Máy điều hoà không khí vì sao vừa có thể làm lạnh lại vừa có thể làm nóng?

Máy điều hoà không khí hai chiều nóng và lạnh, mùa hè có thể làm lạnh, mùa đông lại có thể làm nóng, thật tiện lợi vô cùng.

Khi làm lạnh, máy điều hoà không khí lợi dụng quá trình chất làm lạnh từ thể lỏng bốc hơi thành thể khí hút nhiệt lượng xung quanh. Điều này giống với nguyên lí làm lạnh của tủ lạnh.

Trong máy điều hoà không khí chủ yếu có máy nén khí, bộ ngưng tụ, bộ lọc khô, ống mao dẫn tiết lưu và bộ bốc hơi, về cơ bản tương tự như cấu tạo của phần làm lạnh trong tủ lạnh. Chỉ có điều bộ ngưng tụ trên máy điều hoà không khí lắp đặt ở ngoài phòng, có thể tán phát nhiệt lượng ở ngoài phòng mà biến cả gian phòng thành một “tủ lạnh lớn”.

Khi máy điều hoà không khí bắt đầu hoạt động, máy nén khí nén chất làm lạnh thể khí ở trạng thái nhiệt độ thấp, áp suất thấp thành chất khí nhiệt độ cao, áp suất cao, rồi được đưa vào bộ ngưng tụ. Bộ phận lắp ở ngoài phòng này có khả năng tản nhiệt nhanh chóng, nhiệt độ của chất làm lạnh ở trong đó tụt xuống, nhưng áp suất vẫn rất cao y nguyên, từ thể khí biến thành thể lỏng. Chất làm lạnh sau hoá lỏng, lại đi qua bộ lọc khô, sau khi loại bỏ tạp chất và nước, chảy vào ống mao dẫn tiết lưu. Tại đây, áp suất của chất làm lạnh đột ngột hạ xuống, thoắt một cái đã ùa vào bộ bốc hơi kề bên. Khi ấy, chất làm lạnh thể lỏng nhanh chóng bốc hơi thành thể khí, hút một lượng lớn nhiệt lượng xung quanh, chất làm lạnh lại biến thành chất khí ở trạng thái nhiệt độ thấp, áp suất thấp, đi vào máy nén khí, tiến hành một vòng làm lạnh mới kế tiếp. Vì bộ bốc hơi lắp đặt ở trong phòng, cho nên chất làm lạnh trong bộ bốc hơi hút nhiệt lượng thì đồng thời nhiệt độ trong phòng cũng từ từ hạ xuống, có tác dụng làm lạnh.

Thế thì máy điều hoà không khí như thế nào mới có tác dụng làm nóng nhỉ? Thực ra, chỉ cần biến đổi bộ bốc hơi lắp trong phòng của máy điều hoà không khí thành bộ ngưng tụ, và biến đổi bộ ngưng tụ lắp ở ngoài phòng thành bộ bốc hơi, máy điều hoà không khí liền hút nhiệt lượng ở ngoài phòng, tán phát vào trong phòng, thực hiện tác dụng làm nóng. Muốn cho máy điều hoà không khí hoàn thành loại chuyển đổi này, ngoài việc phải sử dụng toàn bộ cấu kiện khi làm lạnh ra, còn phải có thêm một cái van đổi chiều chất làm lạnh. Khi làm nóng, chỉ cần điều khiển công tắc của van, làm cho chất làm lạnh thể khí ở trạng thái nhiệt độ cao, áp suất cao từ trong máy nén khí chuyển động ra, không phải đi về hướng bộ ngưng tụ ở ngoài phòng trước, mà là về hướng bộ bốc hơi ở trong phòng trước đã, để bộ bốc hơi thay thế bộ ngưng tụ một cách nhân tạo. Chất làm lạnh thể khí nhiệt độ cao, áp suất cao chuyển động vào bộ bốc hơi, nhiệt độ trên bộ phận này liền tăng lên đột ngột, thông qua quạt máy thổi gió, nhanh chóng tán phát nhiệt lượng ra xung quanh, làm cho nhiệt độ trong phòng dần dần tăng lên, có tác dụng làm nóng. Đồng thời, nhiệt độ của tấm làm lạnh hạ xuống, áp suất vẫn cao như cũ, từ thể khí biến sang thể lỏng. Chất làm lạnh thể lỏng sẽ lưu động về phía bộ ngưng tụ, hoàn thành quá trình giảm áp suất, bốc hơi trong bộ ngưng tụ. Vì vậy, chất làm lạnh trong bộ ngưng tụ phải hấp thu nhiệt lượng xung quanh. Nếu bên ngoài phòng băng tuyết tràn ngập, khi nhiệt độ không khí đã xuống thấp hơn nhiệt độ trên bộ ngưng tụ, bộ phận này liền không thể hút nhiệt lượng từ trong môi trường xung quanh, máy điều hoà không khí không sao làm nóng được nữa. Đó là điều cần chú ý khi sử dụng máy điều hoà không khí.

Từ khoá: Máy điều hoà không khí; Chất làm lạnh; Làm lạnh; Làm nóng máynén khí; Bộ ngưng tụ; Bộ bốc hơi.