Hàm lượng khí oxy trong tầng khí quyển thay đổi như thế nào?

Từ khóa tìm kiếm: Hãy Trả Lời Em Tại Sao? – Tập 6 – Arkady Leokum

Phân tử không khí có trọng lượng, dưới tác dụng của sức hút của trái đất, cách mặt đất gần thì mật độ không khí lớn, càng lên không trung không khí càng loãng ra. Nếu như tổng trọng lượng của không khí trong tầng khí quyển là 100 thì trọng lượng khí quyển cách mặt đất 5,5 kilômét chiếm một nửa tổng trọng lượng, cách mặt đất 36 kilômét trở xuống trọng lượng khí quyển là 99, cũng có nghĩa là cách mặt đất 36 kilômét đến đỉnh tầng khí quyển (1200 kilômét) trọng lựơng không khí mới là 1, không khí vô cùng ít.

Thành phần khí thể trong không khí chủ yếu là nitơ và oxy theo tỷ lệ nhất định, ảnh hưởng lẫn nhau, ràng buộc với nhau, dù cho mật độ không khí lớn hay nhỏ, tỷ lệ nitơ và oxy vẫn không thay đổi. Cho nên dù độ cao có tăng bao nhiêu, không khí ít đi thế nào, thì hàm lượng khí oxy trong thực tế cũng giảm ít đi theo sự tăng lên của độ cao. Khi chúng ta leo núi, leo lên càng cao thì càng cảm thấy thở khó khăn, đó là biểu hiện của sự giảm oxy.

Theo nghiên cứu, lượng khí oxy ở độ cao từ 2000 mét trở xuống có thể thỏa mãn hoạt động bình thường của con người mà không cảm thấy thiếu oxy. Đỉnh núi cao nhất thế giới là 8848 mét (đỉnh Ever- est), mật độ không khí chóp đỉnh không bằng một nửa lượng không khí cần cho sinh hoạt bình thường của một cơ thể người; cho nên muốn lên đến độ cao đó phải khắc phục hai khó khăn lớn: thiếu oxy và nguy hiểm trên đường đi, mà thiếu oxy là trở ngại đầu tiên.