Muối ở biển từ đâu tới và nó có đang tiếp tục tích tụ lại nữa không?
Từ khóa tìm kiếm: Hãy Trả Lời Em Tại Sao? – Tập 12 – Arkady Leokum
Biển cả chứa rất nhiều hợp chất bị các cơn mưa rửa trôi sau khi hòa tan các chất hóa học trong các tảng đá lộ thiên. Hoàn toàn tự nhiên, những chất có nhiều khả năng nhất để đến được biển chính là những chất tan trong nước nhiều nhất, đó là Cl và Na – thành phần căn bản của muối thường; chúng chiếm tới gần 90% tất cả các hợp chất hòa tan ở trong biển. Qua nhiều triệu năm, quá trình xói mòn đã kéo một lượng muối tương đương với khoảng bốn thìa uống trà đầy vào trong mỗi nửa lít nước biển – một nồng độ mà nếu được chiết tách ra khỏi tất cả các đại dương thì sẽ tạo ra một lớp muối dầy 45m. Nghe có vẻ rất nhiều, nhưng các tính toán lùi trở lại còn gợi ý rằng có lẽ hiện giờ biển đã hoàn toàn bão hòa với muối – và cũng chết chóc như biển Chết. Đương nhiên là điều đó không xảy ra, cho nên điều bí ẩn không phải là tại sao biển lại mặn mà là tại sao nó lại không bị bão hòa muối?
Một lời giải thích được đưa ra vào những năm 1970, bởi một nhà sinh thái học khá nổi tiếng James Lovelock bằng việc phát triển “giả thuyết Gaia” của ông, mà theo đó những cơ thể sống tương tác với trái đất bằng nhiều cách giúp giữ cho hành tinh này vẫn luôn thích hợp cho sự sống. Nồng độ muối quá cao sẽ ra một mối đe doạ hủy diệt cho sự sống dưới biển và Lovelock tự hỏi liệu có một số sinh vật có thể giữ ổn định nồng độ muối bất chấp sự xói mòn đất liền toàn cầu hay không. Ông đã tìm ra một ứng cử viên trong các loài vi sinh vật nguyên sinh chịu trách nhiệm tạo ra các phá cạn khổng lồ ở các vùng bờ biển như Baja California (phá là một cái hồ bị ngăn cách với biển bởi một dải đá ngầm hay cát). Nhiệt lượng mặt trời trên các phá này làm nước bốc hơi đi khiến muối bị lắng lại tại đây, sau đó nước biển lại chảy vào và quá trình được lặp lại. Không thể biết được quá trình này có đủ sức mạnh để giữ nguyên độ mặn của biển hay không, nhưng nó vẫn là một giải đáp hấp dẫn thay vì phải chấp nhận một bí ẩn thật khó chịu.