NGƯỜI RỪNG Ở VIỆT NAM, HUYỀN THOẠI VÀ SỰ THẬT
Từ khóa tìm kiếm: Những bí ẩn của nhân loại – Minh Anh
“Một dấu chân duy nhất của bàn chân trái trông rõ ràng như khi ta lấy tay ấn lên bột bánh trôi. Nó to một cách lạ thường với những ngón dài và thon như bàn tay con gái!…”. Tiến sĩ Trần Hồng Việt, Giám đốc trung tâm nghiên cứu động vật ẩn sinh và động vật quý hiếm Việt Nam, kể về dấu chân người rừng mà ông từng gặp tại Tây Nguyên.
Câu chuyện xảy ra vào đầu mùa mưa năm 1982, tại địa phận tỉnh Gia Lai – Kon Tum. Chuyến thám hiểm nằm trong khuôn khổ chương trình bảo vệ môi sinh 5.202. Tiến sĩ Trần Hồng Việt, nay là chủ nhiệm Bộ môn động vật học, Đại học Sư phạm Hà Nội, là người có may mắn “tóm” được dấu chân người rừng trên đỉnh đèo Ngọc Vin ẩm ướt. Dấu rõ ràng như khi ta lấy tay ấn lên bột bánh trôi, đủ để khiến ông có niềm tin sắt đá rằng người rừng đang hiện hữu ở Việt Nam.
Tiến sĩ Việt đã chụp được bức ảnh về bàn chân này. Nó dài khoảng 30 cm, rộng gần 13 cm (tương đương cỡ giày 55-60). Căn cứ vào dấu chân trên nền đất, người ta thấy lòng bàn chân người rừng lõm rất sâu, đặc điểm mà theo các nhà khoa học là rất phù hợp với điều kiện leo núi. Đây rất có thể là bằng chứng cho thấy trong những cánh rừng đại ngàn của miền nam Việt Nam, người rừng vẫn còn sống! Không những thế, đây còn là một loài rất cổ, thậm chí trước cả người Neanderthal, loài sống cách chúng ta từ 25.000 đến 30.000 năm.
Kể lại câu chuyện này, nhà động vật học tỏ ra tiếc nuối vô cùng: Nếu ngày ấy chiếc Uoát cổ lỗ không gãy nhíp, nếu ông có một chú chó bécgiê, rất có thể đã có một cuộc gặp gỡ “lịch sử” giữa lớp cháu chắt “văn minh” và những hậu duệ hoang dã của các cụ tổ ăn lông ở lỗ thời xa xưa.
Thực ra, thông tin về người rừng ở Việt nam không chỉ qua dấu chân duy nhất này. Nhiều chiến sĩ cũng từng bắt gặp người rừng khi hành quân qua rừng Trường Sơn. Trong đó, đáng chú ý là chuyện về cuộc hội ngộ giữa một đoàn dân công với người rừng trong một đêm trăng sáng. Đêm đó, hơn hai mươi anh chị em đang thồ hàng lên thì bỗng nhiên sững sờ khi thấy một cái bóng to lớn, sừng sững đi xuống từ trên đỉnh đèo Ngọc Vin. Con người to lớn đầy lông lá này thản nhiên rẽ đám đông sang hai bên và nhanh chóng mất hút trong rừng già. Sau này kể lại, các thành viên trong đoàn khẳng định họ đã nhìn rõ người rừng. Tiến sĩ Việt cho biết có những người trong đoàn dân công ấy vẫn còn sống và mới đây ông đã đến gặp một vài người trong số họ.
Xa hơn chút nữa, dân Kon Tum còn lưu truyền câu chuyện lính Mỹ bắn chết một người rừng. Lúc ở sân bay trực thăng dã chiến Kon Tum, lính Mỹ đặt xác người rừng trong chiếc võng. Họ thấy thực sự đây là một người rừng khổng lồ, cao gần 2m.
Dù đó là truyền thuyết hay câu chuyện kể, tiến sĩ Việt vẫn tin rằng đây là chuyện có thật. Bởi lẽ người dân Tây Nguyên vốn sống trong rừng sâu, làm sao biết sách giáo khoa mô tả người cổ đại như thế nào, vậy mà khi được phỏng vấn, họ đã mô tả rất chi tiết về hình dáng, bước đi, khuôn mặt… của người rừng và chính xác như sách vậy!
Cũng không phải ngẫu nhiên, lâm trường Bắc Sa Thầy có một khu rừng được gọi là “rừng đười ươi”. Ở bãi gỗ gần suối, nhân viên của lâm trường từng nhìn thấy dấu chân của cả một gia đình người rừng. Còn năm 1980, hai nhân viên kiểm lâm đã tận mắt ngắm người rừng ở vị trí rất gần. Thoạt đầu, họ tưởng đó là gấu, nhưng tiến sát lại gần, lại là “con gấu” đứng thẳng bằng hai chân, tóc xoã ngang lưng, đang rung một thân cây để nhặt trứng chim rơi xuống. Tuy nhiên, tiến sĩ Trần Hồng Việt vẫn chưa đưa ra kết luận chắc chắn nào và ông từ chối đề nghị được đăng bức ảnh dấu chân người cổ đại.
Chứng độc nhãn ở bào thai dị dạng
Người rừng Nam Bộ to lớn như vậy, còn ở Bắc Bộ thì sao? Trong đợt công tác gần đây nhất tại Sơn La, tiến sĩ Việt tình cờ gặp một người thợ săn lành nghề, từng là một quân nhân. Anh này cho biết đã nhìn thấy một con vật kỳ lạ, mà theo mô tả, rất giống với con vật mà giáo sư Đào Văn Tiến được người dân Sơn La kể cho nghe từ năm 1965. Đó là một con khỉ giống y như người, tiếng Thái gọi là “Pì coong cói” (hay Ma coong cói), cao khoảng 1,5 m. Trước đây, theo giáo sư Tiến, nó không phải là khỉ vì không có thói quen ăn đêm. Lại càng chưa bao giờ khỉ làm “đạo chích” đột nhập vào nhà dân bốc trộm cơm. Tên “đạo chích” mà anh thợ săn Sơn La vừa gặp cũng giống như vậy, người đầy lông lá; nó đang lật đá kiếm giun, thấy anh liền bỏ chạy. Lên đỉnh đồi, nó gặp “đồng bọn”, một tay nó túm lấy bạn, tay kia dứ dứ về phía người thợ săn, rồi cả hai bước đi rất nhanh bằng đôi chân đứng thẳng.
Xương sọ giống voi lùn được tìm thấy tại Sicile, Italia
Điều đáng nói là dù “người rừng” cao lớn, thích sống cô độc ở miền Nam, hay người rừng bé nhỏ sống theo đàn ở miền Bắc, thì cả hai đều đang có nguy cơ bị tuyệt chủng. Miền Nam, những cánh đồng Sa Thầy – những cánh rừng nguyên sinh cuối cùng ở Tây Nguyên – đang bị tàn phá. Còn miền Bắc, thuỷ điện Sơn La sắp khởi công vào một ngày không xa, sẽ nhấn chìm nơi ở của “Pì coong cói” trong bể nước mênh mông.
Dù sao, câu chuyện về người rừng ở Việt Nam vẫn đang che phủ ở màn sương huyền thoại, ngay cả với những người có trí tưởng tượng phong phú. Và liệu những điều mà tiến sĩ Việt bộc lộ trên đây có mở ra một hướng nghiên cứu mới trong tương lai?