Kiếng đeo mắt “chữa” cận, viễn thị như thế nào?
Từ khóa tìm kiếm: Hãy Trả Lời Em Tại Sao? – Tập 5 – Arkady Leokum
Ta thử tưởng tượng những người bị cận thị, viễn thị, loạn thị mà không có kiếng đeo mắt thì họ sẽ như thế nào? Con số người mắc những chứng đó đâu phải là ít. Cứ khoảng 40 tuổi trở lên thì hầu như ai cũng mắc chứng viễn thị, nếu không đó không bị cận thị. Bị cận thị – không có kiếng – bạn chỉ thấy trước mắt “chá lòa”, vạn vật không ra hình thù gì, dù là giữa ban ngày.
Nhờ có kiếng, người bị cận thị ngày nay nhìn cũng bình thường vì kiếng cận đã điều tiết thị giác của họ.
Vận hành của tác động “nhìn” – ta đã biết – khá đơn giản. Ánh sáng vào mắt ta, tác động lên võng mô. Võng mô cũng giống như tấm “cảm điện” trong máy quay camera truyền hình. Nhưng, nếu ánh sáng lại “rớt” phía đằng sau võng mô hoặc phía trước võng mô thì ta chẳng nhìn thấy gì. Bởi vậy, con mắt có thấu kính để hội tụ ánh sáng để đặt nó vào đúng võng mô.
Con mắt thường nhìn vật ở xa, hình ảnh vật đó cũng “rớt” đúng võng mô. Nhưng cũng mắt ấy nhìn vật ở gần quá, ảnh (vật đó) sẽ “rớt” phía sau võng mô. Do đó, thấu kính của mắt phải điều tiết bằng cách vận động vài cơ trong mắt để thay đổi độ cong của thấu kính mắt, nhờ đó, ánh sáng của “ảnh” rớt xuống đúng võng mô, và như vậy là nhìn lại rõ.
Bây giờ, có hai sự kiện khiến mắt không thể điều tiết một cách tự nhiên được. Trước hết, khi tuổi tác càng lớn thì khả năng đàn hồi của thấu kính càng kém, do đó nó khó hay không thể điều chỉnh độ cong của thấu kính cho thích hợp, do đó không thể hội tụ ánh sáng (ảnh) vào chỗ thích hợp. Sự kiện thứ hai là có những người bẩm sinh nhỡn cầu mắt có đường kính quá dài hoặc quá ngắn.
Mắt viễn thị có đường kính nhỡn cầu quá ngắn, hay thủy tinh thể quá dẹt. Do đó, “ảnh” sẽ rớt phía sau võng mô. Mắt viễn thị phải điều tiết để đưa ảnh về đúng võng mô. Nhưng nếu vật ở gần thì lại càng phải điều tiết nhiều hơn nữa. Khi không thể điều tiết được nữa để đưa ảnh về võng mô thì lúc ấy phải có sự trợ lực của kiếng. Kiếng đeo mắt làm cái công việc điều tiết mà thấu kính của mắt không làm được. Kiếng viễn thị hội tụ ánh sáng của ảnh đưa vào đúng võng mô mà chẳng cần – nói đúng ra là chẳng thể – điều tiết gì ráo.
Mắt cận thị có đường kính nhỡn cầu quá dài hay thủy tinh thể quá hội tụ khiến cho ánh sáng không hội tụ trên mà là phía trước võng mô. Do đó ảnh bị “chá lòa”. Mắt cận thị không thể điều tiết gì được. Vì, càng điều tiết thì ảnh càng lại gần thủy tinh thể, kết quả là ảnh càng xa về phía trước võng mô, do đó nom lại càng mờ. Do đó mắt cận thị phải mang kiếng phân kỳ để đưa hình ảnh phía trước lùi lại cho đúng võng mô thì mới nhìn thấy.