Kỷ niệm lần đi dạy gia sư đầu tiên

Ghi chú: Tài liệu trích dẫn

Đã ra trường hơn ba năm và có công việc với mức thu nhập khá nhưng đôi lúc lắng lại trong tâm hồn tôi là xúc cảm về một thời sinh viên vui, buồn, sướng, khổ. Đặc biệt, trong ký ức ấy luôn hiện hữu kỷ niệm lần đi dạy kèm gia sư đầu tiên bởi ấn tượng về một cô học trò bướng bỉnh, lì lợm nhưng dễ thương và cũng bởi cảm giác lần đầu tiên được cầm trên tay những đồng tiền do chính mình làm ra.

Kết thúc năm học thứ nhất tại trường ĐH Ngoại Thương, tôi không về quê nghỉ hè mà quyết định ở lại học thêm tiếng Anh và tìm kiếm một công việc làm thêm phù hợp. Sau nhiều lần nộp đơn xin việc, phỏng vấn ở nhiều lĩnh vực, tôi đã lựa chọn cho mình một lớp dạy gia sư cho học sinh lớp 5.

Hào hứng và phấn chấn với thông tin học trò là một bé gái xinh xắn, dễ thương do bố mẹ đang làm ăn tại nước ngoài nên cần gia sư kèm cặp quá trình học tập của bé. Hôm đó, tôi chuẩn bị chu đáo bài vở, quần áo chỉnh tề đến dạy bé vào lúc 7h tối.

Bước vào căn nhà sang trọng, lộng lẫy với đầy đủ mọi tiện nghi, đón tiếp tôi là bà cụ đã ngoài 70 hiền từ, phúc hậu. Bà cũng cho tôi biết sơ qua về hoàn cảnh cũng như tính cách của cô cháu nội Thùy Anh – học trò của tôi và bà gửi gắm niềm tin nhờ tôi giúp đỡ.

Mở cánh của bước vào phòng học là cô bé xinh xắn với khuôn mặt kiêu căng, thách thức và trông vẻ bề ngoài lớn hơn nhiều so với một đứa trẻ lớp 5. Với bản lĩnh của một sinh viên mới trải qua năm nhất chưa đủ từng trải nên khiến trong tâm trí tôi “gờn gợn” về một chặng đường chông gai trước mắt.

Những buổi dạy đầu tiên không khí trầm lắng vì dường như chỉ có tôi độc thoại. Thùy Anh không chống đối, vẫn hoàn thành mọi yêu cầu tôi ra nhưng lì lợm, chậm chạp, chỉ trả lời, đúng hoặc sai, có hoặc không cùng thái độ vẫn luôn tỏ ra kiêu căng, thách thức. Đặc biệt là hành động sai giúp việc, nói trống không và quát lại bà của cô bé.

Tôi khá căng thẳng vì không ngày nào tôi ngồi dạy cô bé đúng 2 tiếng như thỏa thuận, mà lúc nào thời gian cũng vượt trội thêm cả tiếng đồng hồ. Tôi không tiếc thời gian mình ở lại mà tôi cảm thấy ức chế vì thái độ của cô bé. Em hoàn toàn có thể làm bài tốt và nhanh hơn để giúp gia sư không phải kéo dài thời gian lê thê như vậy nhưng em không làm.

Vì thương và hiểu hoàn cảnh phải xa bố, mẹ là một thiệt thòi lớn với một đứa trẻ bởi chính tôi khi xa gia đình cũng cảm thấy cồn cào và nhớ đến nao lòng. Cộng với niềm tin qua những trao đổi với bà nội Thùy Anh cuối mỗi buổi học. Em đã có những tín hiệu tích cực từ phía giáo viên chủ nhiệm phản hồi lại và bà cụ cảm thấy rất vui. Nhờ động lực đó, tôi quyết tâm kiên trì bám trụ.

Đã trải qua một thời gian và tôi dần nắm bắt được tính cách qua thái độ của cô bé, lấy cớ về những điểm số tiến bộ đạt được trên lớp học, tôi tặng cô bé một vài món quà nhỏ xinh. Dần dần, Thùy Anh đón nhận tình cảm của tôi và bắt đầu mở lòng chia sẻ. Cô bé trò chuyện, tâm sự những câu chuyện trong gia đình, câu chuyện ở lớp học. Không khí những buổi gia sư của tôi bắt đầu “dễ thở” hơn trước.

Kết quả học tập của Thùy Anh tiến bộ nhanh chóng, tôi lại dần dần bắt tay vào công cuộc rèn luyện tính cách, thái độ và cách ứng xử với người xung quanh của em. Tôi cũng hiểu bản chất của cô bé không xấu mà do từ nhỏ em sống ở nước ngoài cùng bố mẹ. Sau đó về Việt Nam sống cùng bà đã tạo cho em sự hụt hẫng.

Hơn thế nữa khoảng cách thế hệ của bà quá lớn không giúp hai bà cháu có thể đồng cảm, chia sẻ. Tôi đã dần cho Thùy Anh nhận thấy những lỗi và những thái độ không nên thể hiện với người lớn tuổi. Kết quả đã thành công như mong đợi.

Cô bé tốt nghiệp cấp I, bước vào cấp II với hành trang kiến thức và ý thức rất tốt. Khi bố mẹ em trở về nước đã tìm đến tận nơi tôi ở để cảm ơn và mong muốn tôi tiếp tục làm gia sư dìu dắt cậu con trai thứ hai.

Tôi nhận lời và kèm cặp hai chị em đến khi tôi tốt nghiệp Đại học, cả gia đình và hai đứa trẻ vẫn có nguyện vọng mong muốn được tôi dạy kèm nhưng vì đặc thù công việc nên tôi đã bàn giao lại cho bạn sinh viên khác.

Cho đến bây giờ, Thùy Anh và gia đình cô bé vẫn thường xuyên liên lạc với tôi. Tôi thấy mình là người may mắn vì kỷ niệm lần đầu tiên đi dạy là sự thành công và mang đến cho tôi những trải nghiệm thú vị mà có lẽ suốt cuộc đời này tôi không thể nào quên.

Phạm Thị Hạnh – tốt nghiệp ĐH Ngoại Thương