đôi giày ra đời từ hồi nào?
Từ khóa tìm kiếm: Hãy Trả Lời Em Tại Sao? – Tập 1 – Arkady Leokum
Những người nguyên thủy khi đi trên đá đã nghĩ đến một cái gì đó để bọc và bảo vệ bàn chân của mình. Vậy thì có lẽ “đôi giày” đã ra đời sớm lắm lắm trong lịch sử. Bằng da thú, bằng cỏ thậm chí bằng gỗ hay bằng cái gì đó cũng được, miễn là nó bảo vệ được cái gan bàn chân lúc người nguyên thủy đi lại trên đá. Cứ như vậy đủ biết “tuổi” lịch sử của đôi giày nó “già” như thế nào.
Tất nhiên, ở thời đó thì hình dạng của nó phải cực kỳ đơn giản, có lẽ nó chỉ là một miếng da, miếng gỗ lót dưới gan bàn chân và có dây cột vào bàn chân, vào mắt cá. Nhưng ở xứ lạnh thì một đôi giày như thế chỉ có thể bảo vệ cho gan bàn chân khỏi bị đá cứa đứt chứ đâu có giúp cho bàn chân khỏi lạnh. Thế thì muốn chân khỏi lạnh, đâu chỉ có bảo vệ cho gan bàn chân là đủ mà phải quấn thêm một cái gì đó để che bàn chân. Và như vậy phải thêm dây cột. Ấy, cứ thêm thắt như vậy mà đôi giày hình thành đấy.
Trong số những dân tộc “văn minh” đầu tiên thì người
Ai Cập cổ là người biết chế tạo ra giày trước nhất. Họ dùng mảnh da hoặc giấy papyrus, buộc vào bàn chân bằng hai sợi dây. để bảo vệ mấy ngón chân, “mũi giày” phải cong lên.
Người La Mã tiến xa hơn một bước và chế ra một loại giày gọi là “calceus”. Họ gói chân họ vào trong một miếng da rồi cột dây trên mu bàn chân và cổ chân. Mỗi giai tầng xã hội La Mã có kiểu giày “calceus” khác nhau.
Ở xứ lạnh, người ta phát triển một kiểu giày khác. Chẳng hạn, họ may một cái bao, nhét cỏ vào bao rồi mới đút chân vào cỏ đó và cột quanh bàn chân và cổ chân. Lần lần, kiểu giày này ngày một hoàn thiện và trở thành giày “moccasin” của người Eskimo và người da đỏ.
Riêng đối với đôi giày hiện đại thì cha đẻ ra nó chắc là người Crusade (thập tự binh). Những người này phải làm một cuộc hành trình dài lâu cho nên họ phải bảo vệ hai chân của họ rất kỹ. Bởi vậy họ tạo ra đôi giày sao cho bền mà “bám chặt” vào chân họ để khỏi bị vướng cản khi bước đi. Với thời gian, những đôi giày da xuất hiện ở Pháp, Italia và Anh. đôi giày vẫn luôn luôn là đề tài cho các nhà tạo “mốt”. Chẳng hạn ngay từ thời vua Jame I của nước Anh, giày gót cao và da mềm là “mốt” trong xã hội. Nó làm cho đi lại khó khăn nhưng người ta vẫn cứ quyết là phải mang giày như vậy. Có thời – trước khi giày gót cao xuất hiện – giày “mũi” dài mới là “mốt”. Giày rất hẹp bề ngang và mũi giày dài tới năm sáu inchs (1 inch = 2,54 cm).
Nghề làm giày được du nhập vào Hoa Kỳ năm 1629 khi Thomas Beard theo hợp đồng sang đó để làm giày cho dân Pilgrim sang khẩn hoang.