Kích thích tố là gì?
Từ khóa tìm kiếm: Hãy Trả Lời Em Tại Sao? – Tập 2 – Arkady Leokum
Kích thích tố – tiếng Anh là “hormone” – được tiết ra từ tuyến (hạch) nội tiết (endocrine hay ductless glands). Gọi là “nội tiết” – ductless – bởi vì những chất do các tuyến ấy đi thẳng vào máu chớ không cần qua ống dẫn truyền nào. Kích thích tố cũng là sản phẩm của một vài cơ quan (bộ phận) của cơ thể chẳng hạn như gan, thận. Nhưng hầu hết kích thích tố đều do các tuyến (hạch) tiết ra.
Mỗi loại kích thích tố có tác dụng riêng biệt cho từng hoạt động của cơ thể. Nói chung, chức năng của kích thích tố là điều hòa các hoạt động của các cơ quan bên trong của cơ thể chẳng hạn như sự tăng trưởng, dinh dưỡng, dự trữ, tiêu hóa và quá trình tái sản xuất… Nếu các tuyến hoạt động quá mạnh hoặc quá yếu thì hoạt động sinh lý của cơ thể bị rối loạn.
Những tuyến (hạch) và kích thích tố chủ yếu trong cơ thể con người là: tuyến giáp nằm ở cổ, tiết ra kích thích tố giúp tăng trưởng và các quá trình trao đổi chất.
Tuyến yên nằm ở mặt dưới vỏ não và gồm có hai phần. Một thứ kích thích tố do một trong hai phần này tiết ra góp phần vào sự tăng trưởng của cơ thể. Phần kia tiết ra kích thích tố để giúp ta kiểm soát được lượng nước, chất béo, áp huyết và điều hòa thân nhiệt.
Tuyến thượng thận – rất quan trọng – nằm ở phía trên mỗi trái thận (còn gọi là quả cật). Một trong hai tuyến này tiết ra kích thích tố gọi là chất adrenalin. Loại kích thích tố này liên quan đến áp huyết và các phản ứng với cảm xúc. Khi bị xúc động, phấn khích hoặc sợ hãi thì tuyến này tiết ra nhiều kích thích tố loại này.
Một tuyến khác trong cơ thể tạo ra loại kích thích tố khiến cho con người hành xử như là nam hoặc nữ, nghĩa là ảnh hưởng đến phái tính.
Chỉ sơ qua như vậy thôi mà ta đã thấy các kích thích tố (hormone) thủ một vai trò quan trọng như thế nào đối với sự sống, sự phát triển và sức khỏe của ta.