Hộ chiếu là gì? Cách làm hộ chiếu đi nước ngoài

Ghi chú: Tài liệu trích dẫn

Hộ chiếu là một loại giấy tờ quan trọng để bạn có thể xuất cảnh cũng như nhập cảnh trở lại Việt Nam. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu khái niệm hộ chiếu là gì cũng như cách làm như thế nào?

Hộ chiếu là gì? Hộ chiếu để làm gì?

Hoộ chiếu có tên gọi tiếng Anh là passport là một loại giấy tờ tùy thân được sử dụng để nhận dạng đặc điểm cá nhân và quốc tịch của người sở hữu. Theo định nghĩa của cơ quan nhà nước, hộ chiếu chính loại là giấy phép được quyền xuất cảnh khỏi đất nước và được quyền nhập cảnh trở lại từ nước ngoài. Hiểu một cách đơn giản hộ chiếu chính là “chứng minh thư quốc tế” để bạn ra nước ngoài và trở về Việt Nam.

Hộ chiếu Việt Nam sẽ được cấp bởi Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Immigration Department) tại các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương của nhà nước Việt Nam.

Các loại hộ chiếu Việt Nam

Căn cứ vào nhiều tiêu chí khác nhau, người ta chia hộ chiếu Việt Nam thành 3 loại đó là:

Hộ chiếu công vụ

Được cấp cho các cơ quan chức năng, Chính phủ đi nước ngoài do công vụ của nhà nước. Hộ chiếu này có giá trị trong vòng 05 năm từ ngày cấp, được quyền tới tất cả các nước. Người cầm hộ chiếu công vụ (Official Passport) có quyền ưu tiên qua các cổng đặc biệt khi nhập cảng và ưu tiên miễn visa nhập cảnh theo quy định của quốc gia bạn đến.

Hộ chiếu Ngoại Giao

Có tên gọi tiếng anh là Diplomatic Passport. Được cấp cho cơ quan ngoại giao của chính phủ đi nước ngoài công tác, có giá trị trong 05 năm kể từ ngày cấp, được đến tất cả các nước. Hộ chiếu ngoại giao cho phép người dùng được đi qua các cổng ưu tiên đặc biệt khi nhập cảnh cũng như miễn visa nhập cảnh theo quy định của nước tới.

Hộ chiếu phổ thông

Hộ chiếu phổ thông là gì? Là hộ chiếu loại P, được cấp cho mọi công dân Việt Nam, có hộ khẩu và chứng minh nhân dân và có đầy đủ quyền công dân. Hộ chiếu phổ thông có tên gọi trong tiếng anh là Popular Passport. Popular Passport sẽ có giá trị trong 10 năm kể từ ngày cấp, được quyền đến tất cả các quốc gia trên thế giới. Người cầm hộ chiếu này khi nhập cảnh tại các cửa khẩu quốc tế sẽ phải đi qua các lối thông thường và có thể được miễn visa nhập cảnh theo quy định của nước đến. Người du học hoặc xuất cảnh định cư cũng sử dụng loại hộ chiếu này.

Cách làm hộ chiếu đi nước ngoài

Để làm hộ chiếu đi Mỹ, Đức, Pháp,…ở Hà Nội, Hải Dương hay bất kỳ tỉnh thành nào trên lãnh thổ Việt Nam bạn cần thực hiện theo các thủ tục sau đây:

Bước 1: Chuẩn bị các loại giấy tờ cần thiết khi làm hộ chiếu

Thủ tục làm hộ chiếu lần đầu cho người 14 tuổi trở lên:

Tờ khai xin cấp hộ chiếu: Tờ mẫu X01, tờ khai này bạn phải điền đầy đủ các thông tin và ký tên. Nếu xin cấp hộ chiếu có hộ khẩu thường trú tại địa phương thì mẫu đơn này không cần phải xác nhận của công an xã, phường, thị trấn.

04 ảnh mới chụp, cỡ 4×6 cm, phông nền trắng chụp không quá 06 tháng.

Sổ hộ khẩu của người xin cấp hộ chiếu gồm 1 bản sao và bản chính để đối chiếu.

Sổ tạm trú KT3 với trường hợp người làm hộ chiếu là người ngoại tỉnh, không sở hữu hộ khẩu thường trú tại địa phương nhưng lại cần nộp hồ sơ xin cấp hộ chiếu tại đơn vị bạn đăng ký tạm trú.

Chứng minh thư nhân dân/thẻ căn cước công dân của người xin cấp hộ chiếu gồm có 01 bản sao và bản chính để đối chiếu.

Trẻ dưới 14 tuổi

Mẫu X01 và có xác nhận của công an xã, phường, thị trấn đóng giáp lai lên ảnh.

Nếu xin cấp chung với cha mẹ thì không phải nộp bản sao giấy khai sinh, nhưng cần phải mang theo để đối chứng.

02 ảnh cỡ 4×6 cm không quá 3 tháng

Nếu là cha mẹ đỡ đầu phải có giấy xác nhận của UBND.

