Có phải kim loại hiếm đều thực sự “hiếm có” không?
Trong “đại gia đình” kim loại có đến 53 kim loại được gọi là kim loại hiếm. Nhưng liệu có phải các kim loại được gọi là hiếm tất cả đều ít có không? Đương nhiên có nhiều kim loại hiếm thực sự là “ít có”. Thế nhưng cũng có không ít kim loại hiếm được gọi là hiếm nhưng thực sự không hiếm lắm trong vỏ Trái Đất. So với hàm lượng của nhiều kim loại như đồng, kẽm, chì có nhiều kim loại hiếm có hàm lượng trong vỏ Trái Đất nhiều hơn nhiều lần. Liti, thori, Ytri là kim loại hiếm nhưng lại có hàm lượng trong vỏ Trái Đất còn lớn hơn chì. Ziriconi có hàm lượng trong vỏ Trái Đất không ít hơn đồng.
Nếu như các kim loại không phải là ít có nhưng vì sao lại được “đội chiếc mũ” kim loại hiếm? Các kim loại hiếm thường phân bố tản mạn trong vỏ Trái Đất. Người ta rất khó tìm thấy các điểm tập trung lớn các khoáng sản của nhiều kim loại hiếm, cũng như không dễ tìm thấy các khoáng sản tập trung để có thể tiến hành quá trình luyện kim. Trước đây người ta chưa có cách khai thác và thu được các kim loại này nên người ta gọi chúng là các “kim loại hiếm”. Nhờ sự phát triển của khoa học kỹ thuật, không ít kim loại hiếm được khai thác và luyện kim trở thành các “ngôi sao sáng” trong họ hàng nhà kim loại.
Hàm lượng kim loại hiếm trong vỏ Trái Đất không ít, nhưng các lớp khoáng có chứa chúng quá tản mạn, khó khai thác được lượng lớn. Quá trình luyện kim đối với chúng lại là việc không dễ, nên giá thành khai thác chúng không kém gì vàng. Berili là một ví dụ. Trong kỹ thuật hạt nhân, berili được dùng trong các lò phản ứng hạt nhân để làm chất giảm tốc độ của các nơtron. Berili thuộc “kim loại nhẹ”, có cường độ lớn, chịu được nhiệt độ cao, nên kỹ thuật tên lửa cũng cần đến. Berili lại có khả năng hấp thụ nhiệt rất lớn nên là vật hàng đầu để chế tạo các vệ tinh nhân tạo, con tàu vũ trụ. Hợp kim đồng – berili có độ cứng, độ bền rất lớn, tính đàn hồi tốt nên không thể thiếu trong việc chế tạo các linh kiện máy móc tinh vi.
Niobi cũng là kim loại có những đặc điểm lý thú. So với vàng thì hàm lượng niobi trong vỏ Trái Đất lớn hơn hàng trăm lần. Hàm lượng niobi trong vỏ Trái Đất cũng lớn hơn bạc đến mấy chục lần. Niobi là kim loại hết sức “ngoan cường”. Trừ hyđro florua, các axit khác không có bất cứ tác dụng nào với niobi. Nhiệt độ nóng chảy của niobi đến 2400°C, là kim loại chịu được nhiệt độ rất cao. Kim loại niobi có thể hấp thụ được lượng lớn các chất khí. Ở nhiệt độ thường, 1kg niobi có thể hấp thụ 104 lít hyđro! Vì có đặc tính kỳ lạ này nên niobi là vật liệu tốt để chế tạo các đèn điện tử. Ngoài ra, khi thêm một ít niobi vào thép không gỉ thì tính chống ăn mòn và tính chịu được nhiệt độ cao của thép không gỉ được cải thiện nhiều. Niobi cũng là kim loại không thể thiếu trong công nghệ nguyên tử.
Từ câu chuyện về berili và niobi mới biết không phải mọi loại kim loại hiếm đều là hiếm có.