Có thể dùng phương pháp laze để điều trị cận thị không?
Ngày nay, rất nhiều thanh thiếu niên do không biết giữ gìn mắt khi đọc sách, học bài nên dẫn đến hậu quả là mắt bị cận thị, suốt ngày phải đeo cặp kính cận. Tuy đeo kính có thể giúp người mắt kém nâng cao thị lực nhưng việc đeo kính lại có nhiều bất tiện, chưa kể là mắt kính chẳng bao giờ có tác dụng điều trị cận thị cả. Vì thế, nhiều năm lại đây, các nhà vật lý học cũng như các bác sỹ luôn mong muốn có thể tìm ra một phương pháp điều trị cận thị từ các ứng dụng của vật lý.
Những năm 70 của thế kỷ 20, bác sỹ nhãn khoa của Liên Xô (cũ) đã tìm ra kĩ thuật điều trị cận thị từ băng phương pháp phẫu thuật thay đổi độ cong của giác mạc, mang lại hiệu quả điều chỉnh hình ảnh hội tụ đúng võng mạc. Sau này, việc phát minh ra dao mổ laze khiến thao tác trở nên dễ dàng hơn, chuẩn xác hơn. Con người đã nhanh chóng thay thế phương pháp mổ ngoại khoa thông thường bằng phương pháp mổ laze, đem lại hiệu quả điều trị cận thị an toàn và cao hơn hẳn.
Để hiểu hơn về phương pháp mổ cận bằng laze, ta sẽ tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến cận thị nhé! Cấu tạo của mắt người gồm giác mạc, thủy tinh thể, võng mạc và các thành phần hoàn chỉnh khác. Trong tình trạng bình thường, ánh sáng đi qua vật thể, tới giác mạc và thủy tinh thể, đồng thời hình thành ảnh rõ ràng ở võng mạc. Nhờ vậy, mắt nhìn được vật thể. Nhưng người bị cận thì chỉ nhìn rõ vật ở cự li gần, ở khoảng cách xa sẽ bị mờ, nhìn không rõ. Bởi lẽ, mắt cận thị thì trục nhãn cầu quá dài, hoặc công suất hội tụ của giác mạc và thủy tinh thể quá lớn khiến cho hình ảnh hội tụ ở phía trước võng mạc, tạo nên hình ảnh không rõ ràng ở võng mạc. Mắt kính cận thông thường giống như một thấu kính lõm, có tác dụng phân kì đối với chùm sáng, khiến những hình ảnh của vật thể ở xa có thể rơi đúng võng mạc, từ đó có tác dụng điều chỉnh thị lực.
Khác với việc đeo kính, điều trị cận thị bằng phương pháp laze là lợi dụng kĩ thuật laze để thay đổi độ cong của giác mạc, giúp điều chỉnh thị lực ở người bệnh, người bệnh có thể nhìn rõ vật thể. Phẫu thuật điều trị cận thị bằng máy laze exime, có thể phát ra sóng tia tử ngoại dài 193 nm (1 nm = 10-9 m). Dưới sự điều khiển của máy tính, laze từng chút từng chút tiến hành “gia công” đối với bề mặt của giác mạc, trở thành một “con dao phẫu thuật” vô cùng tinh xảo. Laze có được công năng kiện toàn như thế là nhờ tính chất đơn sắc, đơn phương hướng, cũng như đặc điểm dễ điều khiển, ổn định cao.
Phẫu thuật bằng phương pháp laze cũng có thể điều trị viễn thị hay tật loạn thị ở mắt, có ưu điểm thời gian phẫu thuật ngắn, an toàn, không đau, kết quả sau mổ ổn định. Hiện nay, ở các nước Mỹ, Đức, Anh, Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam… đều sử dụng phương pháp điều trị cận thị bằng laze, tỉ lệ thành công lên tới trên 93%.
Từ khóa: Laze, cận thị.