Mọt bông vải là con vật như thế nào?

Từ khóa tìm kiếm: Hãy Trả Lời Em Tại Sao? – Tập 2 – Arkady Leokum

Ở Hoa Kỳ khi phát hiện ra con mọt hạt bông, người ta không tin rằng con bọ cánh cứng màu nâu nhỏ xíu ấy lại có thể tác hại ghê gớm như vậy. Người ta phát hiện ra nó ở miền nam ban Texas từ năm 1892. Ba mươi năm sau, người ta ước lượng hằng năm giống mọt này phá hoại hơn 6 triệu kiện bông vải.

Mọt bông vải xuất xứ từ Trung Mỹ. Nó “di chuyển” về miền bắc, xuyên qua nước Mexico, qua vùng bờ biển để tới vùng Brownsville bang Texas. Cũng như mọi loài côn trùng khác, chúng có khứu giác rất bén nhạy. Nhiều thí nghiệm đã chứng tỏ rằng một con mọt chỉ mới qua hết giai đoạn ấu trùng – nghĩa là mới chỉ là “mọt nhí” thôi – mà nó đã có thể nhỏng đầu hướng về cánh đồng trồng bông ở cách xa nó tới gần chục cây số.

Khi đã phát triển đầy đủ, mọt bông vải dài cỡ 0,8 cm. Cặp hàm đặt ở đầu mũi giúp cho mọt dễ dàng đục lỗ vào chồi nụ cây bông vải. Mọt ngủ đông dưới lớp cỏ hay lá khô hay trong các khe nứt trên mặt đất. đến mùa xuân, khi cây bông vải bắt đầu đâm chồi nẩy lộc thì mọt cũng mở màn công việc phá hoại. Mọt cái đục lỗ vào chồi non rồi đẻ trứng vào đó. Ba bốn ngày sau, trứng nở thành ấu trùng. Và ấu trùng sống bằng chất bổ dưỡng bên trong chồi bông vải. Nhưng những chồi nụ bông vải mới là món khoái khẩu của chúng. Khi không có chồi nụ chúng tấn công ngay chính hoa bông vải hoặc bông vải bắt đầu kết sợi. Và chúng chui vào, ở đó cho đến ngày trưởng thành hóa ra con mọt.

Có thể có tới bốn thế hệ mọt sinh sôi nảy nở chỉ trong khoảng thời gian của một mùa bông, bởi vậy, chúng gây tai hại ghê gớm. Những chồi, nụ bị phá sẽ không phát triển và ngay cả bông đã kết sợi mà bị mọt phá hoại cũng không thể dùng được.

Kiến và những khám phá thú vị!

Một trong những tạo vật hấp dẫn, đáng để ý nhất trên thế giới này là loài kiến. Có tới 3500 thứ kiến khác nhau chia nhau sống ở khắp mọi nơi trên mặt đất. Tất cả các thứ kiến đều giống nhau ngoại trừ màu sắc và kích cỡ thân thể. Mỗi con kiến có thể nhỏ từ một milimét hoặc dài tới 2 inch (inch – 2,54cm). Và tất cả các giống kiến đều sống thành tập đoàn. Nhưng có sự khác biệt ghê gớm trong lối sống và tập tính của mỗi giống kiến.

Một trong những “kiểu mẫu” của giống kiến là kiến “quân đội”. Nó ăn thịt ngay cả sinh vật đang còn sống! Ở châu Phi có kiểu mẫu kiến “quân đội” và được gọi là “kiến hành quân”. Kiến này di chuyển thành “đạo binh” có tới hàng triệu triệu con. đằng sau con đường chúng đi qua, từ cây cỏ cho đến động vật, không một thứ gì có thể tồn tại. Chúng giết hết, ăn hết.

Ta tự hỏi: “Làm sao một côn trùng nhỏ bé như con kiến lại có thể giết và ăn hết mọi thứ trên đường di chuyển của chúng như vậy?” Trước hết, chúng gồm cả triệu triệu con. Ngay cả những động vật lớn cũng phải chạy thục mạng khi binh đoàn kiến tiến tới. Nếu chạy không kịp thì dứt khoát là phải “good-bye” cuộc đời! Binh đoàn kiến sẽ giết chết rồi ăn thịt, dù là chim bay, dù là cá sấu, dù là… sư tử!

Cũng may, đạo binh kiến ở châu Mỹ chỉ ăn những sinh vật nhỏ. Số lượng kiến trong các đạo binh này không lớn lắm. Chúng sinh sống ở Hoa Kỳ, Trung và Nam Mỹ. đạo binh kiến này gồm hàng chục ngàn, đi thành hàng. Ỏ Mexico, khi kiến đến, người ta phải bỏ nhà bỏ cửa mà chạy. Gà, vịt, mèo, chó, chuột, thằn lằn, gián… nghĩa là tất cả những gì ăn được là kiến giết và “xực” tuốt. Khi chủ nhà trở về, họ có thể yên tâm không một sinh vật nào còn sống sót, kể cả sâu bọ, côn trùng.

Chắc bạn không thể ngờ là kiến cũng có… nô lệ! Ấy thế mà kiến ở Amazon (Nam Mỹ) có đấy. Kiến Amazon, tất cả đều là kiến lính, do đó chúng không biết kiếm lương thực và nuôi con cái. Vì vậy chúng phải bắt một giống kiến khác những công việc nặng cho chúng. Chúng càn quét các ổ kiến đen, nhỏ hơn chúng. Hễ con kiến đen nào cả gan chống lại chúng liền bị giết liền. Sau đó, chúng tha trứng và ấu trùng kiến đen về tổ của mình. Trứng nở ra, ấu trùng lớn lên sống trong “tập đoàn” kiến Amazon như những tên nô lệ!