Kem bắt nguồn từ đâu ?

Từ khóa tìm kiếm: Hãy Trả Lời Em Tại Sao? – Tập 1 – Arkady Leokum

Toàn thể dân số Hoa Kỳ khoảng hơn 200 triệu. Vậy mà mỗi năm họ “ních” vào bụng khoảng 600 triệu lít kem (quart là 1/4 gallon tức là một cái thùng chứa khoảng 1,2 lít). Thấy dân Mỹ tiêu thụ kem dữ dội như vậy, nhiều người cứ tưởng kem đã được “phát minh” tại nước Mỹ? Lầm! Nếu không ở nước Mỹ thì cũng ở một xứ sở lạnh lẽo nào bên châu Âu? Cũng không phải! Kem có một xuất xứ hết sức bất ngờ: bên phương đông, tức là bên châu Á đấy. Các bạn biết nhà hàng hải người thành phố Venice tên là Marco Polo (1254-1324) chứ? Từ thời đó ông đã lưu lạc sang đến bên Trung Hoa, lần mò lên đến nước Mông Cổ, thấy dân ở đây ăn cái món mà ngày nay ta gọi là “kem”. Thấy khoái khẩu nên lúc trở về Ý,

Marco Polo dạy cho bà con Ý của mình cách làm. Từ Ý, kem lan tràn sang Pháp. Dân Pháp bén mùi cũng “lậm” cái món này. Nhưng chỉ phổ biến trong dân sang thôi. Bởi vì, đám dân sang này giữ kỹ bí quyết làm kem không cho giới dân dã biết. Nhưng dấu mãi thế nào được? Dân sang chỉ ăn kem thì nhiều chứ có bao giờ chịu bỏ sức lao động ra làm kem. Anh bồi, chị bếp làm kem. Thế là qua anh bồi, chị bếp, bí quyết làm kem chẳng còn “bí” được nữa mà lan rộng khắp nước Pháp. Từ đó lan rộng khắp thế giới.

Nhưng cái “xí nghiệp” làm kem đầu tiên trên thế giới lại là ở bên Hoa Kỳ, tại thành phố Baltimore, bang Maryland từ năm 1815. Tuy vậy, sự phát triển thật sự của các “xí nghiệp” sản xuất kem cũng chỉ mới bùng nổ hồi đầu thế kỷ XX này, khi máy làm lạnh ra đời.

Nguyên liệu cơ bản của kem – tất nhiên phải kể kem thứ thiệt chứ không phải chỉ là bột, đường hóa học, màu và nước rồi bỏ vô tủ lạnh – là sữa đặc, đường và chút ít trứng. Vani, sôcôla, dâu, các phụ gia như trái cây… mới chỉ được thêm vào cho thêm phần hương vị và hấp dẫn. Tỷ lệ các chất liệu làm kem “thứ thiệt” đại khái như thế này: 80% đến 85% là sữa cô đặc đặc một chút, nhưng không “khô”, 15% là đường. Số còn lại là các phụ gia như trái cây xay nhuyễn, 0,5% bột và một chút chất để làm cho kem “quánh” lại.

Các chất làm “quánh” (stabilizer) chỉ là để cho mặt kem nhẵn mịn. Người ta thường dùng chất gelatin nguyên chất dùng cho việc chế biến thực phẩm để làm “quánh” kem.

Ăn một ly kem như vậy có bổ béo gì không? Bổ lắm: kem có chất vôi, protein, vitamin A, B. Số lượng calorie do một ly kem cung cấp chắc chắn không thua gì một ly sữa.