Liên kết câu và liên kết đoạn văn là gì? Bài tập ví dụ minh họa

Ghi chú: Tài liệu trích dẫn

Liên kết câu và liên kết đoạn văn là một trong những chuyên đề có trong chương trình Ngữ văn 9. Để có thể viết được một bài văn nghị luận hay miêu tả, thuyết minh thì bắt buộc phải nắm chắc các kiến thức về liên kết câu, liên kết đoạn văn. Cùng tìm hiểu những thông tin chi tiết có trong bài viết dưới đây.

Trong một văn bản, các câu có sợi dây liên kết chặt chẽ, câu này liên kết với câu kia, sự liên kết giữa các câu tạo ra một mạng lưới, mạng lưới liên kết giữa các câu trong một văn bản được tính là liên kết của văn bản.

Liên kết là quan hệ giữa hai yếu tố ngôn ngữ, muốn hiểu nghĩa của yếu tố này thì cần phải tham khảo nghĩa của yếu tố kia. Trên cơ sở đó, hai câu đó sẽ liên kết lại với nhau.

Các đoạn văn trong văn bản cũng giống như các câu trong một đoạn văn, phải liên kết chặt chẽ với nhau cả về hình thức và nội dung.

Về nội dung, các đoạn văn phải phục vị chủ đề chung của văn bản, các câu phải phục vụ chủ đề của đoạn văn, thể hiện được sự liên kết chủ đề. Các đoạn văn và câu văn cần phải được sắp xếp một cách hợp lý, liên kết logic.

=> Liên kết câu văn và liên kết đoạn văn là sự kết nối ý nghĩa giữa câu với câu, giữa đoạn văn với đoạn văn bằng các từ ngữ, có tác dụng liên kết làm cho đoạn văn, văn bản đó có nghĩa và giúp người đọc, người nghe dễ hiểu hơn ý kiến của người nói, người viết.

Ví dụ 1: “Một con quạ khát nước. Cừu liền be be toáng lên. Mèo con hé mắt nhìn. Thế rồi dế choắt tắt thở. Từ trong vườn, mùi hoa hồng, hoa huệ thơm nức”.

=> Ví dụ 1 mỗi câu hướng đến một đối tượng, nội dung không liên quan gì tới nhau và người đọc sẽ không hiểu nội dung đoạn văn này đang muốn nói tới chủ đề, câu chuyện gì.

Ví dụ 2: “Một con quạ khát nước. Tìm mãi nó mới thấy một bình chứa ít nước. Nhưng cổ bình quá cao, nó không tài nào uống được. Quạ bèn đi thả từng viên sỏi vào bình. Một lát sau, nước dâng lên đến miệng bình, quạ uống thỏa thuê”.

=> Ở ví dụ 2, các câu trong đoạn văn có sự liên kết với nhau về mặt nội dung, giúp cho đoạn văn có ý nghĩa, người đọc hiểu rõ được ý nghĩa câu chuyện kể về trí thông minh của con quạ

Có 2 phương pháp, cách liên kết câu và liên kết đoạn văn đó chính là:

Liên kết nội dung

Trong cách phân loại này sẽ có 2 loại chính, đó là:

Liên kết chủ đề: Là kiểu liên kết mà các đoạn văn phải phục vụ một chủ đề chung của văn bản, các câu phải phục vụ một chủ đề chung của cả đoạn văn.

Liên kết logic: Là kiểu liên kết mà các đoạn văn, các câu được sắp xếp theo một trình tự hợp lý.

Lưu ý khi sử dụng phép liên kết nội dung:

Nếu không có liên kết logic thì liên kết chủ đề sẽ bị phá vỡ.

Liên kết nội dung phải được trình bày một cách hợp lý, sắp xếp các đoạn văn, câu, không gian, thời gian, quy mô,…

Liên kết hình thức

Liên kết hình thức được chia thành 4 loại, gồm có:

Phép lặp từ vựng: Lặp lại ở câu đứng sau từ ngữ đã có ở câu trước

Ví dụ: “Chiều, chiều rồi. Một chiều êm ả như ru, văng vẳng tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng rộng theo gió nhẹ đưa vào”

Phép đồng nghĩa, trái nghĩa và phép liên tưởng: Sử dụng ở câu đứng sau các từ ngữ đồng nghĩa, trái nghĩa hoặc cùng liên tưởng với các từ đã có ở câu trước.

Ví dụ: “Cái cửa hàng hai chị em trông coi – là một cửa hàng tạp hóa nhỏ xíu, mẹ Liên dọn ngay từ khi cả nhà bỏ Hà Nội về quê ở, vì thầy Liên mất việc. Một không gian hàng bé thuê lại của bà lão móm ngăn ra bằng một tấm phên nứa dán giấy nhật trình”.

Phép nối: Sử dụng ở câu đứng sau, các từ ngữ biểu thị quan hệ với câu trước

Ví dụ: “Mẹ vẫn dặn phải thức đến khi tàu xuống – Ðường sắt đi ngang qua ngay trước mặt phố – để bán hàng, may ra còn có một vài người mua. Nhưng cũng như mọi đêm, Liên không trông mong còn ai đến mua nữa. Với lại đêm họ chỉ mua bao diêm, hai gói thuốc là cùng. Liên và em cố thức là vì cớ khác, vì muốn được nhìn chuyến tàu. Chín giờ có chuyến tàu ở Hà Nội đi qua huyện. Đó là sự hoạt động cuối cùng của đêm khuya”.

