Hãy xem lại thật cẩn thận
Cháu có một người bạn trai khi đá bóng bị trái banh đập vào ngực gây ho ra máu, sau đó được dùng thuốc, có giảm sơ sơ, gần đây lại tái phát, sức khỏe yếu, nhưng bạn cháu vẫn giấu gia đình… Xin cho cháu một lời khuyên.
Đáp: Thư cháu khá mơ hồ, chắc là vì cháu cũng nghe nói một cách mơ hồ như thế. 1. Trước hết, cháu cần nắm một vài kiến thức chung về chuyện ho ra máu do chấn thương: a) Lồng ngực có khung xương sườn khá vững chắc. Nếu bị va đập vào thành ngực thì phải thật mạnh, thường làm gãy xương sườn, làm đụng giập ít nhiều mô phổi, từ đó mà chảy máu rồi nạn nhân ho khạc ra. Máu này thậm chí có thể rỉ vào khoang màng phổi gây trán máu màng phổi. b) Nếu bị sức ép của bom, mìn nổ gần, thì tuy bề ngoài nhìn lồng ngực bình thường, nhưng do áp lực không khí rất cao nên mô phổi bị tổn thương (bầm giập, rách…) và chảy máu, làm ta khạc ra máu tùy mức độ. 2. Đem đối chiếu kiến thức trên với trường hợp bạn cháu, thấy không phù hợp. Bởi vì dù là cú banh của siêu cầu thủ đi nữa cũng khó lòng làm cho anh ta ho ra máu rồi “sức khỏe bị yếu”.
Do đó, có thể bạn cháu đã có sẵn một bệnh ở phổi (thâm nhiễm lao, thậm chí hang lao, giãn phế quản…), và cú banh kia chỉ tác động thêm và “cảnh báo” cho ta mà thôi. (Nói thì hơi vô đoán, nhưng cũng dè chừng chuyện “cú banh” là không hề có).
Vậy tốt nhất và đảm bảo nhất là bạn cháu sớm đi chụp X quang hai phổi rồi đi khám tại một cơ sở lao của ngành y tế; các chuyên viên sẽ có ý kiến chính xác. Nếu chẳng may bị lao thì hiện giờ đã có thuốc chống lao hữu hiệu, cứ yên trí; nhưng trong trường hợp này cháu phải chú ý để không bị lây bệnh.