Con mực hay con “cá mực”?

Từ khóa tìm kiếm: Hãy Trả Lời Em Tại Sao? – Tập 2 – Arkady Leokum

Vào thời Columbus giong buồm đi tìm châu Mỹ, có câu chuyện truyền thuyết kể rằng trong đại dương có những thủy quái từ dưới lòng đại dương đục thủng đáy tàu và lôi các thủy thủ xuống lòng đại dương. Tất nhiên là phóng đại. Làm gì có những thủy quái như vậy!? Có thể các thủy thủ trông thấy những con bạch tuộc khổng lồ nên sợ quá mà thêu dệt ra như vậy.

Mực tuộc, bạch tuộc khổng lồ hay con mực, tất cả đều thuộc loài nhuyễn thể thuộc lớp có tên khoa học là “cepha- lopoda” nghĩa là “chân lộn lên đầu”. Tuy nhiên con mực mình dài, mảnh mai, có vây hình tam giác và một cái đầu hình vuông với đôi mắt to thô lố và mười cái “râu” hay cánh tay. Ở phía dưới những cánh tay là những lỗ giác hút. đặc biệt miệng của các lỗ giác hút này là những cái vòng bằng chất sừng. Hai trong số mười cái “râu” mực thì dài hơn số còn lại, đồng thời dẻo dai hơn. Các giác hút tập trung nhiều ở cuối các sợi râu được mực sử dụng như những cánh tay. Hai cái “râu” dài nhất mực dùng để đưa thức ăn vào miệng hoặc để giữ thức ăn khi miệng đang mắc nhai thức ăn. Hàm của mực làm bằng chất sừng đặt vòng quanh miệng được bao quanh bởi những chân “râu”.

Phía dưới lớp áo – hay là một loại “da” – là một cái mai mực có thể được coi như vái vỏ của con sò. Rất có thể đây là cái vỏ – như vỏ sò – mà thời tổ tiên xa xăm của mực đã có. Có rất nhiều giống mực khác nhau và một trong các giống ấy gọi là “mực khổng lồ”. đó là một động vật không xương sống lớn nhất trên địa cầu này. Ở vùng biển bắc đại Tây Dương có giống mực khổng lồ dài tới 1,6m, kể cả “râu”. Có giống mực khổng lồ khác dài cỡ 2,2m.

Mực cũng như mực tuộc và những giống mực khác đều có thể phun ra chất lỏng giống như mực, tạo ra “hỏa mù” để trốn chạy. Có một nhóm mực đáng chú ý là chúng có lân tinh, nghĩa là chúng tỏa ra ánh sáng lờ mờ. Bộ phần tỏa sáng ấy nằm trên “da”, trên bộ “râu”, quanh mắt và cả phía bên trong làn da của chúng. Ở chỗ tối, nhìn chúng thấy rất đẹp mắt. Cũng có giống mực được gọi là “mực bay” vì nó có thể vọt từ dưới mặt nước lên khỏi mặt nước và “bay” được một đoạn đường.

Lại nói về cá mực!

Tất cả những ai đã từng nuôi chim yến hẳn đều biết cái mai mực (cuttle-bone) mà ta dùng để cho chim yến mài cái mỏ của chúng. Tuy nhiên, ngoài cái mai mực ra thì hầu như chẳng mấy ai biết tường tận về loài cá mực. Ta gọi “cá mực” thật ra là sai. Mực không thuộc loài “cá” mà là thuộc loài “nhuyễn thể” cũng như mực ống, mực tuộc vậy.

Con mực là một sinh vật đáng cho ta lưu ý. Bằng những cái vây có hình dạng như cái khiên, mực lướt trong nước nhẹ nhàng êm ái mà không gây ra tiếng động. đôi khi, lúc đang lướt đi như vậy, cao hứng, mực ta vươn cao cặp râu (tay) thứ nhất của mình lên như để chào hỏi ai đó. Và khi ở trong khoảng cách có thể bắt con mồi, thình lình, mực vươn nhanh hai “tay” thủ sẵn trong túi nằm trong cái đầu bự phía sau đôi mắt to thô lố. đôi tay (râu) dài chụp lấy con mồi những giác hút trên cánh tay bám, hút chặt vào con mồi và đưa lại gần những đôi tay (râu) ngắn hơn – cũng có những giác hút – mọc vòng quanh đầu. Mực cũng có một bộ phận giống như cái mỏ khoằm khoằm như mỏ vẹt. Nếu con mồi là một sinh vật có vỏ cứng thì cái mỏ này chính là cái kìm, cái khoan để nạy vỏ con mồi ra. Mực đi giật lùi nhanh và tài tình không thua gì khi tiến về phía trước. Bằng động tác này, mực né kẻ thù một cách rất tài tình. Mực cũng có máy tống phản lực làm phương tiện di chuyển. Nó cũng có thể phun mực ra khiến địch thủ không nhìn thấy gì hết, trong khi ấy mực “chuồn” êm.

Chất lỏng mà mực phun ra làm hỏa mù này, được gọi là “sepia”. Thịt mực nướng thì ngon khỏi chê. Mai mực không chỉ để cho chim yến mài mỏ mà còn dùng vào được nhiều việc, như làm nguyên liệu chế tạo kem đánh răng chẳng hạn.