Khổng Tử là ai?

Từ khóa tìm kiếm: Hãy Trả Lời Em Tại Sao? – Tập 2 – Arkady Leokum

Từ lâu có nhiều câu chuyện khôi hài đã bắt đầu bằng cụm từ: “Khổng Tử đã nói rằng…” điều này xem ra có nghĩa là mọi người đều công nhận Khổng Tử là người khôn ngoan và thông thái, đã nói nhiều điều khôn ngoan.

Khổng Tử được tôn vinh là “vạn thế sự biểu”. Ngài là người Trung Quốc vào thế kỷ thứ năm trước Công Nguyên. Ngài đã nghiền ngẫm các phong tục, tập quán và các cổ văn rồi rút ra những điều mà ngày cho là quan trọng trong việc phát triển nhân cách cao đẹp. Ngài giảng dạy những điều đó cho các “công tử” và cho các đệ tử thuộc bất kỳ giai tầng xã hội nào theo ngài để học đạo. Nhiều qui tắc sống do ngài để lại, dù cách nay hơn 24 thế kỷ, vẫn còn là những lý tưởng, những “khuôn vàng thước ngọc”.

Vào tuổi 22, sau ba năm lập gia đình, Khổng Tử đã bắt đầu dạy cho người ta sống sao cho có hạnh phục. Ngài nêu nguyên tắc cho nếp sống ấy là “điều gì anh không muốn người khác làm cho anh thì đừng làm điều ấy cho người khác”. Thật đúng là “khuôn vàng thước ngọc”.

Ngài cũng giữ vài chức vụ ở vài “nước” với ý nguyện lôi cuốn và hướng dẫn nhà cầm quyền của các nước ấy đi theo con đường đạo đức đã được đặt căn bản trên năm đức tính cơ bản là “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín”. Một trong những lời răn dạy của ngài là lòng hiếu thảo đã có tác dụng “phi thường” trong xã hội Trung Hoa. Bởi vì, con cái không chỉ hiếu thảo với cha mẹ khi còn sống mà cả khi cha mẹ đã qua đời. Lòng kính thờ tổ tiên, trong một thời gian dài, đã khiến người Trung Quốc hướng nhìn về quá khứ hơn là về tương lai.

Không bao giờ Khổng Tử tự coi mình là thần thánh. Ngài cũng chẳng muốn đề cập đến những vấn đề siêu hình như thượng giới hay đời sau. Ngài cho rằng con người bản nhiên là tốt (thiện căn) và nên giữ thiện căn này bằng cách sống hòa hợp với người sống quanh ta. Năm thế kỷ sau khi ngày qua đời, những lời răn dạy của ngài đã trở thành triết lý của quốc gia. Tuy nhiên, khi đạo Phật xuất hiện, lời răn dạy của ngài có một thời cũng bị xao lãng, nhưng sau đó, nó lại được phục hồi, sống lại.

Cho đến tận ngày nay, giáo huấn của ngài vẫn còn ảnh hưởng đến đời sống của hàng trăm triệu người.