Máy điện thoại đã được chế tạo như thế nào?
Từ khóa tìm kiếm: Hãy Trả Lời Em Tại Sao? – Tập 1 – Arkady Leokum
Lịch sử của chiếc máy điện thoại thật là bất ngờ. (Vì vậy mà chẳng ai nghĩ đến việc đưa câu chuyện này lên màn ảnh!) Nhưng hãy cứ tạm gác cái đó lại để xem nguyên tắc vận hành của máy điện thoại đã.
Khi nói, thanh đai trong cuống họng ta rung lên. Sự rung này truyền vào không khí, nhờ đó sóng âm được thoát ra khỏi miệng và từ miệng nó tiếp tục truyền trong không khí bên ngoài. Những sóng âm này đập lên một đĩa nhôm hay là cái màng trong ống điện thoại. Và cái màng ấy rung lên theo nhịp sóng các hạt không khí đang bị dao động.
Và sự dao động ấy truyền qua dòng điện theo dây điện sang ống nghe bên kia. Phía bên nói, dòng điện mạnh. Phía bên nghe, dòng điện yếu. Do đó màng bên ống nghe rung lên theo đúng với sóng của âm theo dòng điện truyền qua. Thế là tiếng nói được “tái lập” tại ống nghe. Và màng rung tại ống nghe truyền sự rung đó qua không khí rồi vào tai người nghe. đó, đại khái vận hành của điện thoại là thế.
Bây giờ đến điều bất ngờ của vị cha đẻ ra máy điện thoại: ông Alexander Graham Bell và cách thức ông đã phát minh ra máy điện thoại.
Ngày 2.6.1875, ông đang thử nghiệm tại Boston cái ý tưởng làm sao truyền được tiếng nói của ông đến tai người nghe ở xa nghe được ngay lúc ông đang nói. Ông loay hoay với một cái lưỡi gà lò xo bằng thép và đang tìm cách chế cái máy tiếp âm trong một phòng thì ở phòng bên, người phụ tá của ông tên là Thomas Watson đã cho cái máy phát âm chạy.
Watson gảy vào cái lưỡi gà bằng thép làm cho nó rung lên phát ra tiếng “tưng”. Thình lình Bell nhảy bổ vào phòng, nói lớn với Watson: “đừng có thay đổi gì hết. Anh làm cái gì vậy? để ta coi!”. Ông thấy cái lưỡi gà khi rung phía trên cục nam châm đã tạo ra dòng điện làm thay đổi cường độ truyền trong dây. Chính điều này đã làm cho cái màng tiếp âm bên phòng của Bell cũng rung và bật lên tiếng “tưng”.