Ký ức hay trí nhớ là gì?
Từ khóa tìm kiếm: Hãy Trả Lời Em Tại Sao? – Tập 3 – Arkady Leokum
Bạn có thể đọc một lèo các mẫu tự a, b, c… Bạn có thể viết tên bạn một cách dễ dàng? Bạn có thẻ chơi đàn hoặc một nhạc cụ nào đó? Và bạn cho rằng bạn đọc một lèo các mẫu tự vì bạn đã “nhớ” được các mẫu tự đó. Nhưng những gì bạn đã làm thật ra là bạn đã phải học. Và học là gì nếu chẳng phải là hình thành một thói quen nào đó? Nói cách khác, những gì mà trước đó hoàn toàn là khó khăn đối với bạn nay trở thành dễ dàng tự động – như đọc không cần suy nghĩ và mà vẫn dùng đúng các mẫu tự chẳng hạn – là nhờ bạn đã “làm” cái đó hoài, riết rồi thành ra “quen”, tức là đã hình thành được thói quen làm cái gì đó, như vậy ta có thể coi việc học tập chỉ là rèn luyện cho hình thành thói quen.
Con người có rất nhiều thói quen, nhờ đó con người có thể làm được gần hết những công việc và sinh hoạt một cách bình thường và thoải mái, không cần “để tâm” đến mà vẫn có thể thực hiện được một cách đầy đủ, hoàn hảo. Bạn thử tưởng tượng coi, nếu mỗi công việc nhỏ nhặt, như cài nút áo chẳng hạn, mà bạn cũng phải để tâm chăm chú mới làm được thì cuộc đời bạn “mệt” biết chừng nào? Nhưng có thói quen không trong công việc đọc sách, hoặc tường thuật nội dung một cuốn sách mà bạn đã đọc?
Phân tích kỹ, bạn sẽ ngạc nhiên không ngờ rằng ngay những hoạt động mà lần đầu tiên trong đời bạn thực thi – như đọc và tường thuật một cuốn sách vừa mới xuất bản lần đầu tiên chẳng hạn – thì đã có sự tham gia của “thói quen” rồi. Chẳng hạn, cái thói quen sắp đặt sự việc cho có đầu có đuôi mạch lạc ăn khớp với nhau. Vậy thì khi tường thuật nội dung cuốn sách mới bạn cũng phải dùng tới cái “thói quen” này chớ, không lẽ bạn vớ đâu nói đấy thì người nghe làm sao mà hiểu được? Do đó, một vài nhà tâm lý học đã cho rằng việc học tập – có nghĩa là trí nhớ, ký ức – chẳng qua chỉ là sự phối hợp các tập quán (thói quen) đơn giản.
Nhưng, điều này không có nghĩa “học và nhớ” chỉ đơn giản là hình thành những thói quen một cách máy móc thông qua sự lặp đi lặp lại. Có rất nhiều yếu tố khác tham gia vào quá trình hình thành thói quen để làm cho việc học và nhớ trở nên hữu hiệu, mau lẹ và bền vững hơn. Một trong những yếu tố đó là ý chí hoặc động lực hoặc sự háo hức. Một yếu tố quan trọng khác nữa là hiểu cái mà ta đang học. Thí dụ: một bài thơ mà ta hiểu ta học mau thuộc hơn là không hiểu, đồng thời cũng nhớ được lâu hơn. Bạn cứ thử thì biết ngay: học một bài thơ bằng một ngoại ngữ mà bạn không thông thạo với bài thơ bằng tiếng mẹ đẻ – dài bằng nhau – bạn sẽ thấy bài thơ nào bạn mau thuộc hơn, bài thơ nào lâu thuộc mà đã thuộc rồi thì lại mau quên. Một điều quan trọng khác nữa giúp cho việc học và nhớ liên kết những ý tưởng mới – ý tưởng mà ta muốn nhớ – với những ý tưởng đã có sẵn trong ký ức ta.