Ba/mẹ chưa có hộ chiếu, xin cấp mới hộ chiếu ba/mẹ ghép chung trẻ

Mẫu tờ khai X01, có xác nhận của xã phường nơi tạm trú, đóng dấu giáp lai lên ảnh của trẻ

02 ảnh cha/mẹ cỡ 4×6, 02 ảnh trẻ cỡ 3×4 không quá 3 tháng.

01 bản sao chứng minh thư nhân dân/thẻ căn cước công dân của cha/mẹ và bản chính để đối chiếu.

01 giấy khai sinh của trẻ bản sao và bản chính để đối chiếu.

Sổ tạm trú 01 bản sao và bản chính để đối chiếu.

Trường hợp ba mẹ đã có hộ chiếu muốn bổ sung trẻ vào hộ chiếu ba mẹ

Điền đầy đủ thông tin theo mẫu tờ khai X01 có xác nhận của xã phường, ảnh trẻ có đóng dấu giáp lai.

02 ảnh trẻ cỡ 3×4 cm không quá ba tháng.

Chứng minh thư nhân dân/ thẻ căn cước 01 bản sao và bản chính để đối chiếu.

01 bản sao giấy khai sinh của trẻ và bản chính để đối chiếu.

01 bản sao sổ hộ khẩu và bản chính để đối chiếu

Bước 2: Nộp hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu

Hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu sẽ nộp ở phòng quản lý xuất nhập cảnh công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Trong trường hợp cấp thiết thì bạn có thể nộp tại Cục quản lý xuất nhập cảnh số 74 Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội.

Thời gian tiếp nhận hồ sơ của các đơn vị này từ thứ 2 đến thứ 6 và sáng thứ 7 hàng tuần (trừ các ngày lễ, tết, thứ 7 và chủ nhật) và trả kết quả từ thứ 2 đến thứ 6 (trừ các ngày lễ, tết, thứ 7 và chủ nhật)

Bước 3: Nhận kết quả hộ chiếu

Một số câu hỏi liên quan tới sổ hộ chiếu

Nơi cấp hộ chiếu ở đâu?

Bạn có thể làm và xin cấp hộ chiếu trực tiếp tại phòng quản lý xuất nhập cảnh tại công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi bạn thường trú hoặc tạm trú của bạn. Lệ phí cho một lần cấp hộ chiếu đó là 200.000 VNĐ/cuốn.

Làm sổ hộ chiếu passport mất bao lâu?

Nếu như bạn nộp đúng hạn, đầy đủ hồ sơ và nộp trực tiếp tại phòng quản lý xuất nhập cảnh thì hộ chiếu của bạn sẽ được cấp trong thời gian là 05 ngày làm việc. Trong trường hợp bạn gửi hồ sơ qua đường bưu điện hoặc hoặc thời gian bạn làm passport có vướng vào các ngày lễ thì thời gian xử lý hồ sơ sẽ lâu hơn có thể lên đến 2 tuần. Để tránh tình trạng kéo dài quá lâu thì bạn nên làm hộ chiếu trước khoảng 2-3 tháng trước khi xuất ngoại.

Kích thước hộ chiếu là bao nhiêu?

Hộ chiếu có kích thước 15,5 cm x 10,5cm với 32 trang trong đó, 4 trang đầu tiên được nêu chi tiết các thông tin cá nhân của người sở hữu, 28 trang còn lại sẽ dành cho dấu xuất, nhập cảnh và visa. Hộ chiếu phải có bìa cứng, tên quốc gia và quốc huy được in trên bìa.

Số hộ chiếu là gì?

Là một dãy số được bắt đầu bằng một chữ cái in hoa trong bảng chữ cái Việt Nam, tiếp theo đó là 07 chữ số tự nhiên trong bảng chữ số. Với hộ chiếu phổ thông thì số hộ chiếu sẽ ở trang 1 dưới chữ hộ chiếu.

Bị chú trong hộ chiếu là gì?

Là nơi ghi các thông tin ghi chú, chú thích để đảm bảo thông tin của bạn đầy đủ trong hộ chiếu. Bị chú là một từ cũ, không còn sử dụng nhưng vẫn được sử dụng khi nhắc tới hộ chiếu.

Hộ chiếu và visa khác nhau như thế nào?

Visa và hộ chiếu là 2 loại giấy tờ khác nhau. Visa thường được cấp bằng cách đóng dấu hoặc dán lên hộ chiếu tùy theo quy định của mỗi quốc gia còn hộ chiếu là điều kiện cần có để bạn được cấp visa. Theo đó, bạn phải có hộ chiếu passport thì mới được cấp visa.

Ở một số quốc gia vẫn sử dụng hình thức cấp visa rời nhưng visa rời vẫn sẽ phải kẹp cùng với hộ chiếu thì bạn mới có thể xuất cảnh ra nước ngoài hoặc nhập cảnh về Việt Nam.

Mong rằng với các nội dung chia sẻ trong bài viết trên đây về “Hộ chiếu là gì? Cách làm hộ chiếu đi nước ngoài” sẽ giúp bạn có những chuẩn bị đầy đủ nhất khi làm hộ chiếu. Bất kỳ câu hỏi nào cần được giải đáp hãy comment phía dưới, Vietlearn sẵn sàng hỗ trợ bạn.