Dầu mỏ và khí tự nhiên được hình thành như thế nào?

Từ khóa tìm kiếm: Hãy Trả Lời Em Tại Sao? – Tập 6 – Arkady Leokum

Dầu mỏ là một loại dịch thể chất dầu có thể đốt cháy, màu đen, có mùi hôi đặc biệt. Dầu mỏ là dịch thể có thể chảy, không thể hình thành nên một tầng nham thạch độc lập được, mà ở trong các khe trống của nham thạch. Khí thiên nhiên là loại khí có thể đốt cháy, có khi tự nó sinh ra một cách đơn độc và tàng trữ trong nham thạch nhiều lỗ hổng. Phần lớn khí thiên nhiên sinh ra cùng với dầu mỏ, khí thiên nhiên nhẹ hơn dầu mỏ, dầu mỏ ở bên dưới, khí thiên nhiên ở bên trên.

Nguyên nhân hình thành dầu mỏ và khí thiên nhiên còn là một bí mật, các nhà khoa học đâu đã tìm ra hết bí mật đó, hầu hết các nhà khoa học đều cho rằng nó sinh ra bởi chất hữu cơ. Những chất hữu cơ ấy chủ yếu là sinh vật phù du với lượng sinh sôi rất lớn, trầm tích ở trong biển cạn, các vịnh, ao hồ cùng với cát bùn hình thành nên bùn loãng chất hữu cơ. Vỏ trái đất lún xuống, chất trầm tích ở bên trên bùn loãng hữu cơ dày thêm hình thành môi trường khép kín cách ly với không khí. Bùn loãng hữu cơ này phải chịu áp lực và nhiệt độ không ngừng tăng lên, dần dần hình thành nên tầng nham khí dầu có chứa dầu mỏ và khí thiên nhiên. Những giọt dầu nhỏ li ti và bọt khí li ti ở trong tầng nham khí dầu dưới tác dụng chảy của nước sẽ tụ tập lại trong các lỗ hổng nham thạch hình thành nên những túi khí dầu mỏ trong tầng nham thạch uốn lượn lên phía trên.

Dầu mỏ được ứng dụng rộng rãi trong các mặt công nghiệp giao thông, quốc phòng v.v… là tài nguyên vô cùng quan trọng. Bằng nguyên liệu dầu mỏ có thể chế tạo ra vô số sản phẩm như chế phẩm sợi hóa học, phân hóa học dùng cho nông nghiệp v.v… Dầu mỏ được người ta gọi là “máu của công nghiệp”.

Khí thiên nhiên cũng là nhiên liệu quan trọng, thiết thực của công nghiệp và thành thị.