Phép thế: Sử dụng câu đứng sau các từ ngữ có tác dụng thay thế từ ngữ đã có ở câu trước đó.

Ví dụ: “Nghe chuyện Phù Đổng Thiên Vương, tôi tưởng tượng đến một trang nam nhi, sức vóc vạm vỡ… Tráng sĩ ấy gặp lúc quốc gia lâm nguy đã xông pha ra trận… Tuy thế người trai làng Phù Đổng chẳng mong nhận bổng lộc gì…”

Phân biệt phép liên kết câu và câu đơn

Liên kết câu và liên kết đoạn văn là liên kết giữa các câu với nhau, các đoạn văn với nhau chứ không phải là liên kết trong 1 câu cụ thể.

Ví dụ 1: “Một dân tộc gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn tám mươi năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do”.

=> Trong ví dụ trên, có 3 từ được lặp lại 2 lần đó là “gan góc” “dân tộc” “năm nay”. Nhưng đó không phải là phép lặp liên kết mà chỉ là biện pháp tu từ điệp ngữ.

Ví dụ 2: Bạn có ý thức phòng dịch rất tốt và tôi cũng như vậy

=> Từ “và” có tác dụng liên kết 2 câu lại với nhau nhưng đây chỉ là một câu đơn nên không phải là phép nối hay phép thế.

Cần kết hợp phép liên kết nội dung và hình thức

Chú ý tới liên kết ở hai phương diện và có liên kết nội dung mới có liên kết hình thức.

Ví dụ: Một con quạ khát nước. Nước là một hợp chất gồm 2 nguyên tử hidro và 1 nguyên tử oxi. Oxi cần cho sự sống. Sự sống vẫn đang tiếp diễn trên hành tinh này.

=> Mỗi câu đều hướng tới một đối tượng khác nhau, không phục vụ một chủ đề chung nên sự lặp lại từ ngữ chỉ là sự trùng lặp ngẫu nhiên, không có tác dụng liên kết.

Các bài tập về liên kết câu và liên kết đoạn văn

Bài tập 1: Sắp xếp các câu văn sau theo một trình tự hợp lý để được đoạn văn hoàn chỉnh

(1) Mặt nước sáng lóa

(2) Trăng lên cao

(3) Biển và trời nhưng hôm có trăng đẹp quá

(4) Bầu trời càng sáng hơn

(5) Cả một vùng nước sóng sánh, vàng chói lọi

Gợi ý đáp án: “Biển và trời những hôm có trăng đẹp quá. Trăng lên cao. Mặt nước sáng lóa. Cả một vùng nước sóng sánh, vàng chói lọi. Bầu trời càng sáng hơn”.

Bài tập 2: Chỉ ra các phép liên kết câu và liên kết đoạn trong những trường hợp sau:

(1) Trường học của chúng ta là trường học của chế độ dân chủ nhân dân, nhằm mục đích tạo ra những cán bộ và công dân tốt, những người chủ tương lai của nước nhà. Về mọi mặt, trường học của chúng ta phải hơn hẳn trường học của thực dân và phong kiến.

(2) Muốn được như thế thì thầy giáo, học trò và cán bộ phải cố gắng hơn nữa để tiến bộ hơn nữa.

Gợi ý đáp án:

Phép liên kết câu

Sử dụng phép lặp: Các từ được lặp lại là trường học của chúng ta, trường học.

Các phép liên kết đoạn:

Phép thế: Từ như thế ở đoạn (2) thay cho câu ở cuối đoạn (1).

Phép đồng nghĩa, trái nghĩa và liên tưởng: Gồm các từ trường học, thầy giáo, học trò.

Bài tập 3: Chỉ ra các phương tiện liên kết hình thức đã được sử dụng để liên kết câu trong đoạn văn sau:

“Vì tôi biết rõ, nhắc đến mẹ tôi, cô tôi chỉ cố ý gieo rắc vào đầu óc tôi những hoài nghi để tôi khinh miệt và ruồng rẫy mẹ tôi, một người đàn bà đã bị cái tội là góa chồng, nợ nần cùng túng quá, phải bỏ con cái đi tha hương cầu thực. Nhưng đời nào tình thương yêu và lòng kính mến mẹ tôi lại bị những rắp tâm tanh bẩn xâm phạm đến…”

Gợi ý đáp án:

Phép lặp: mẹ tôi – mẹ tôi.

Phép thế: có ý gieo rắc vào đầu óc tôi những hoài nghi để tôi khinh miệt và ruồng rẫy mẹ tôi – những rắp tâm tanh bẩn.

Hy vọng rằng, các thông tin có trong bài viết trên đây về liên kết câu và liên kết đoạn văn sẽ giúp ích bạn. Để có thêm nhiều thông tin hữu ích khác về các biện pháp tu từ, quý bạn đọc hãy truy cập website Vietlearn.org để tìm hiểu.