Không khí là gì?

Từ khóa tìm kiếm: Hãy Trả Lời Em Tại Sao? – Tập 3 – Arkady Leokum

Khắp nơi quanh ta đều có không khí. Bất cứ một cái hang, cái lỗ, khe… nghĩa là bất cứ một “khoảng trống” nào cũng đều chứa không khí. Mỗi khi ta hít vào, phổi ta lại chứa đầy không khí. Ta không nhìn, không thấy, không ngửi, không nghe, không sờ, không cảm (trừ khi có gió) được không khí. Tuy vậy không khí vẫn hiện hữu quanh ta một cách “vô hình”. Không khí là một dạng vật chất. Vật chất có thể ở trạng thái đặc, lỏng hay hơi. Vật chất mà ta gọi là “không khí” là vật luôn luôn ở trạng thái hơi (gas).

Thật ra, không khí là một hỗn hợp nhiều loại hơi. Hai loại hơi chủ yếu trong không khí là nitơ và oxy. Nó chiếm tới 99% tỉ lệ không khí. Giữa hai loại khí này, ta thấy có 78% là khí nitơ và 21% là khí oxy. Cũng có một lượng nhỏ khí carbon dioxide mà ta thường gọi là thán khí. Loại khí này là do các sinh vật đã “nhả” vào không khí. Một phần trăm còn lại gồm nhiều loại khí hiếm khác như argon, neon, helium, krypton và xenon. “Biển không khí” – hay là lớp khí quyển – là một không khí dầy mấy chục ki-lô-mét bao quanh địa cầu. Không khí là vật chất, do đó, nó bị hấp lực của trái đất kéo nó xuống, giữ nó lại. Nếu không có hấp lực của trái đất thì không khí bay tuốt luốt ra ngoài không gian rồi còn đâu. Bởi vậy không khí cũng có trọng lượng. Trọng lượng không khí còn được gọi là khí áp. Không khí trương áp lực vào tứ phía trên thân thể ta cũng như khi ta lội trong nước thì nước cũng trương sức ép vào tứ phía trên thân thể ta.

Trèo lên núi cao hoặc leo lên máy bay – ở đó không khí “loãng” – sức ép của không khí giảm, do đó sức ép của nó trên cơ thể ta cũng giảm theo. Ở độ cao khoảng 12km, áp khí chỉ còn bằng 1/8 áp khí trên mặt biển. Ở độ cao khoảng 100km thì hầu như không còn áp khí nữa.