Giáo dục sớm cho trẻ là gì?

Ghi chú: Tài liệu trích dẫn

Chúng ta vẫn thường nghe nhắc đến sự quan trọng 1000 ngày đầu đời của trẻ, những kiến thức trong chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cần thiết với trẻ như thế nào. Và cụm từ “giáo dục sớm” thỉnh thoảng lại xuất hiện hoặc do ai đó nhắc đến, điều này có lúc làm một số cha mẹ hiểu rằng: trẻ con cần được học cái này cái kia từ nhỏ. Thực tế, giáo dục sớm là như thế nào? Và cha mẹ có vai trò gì trong điều này?

Đây là 1 khái niệm được đưa ra từ rất lâu ở các nước phát triển như Châu Âu, Mỹ. Nó ám chỉ 1 giai đoạn quan trọng cho phát triển 5 mảng chính ở trẻ gồm: ngôn ngữ, nhận thức, giao tiếp xã hội, cảm xúc và thể chất. Giai đoạn này được tính từ lúc sinh đến trẻ hết 8 tuổi.

Theo TS. Alvarado, National University, Mỹ, đó là thời điểm quan trọng trẻ bắt đầu lần lượt học các kỹ năng trong sự tương tác với môi trường và với mọi người bao gồm bố mẹ, bạn bè và thầy cô. Sự học hỏi trong giai đoạn này là quan trọng bởi vì nó trùng với tính linh động trong sự phát triển của các mối nối thần kinh của não bộ trẻ, theo GS. Couperus.

Do đó, giáo dục sớm nên được hiểu là thời điểm tập trung vào xây dựng trải nghiệm tích cực để trẻ học hỏi và phát triển các kỹ năng cần có trong tương lai, chứ không phải được hiểu hẹp như học toán, học chữ để trẻ biết, để trẻ thông minh. Thực tế, những trẻ được quan tâm đúng để phát triển giáo dục sớm không chỉ thông minh mà còn phát triển đủ các kỹ năng xã hội như giao tiếp, kiểm soát cảm xúc tốt, có nhận thức và duy trì 1 lối sống thể chất lành mạnh.

Như đã nói ở trên, do tính linh động của não bộ nên đây là 1 giai đoạn rất nhạy cảm với trải nghiệm- mà nơi đó cha mẹ là người giữ phần lớn các trải nghiệm của trẻ trong giai đoạn này. Điều này rất dễ hiểu: sẽ có 1 sự khác nhau giữa một đứa trẻ nếu được cha mẹ quan tâm phát triển với một đứa trẻ ít được quan tâm phát triển.

Điều này có ảnh hưởng đến phát triển tương lai của trẻ? Khoa học đã chứng minh là có. Trải nghiệm ở giai đoạn sớm, dù tích cực hay tiêu cực, đều có ảnh hưởng đến sự phát triển sau này của trẻ. Do đó, càng nhiều trải nghiệm tích cực càng quan trọng và giúp trẻ phát triển

Chúng ta thường nghĩ: cứ cho trẻ 1 chương trình giáo dục tốt thì trẻ sẽ có lợi ích. Nhưng, điều này chưa đúng, đặc biệt trong giai đoạn sớm này, bởi vì cái chính là những trải nghiệm mà trẻ trải qua.

Giống như, dành thời gian nhiều với trẻ chưa chắc tốt với trẻ, mà bạn dành bao nhiêu thời gian để chơi, để trò chuyện, để dạy trẻ học và để hỏi đáp trẻ. Đó mới thực sự là thời gian “được tính”.

Rất nhiều lần, tôi chứng kiến: bố mẹ dẫn con ra quán cafe, nhưng đó lại là thời gian mỗi người dành cho một sự bận tâm khác, đó là chiếc điện thoại. Thời gian này “không được tính”.

Dẫn trẻ đến công viên, mạnh người lớn ngồi nói chuyện, mạnh trẻ nhỏ chạy lung tung. Đó cũng “không được tính”.

Cho trẻ học ở trường quốc tế hay có phương pháp giáo dục hiện đại, nhưng cha mẹ chỉ bận tâm đến số tiền học phí mỗi tháng, mà không dành thời gian học và chơi cùng trẻ. Thời gian này cũng “không được tính”.

Trong giai đoạn sớm này, bạn có thể cho trẻ tham gia các hoạt động như

Nhớ rằng, thời gian chỉ được tính khi và chỉ khi bạn cho trẻ có trải nghiệm cùng với bạn. Luôn dành thời gian quan tâm đến các hoạt động của trẻ, kể cả vui chơi và học tập. Đừng để trẻ đi 1 mình trong những năm đầu đời!

Theo FB Anh Nguyen tác giả sách “Làm Mẹ Không Áp Lực – Cẩm nang chăm sóc bé”

Notes

Couperus, J. W., & Nelson, C. A. (2006). Early Brain Development and Plasticity. In K. McCartney & D. Phillips (Eds.), Blackwell handbooks of developmental psychology. Blackwell handbook of early childhood development (p. 85–105). Blackwell Publishing

Why Is Early Childhood Education Important? Nation University