào cười, cho là cầu kỳ, kiểu cách. Vào thế kỷ XI, khi một người phụ nữ giàu có ở thành phố Venice (nước Italia) ăn với một cái nĩa nhỏ bằng vàng thì bạn có biết thiên hạ viết về bà như thế nào không? đây: “Thay vì ăn uống như mọi người, mụ dùng cái nĩa có hai “răng” ghim thức ăn đưa lên miệng, cắn từng miếng”.
Năm trăm năm sau, tức là vào thế kỷ XVI, ngay tại Venice, việc sử dụng nĩa được mô tả như sau: “Ở Venice, mỗi người trong bữa ăn, ngoài con dao cái muỗng còn có cái nĩa dùng ghim miếng thịt để cắt ra vì họ cho rằng lấy tay cầm miếng thịt là một cử chỉ thô bỉ”.
Từ thế kỷ XVII trở đi, cách thức ăn uống mới có cái phong cách hiện đại. Khắp nước Italia bắt đầu có nĩa mạ bạc trên bàn ăn. đến cuối thế kỷ XVIII thì nĩa được coi như một đồ dùng cần thiết trên bàn ăn của hầu hết những người có học thức.