Có phải mặt trăng đang đi xa chúng ta?
Từ khóa tìm kiếm: Hãy Trả Lời Em Tại Sao? – Tập 12 – Arkady Leokum
Bằng cách dội các tia laser vào các tấm gương đặc biệt được để lại trên mặt trăng bởi các phi hành gia tàu Apollo, các nhà thiên văn học đã có thể chỉ ra rằng thiên thể láng giềng gần chúng ta nhất đang đi ra xa 3,8 cm mỗi năm. Nó được tin là sự bù đắp cho sự lôi kéo thủy triều mà mặt trăng tác động lên hành tinh chúng ta, làm chậm lại tốc độ xoay của trái đất và đẩy mặt trăng ra xa chúng ta hơn để bù lại cho moment góc đã mất.
Cuối cùng sẽ đến một lúc nào đó khi mặt trăng đã đi xa tới mức nó trở nên quá nhỏ để che lấp mặt trời, cướp mất của chúng ta một hiện tượng ngoạn mục vô song trong hệ mặt trời: nhật thực toàn phần. Giả thiết rằng kích thước vật lý thực của mặt trăng, mặt trời và quỹ đạo của chúng ta là không đổi, một ước lượng đáng tin cậy đã gợi ý rằng, với tốc độ lùi dần hiện tại, mặt trăng sẽ không thể tạo ra nhật thực toàn phần nữa sau khoảng 420 triệu năm. Vì vậy không cần phải lo sợ quá sớm.
Mọi chuyện rất hiếm khi đơn giản nếu chúng liên quan tới cơ chế vận động của các thiên thể, cho nên tôi đã nêu lên vấn đề với tiến sĩ Duncan Steel, một nhà thiên văn học và là tác giả của tác phẩm nổi tiếng Thiên thực (Eclipse, Headline Press, 1999). Ông đã chỉ ra rằng khoảng thời gian được ước lượng như trên là quá lớn, lớn tới mức một vài giả thiết có thể là sai. Ví dụ, đường kính mặt trời có thể thay đổi đáng kể sau 400 triệu năm do việc đốt đi một phần lớn nhiên liệu nguyên tử của nó. Kích thước của quỹ đạo trái đất có thể cũng sẽ thay đổi, theo một cách có thể bù lại sự thay đổi đường kính mặt trời. Các chi tiết thật không dễ ước lượng và tiến sĩ Steel nói thêm rằng, trong bất cứ trường hợp nào, hiện tượng nhật thực sẽ ngừng lại, ít nhất là tạm thời, rất lâu trước khi 400 triệu năm trôi qua, là kết quả của những thay đổi chu kỳ trong quỹ đạo của cả trái đất và môi trường.