Không có gió sao sóng cao ba thước?

Từ khóa tìm kiếm: Hãy Trả Lời Em Tại Sao? – Tập 6 – Arkady Leokum

Người ta quen nói “không có gió sao có sóng” để nói lên sóng trên biển là do gió to thổi. Bây giờ lại nói “không có gió sao có sóng cao ba thước” là thế nào?

Khi chúng ta đi trên mặt biển ngắm nhìn biển cả, có lúc gặp một cảnh hiếm thấy: mặt nước phẳng như gương. Nhưng cảnh ấy chỉ là một thời gian ngắn, tiếp đó gió mạnh, sóng cuồn cuộn nổi lên.

Lẽ ra, dưới tác dụng của gió, mặt nước biển nhận được “năng lượng”, gió càng lớn, “năng lượng” nhận được càng nhiều; sau khi mặt nước biển có năng lượng sẽ chuyển động, tạo ra sóng. Năng lượng nhận được càng nhiều sóng càng lớn, đó là nguyên nhân “không có gió không nổi sóng”, “sóng to gió lớn”.

Sau khi mặt nước biển nhận được năng lượng, nó lại “tiêu hao” trong quá trình chuyển động, chủ yếu là để khắc phục lực ma sát của các chất điểm trong nước biển.

Thí dụ: khi chúng ta đạp xe phải tiêu hao năng lượng do trục, bi thiếu dầu nhớt, lực cản ma sát trong lớn, sau khi châm dầu nhớt xe đạp nhẹ hơn, đỡ tốn sức hơn. Đó là các viên bi khi lăn, chúng có lực ma sát.

Giữa các chất điểm nước trong nước biển cũng có lực ma sát nhưng rất nhỏ, năng lượng “tiêu hao” cũng ít. Sau khi gió ngừng thổi, nước biển nhận được năng lượng vẫn chưa “tiêu hao” hết nên vẫn còn sóng, đến khi nào “tiêu hao” hết năng lượng thì mặt biển mới phẳng lặng, mới hết sóng.

Theo số liệu quan trắc, sau một lần gió to trên mặt biển, số lượng năng lượng nước biển nhận được phải 1-2 ngày sau mới “tiêu hao” hết, mặt biển mới phẳng lặng được. Đó là lý lẽ về “không có gió sao có sóng cao ba thước”. Ngoài ra nguyên nhân biển có sóng không phải chỉ riêng lực gió tạo nên; dòng hải lưu chuyển động, thủy triều lên xuống, v.v… đều có thể làm cho nước biển tạo ra sóng. Cho nên, biển luôn luôn ở trạng thái “không bao giờ phẳng lặng”.