Khi nghi người giúp việc bị lao
“Vợ chồng chúng tôi bận việc, phải nhờ một chị khoảng 45 tuổi trông giúp cháu nhỏ 2 tuổi, ăn ở tại nhà. Gần đây, sau khi bị sốt, chị ho nhiều, kéo dài cho tới nay. Điều đáng lo nhất là cháu bé cũng bị sốt cao, ho, nôn và gầy sút. Chúng tôi lo chị giúp việc bị bệnh lao, vì dùng thuốc ho mãi vẫn không hết”.
Thư bạn nói không chi tiết, rất khó nói chắc, nên xin nêu lên mấy điểm để bạn tham khảo và vận dụng: 1. Nếu chị giúp việc của bạn chỉ bị sốt mấy hôm rồi hết, thì nhiều khả năng là đã bị cúm, và triệu chứng ho kéo dài là hậu quả của bệnh này, có khi vài ba tháng mới khỏi hẳn. 2. Nếu chị ấyốt hâm hấp về chiều, đêm ngủ ra mồ hôi trộm, kém ăn, kém ngủ…thì hãy coi chừng chị bị lao phổi. Nếu vậy, cần cho chị đi khám để được chụp X-quang phổi, xét nghiệm đờm tìm trực khuẩn lao.
Nếu chị ấy bị lao phổi, bạn phải cho chị ấy thôi việc ngay để được chữa trị theo yêu cầu của bệnh tật (nằm viện hay dùng thuốc tại nhà) và để tránh lây nhiễm tiếp cho gia đình bạn.
Trong tình huống đó, phải đồng thời làm mấy việc: – Cho cháu bé đi khám để xác định có bị sơ nhiễm lao hay không (chụp X-quang phổi, thử phản ứng lao). Nếu có, cháu sẽ được bác sĩ cho dùng thuốc, sau khoảng 6 tháng là hết, không để lại di chứng (vừa qua, cháu bị sốt cao, ho, nôn, gầy sút chỉ là do bị cúm thôi, bởi vì sơ nhiễm lao không “ồn ào” như vậy). – Tổng vệ sinh nhà cửa nhiều lần (không được quét khô), phơi chăn màn, quần áo, đồ đạc ra nắng trong nhiều buổi liền, hoặc ủi (là), thường xuyên để ánh nắng vào nhà (trực khuẩn lao rất ớn tia nắng, nhất là vào buổi trưa). Dù tìm ba lần liên tiếp vẫn không thấy trực khuẩn lao trong đờm của chị giúp việc (“không thấy” không có nghĩa là “không có”), bạn cũng phải làm như vậy để thanh toán những ổ trực khuẩn lao có thể có. – Vợ chồng bạn cũng phải đi chụp X-quang phổi để xem mình có bị thâm nhiễm lao hay không. Nếu có, việc chữa trị sẽ mang lại kết quả mỹ mãn bằng những thuốc chống lao hữu hiệu, với điều kiện dùng đủ liều lượng, đủ thời gian, đồng thời chú ý bồi dưỡng và giữ gìn sức khỏe. 3. Nếu cần một người giúp việc khác, nhất thiết bạn phải cho họ chụp X-quang trước để loại trừ các bệnh phổi, đặc biệt là lao phổi. Bởi vì những cháu bị sơ nhiễm lao lúc ấu thơ thì về sau rất dễ bị lao phổi, nhất là khi nguồn lây bệnh lại tồn tại lâu dài ngay sát nách cháu. Có trường hợp người giúp việc bị lao xơ hang mà gia đình vẫn nhờ trông con nhỏ suốt mấy năm trời, cháu này lớn lên đã bị lao xơ hang, phải mổ cắt phổi mà vẫn không qua được.
Mất lòng trước được lòng sau, nếu bạn lo liệu trước đi thì đâu đến nỗi phải lo lắng nhiều như vậy.