Kiến trúc thành phố hoà hợp với con người và thiên nhiên như thế nào?
Các công trình hiện đại là nơi tiêu hao chủ yếu nguồn năng lượng thiên nhiên. Theo thống kê của Liên hợp quốc, nguồn năng lượng bị tiêu hao có liên quan đến các công trình chiếm 50% lượng tiêu hao năng lượng toàn cầu, trong đó năng lượng dành cho sưởi ấm, hạ nhiệt và thắp sáng chiếm 45% lượng tiêu hao năng lượng toàn cầu, lượng tiêu hao năng lượng cho thi công công trình chiếm 5%. Lượng tiêu hao năng lượng trong xây dựng của Trung Quốc chiếm khoảng 25%, đi đôi với sự xây dựng thành phố và phát triển nhà ở, năng lượng tiêu hao cũng tăng lên hằng năm.
Hiện nay, một số công trình được xây dựng trong thành phố, quá coi trọng hình thức và hiệu quả không gian, chăm chút trang trí nội thất, hiệu quả ánh sáng và điều kiện nhiệt độ ổn định, tạo nên môi trường khép kín, nhưng lại coi nhẹ việc tận dụng ánh sáng tự nhiên.
Nhiệt độ và thông gió đã làm tăng cao nguồn tiêu hao năng lượng của nhà ở, và cũng khiến con người tách biệt khỏi thiên nhiên. Còn các kiến trúc sư có tầm nhìn xa thì cảm thấy rất lo lắng đối với hiện tượng này. Họ cho rằng cần khởi xướng tinh thần “con người chung sống hài hoà với thiên nhiên”, tận dụng các tài nguyên có thể tái sinh như năng lượng gió, năng lượng Mặt Trời v.v., theo xu thế phát triển của sự vật mà lợi dụng các điều kiện tự nhiên ở địa phương như khí hậu, địa hình và thảm thực vật, tiến hành thiết kế hợp lý, giảm bớt sự ỷ lại vào nguồn năng lượng nhân tạo, kiến tạo nên môi trường kiến trúc hoà hợp thành một thể thống nhất với thiên nhiên.
Ví dụ, khi bố trí tổ hợp quần thể kiến trúc, cần lợi dụng cây xanh, những con đường lớn và nhỏ, sông hồ, dùng phương thức kết hợp điểm và tuyến, để giảm bớt sự che chắn gió mát mùa hè và ánh sáng Mặt Trời mùa đông, nhất là cần phải tránh xây dựng bừa bãi những nhà cao tầng trong khu phố cổ. Đối với những nhà ở cá thể, cần thiết kế thuận tiện cho việc thông gió tự nhiên, mái nhà cần được cách nhiệt, tường ngoài dùng màu nhạt là chính, các phòng ở, phòng khách, nhà bếp, nhà vệ sinh cần xây dựng hợp lý để có thể thu nhận được ánh sáng tự nhiên, giảm bớt chiếu sáng nhân tạo. Đối với các công trình công cộng, cũng cần hoà hợp con người và thiên nhiên. Các nơi vui chơi, ăn uống v.v. nên thiết kế thành môi trường trong nhà kiểu bán khai.
Xây dựng đô thị cần có tiêu chí kiến tạo môi trường dân cư hoà hợp với thiên nhiên. Khi xây dựng công viên ở khu phố, cần chú ý tới điều kiện khí hậu, bố cục cây xanh và sông hồ, không nên lát gạch quá nhiều, và xây dựng những kiến trúc hoặc cầu để phát huy chức năng che mát, điều hoà nhiệt độ và giảm bụi v.v. của cây cối và sông hồ, thông qua quy hoạch khu đất ngoài nhà để làm nơi nghỉ ngơi và sinh hoạt thoải mái cho người dân.
Xuất phát từ quan điểm liên tục phát triển, sự hoà hợp giữa con người và thiên nhiên của kiến trúc thành phố, phải được coi là yêu cầu cao nhất của kiến trúc đô thị trong thời hiện đại.
Từ khóa: Kiến trúc đô thị; Môi trường.