Đã ghép tụy thành công trên người
“Chú em đang điều trị bệnh tiểu đường type 1. Trước đây, báo chí có nói đến ghép tụy trên động vật nhằm áp dụng cho người. Xin cho biết việc đó kết quả ra sao? Bệnh tiểu đường type 1 là gì, có nặng lắm không?”.
Sau khi thất bại trong việc ghép toàn bộ tụy trên động vật để chữa tiểu đường, người ta chỉ cấy ghép các tiểu đảo Langerhans (chiếm 20% mô tụy). Và kết quả là đã có thể lấy các tiểu đảo Langerhans (TĐL) của người khỏe mạnh đem tiêm vào gan bệnh nhân tiểu đường type 1 với điều kiện phải suốt đời dùng thuốc chống miễn dịch để tránh hiện tượng thải loại mảnh ghép. Điều trở ngại là đa số bệnh nhân không chịu đựng được thuốc chống miễn dịch, nên gần 95% người được cấy ghép các TĐL đã phải tiêm lại insulin sau vài ba tháng làm thủ thuật này.
Năm 2000, một nghiên cứu của Canada đã thực hiện thành công 7 ca cấy ghép TĐL kết hợp với sử dụng chất chống miễn dịch mới (dẫn xuất của cyclosporin). Đã một năm nay, 7 người này ngưng tiêm insulin mà mức đường huyết vẫn bình thường.
Đây là tin vui làm nức lòng các bệnh nhân bị bệnh tiểu đường type1. Nhưng vẫn tồn tại hai vấn đề: Thời gian 1 năm vẫn chưa đủ khẳng định bệnh có tái phát hay không; số lượng 1 triệu TĐL dùng cho 1 bệnh nhân (tương đương với 2-3 tuyến tụy nguyên vẹn) là quá lớn, khó đáp ứng nổi nhu cầu, vì số người cho không nhiều.
Một phương pháp mới rất có triển vọng đã được đề xuất và đang hiệu chỉnh: Dùng các tế bào gốc (chưa thành thục) lấy từ tuyến tụy của con người đem nuôi cấy trong phòng thí nghiệm, cho đến khi chúng biệt hóa thành các TĐL thì đem cấy ghép.
Bệnh tiểu đường type 1 (phụ thuộc insulin) gây ra do các bất thường về gene, biểu hiện bằng sự phá hủy tuần tự các TĐL. Vì khoa học chưa tìm ra phương pháp ngăn chặn tiến trình bệnh lý này nên bệnh nhân phải đo mức đường huyết hằng ngày nhằm xử trí kịp thời khi chỉ số này lên quá cao (tối đa cho phép là 1,2 g/lít).
Trong khi đó, bệnh nhân tiểu đường type 2 (không phụ thuộc insulin) do béo phì gây ra, có thể tự chữa bằng một chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý.