Nhiệt độ trên Trái Đất vì sao lại nóng lên?

Sự biến đổi khí hậu trên Trái Đất có liên quan đến cuộc sống của con người. Các nhà khoa học thông qua nghiên cứu và đo đạc nhiệt độ phát hiện thấy: hơn 100 năm nay, nhiệt độ bình quân trên Trái Đất tăng cao lên 0,5oC 0,6oC và làm cho xu thế nhiệt độ tăng cao trở nên mạnh mẽ. Phát hiện này đã gây nên sự quan tâm rộng rãi của loài người.

Năm 1989 Cục Quy hoạch Môi trường của Liên hợp quốc đã lấy chủ đề “Cảnh giác ! Trái Đất đang nóng lên ” làm “Ngày môi trường thế giới”.

Khí hậu toàn cầu vì sao lại nóng lên? Nguyên nhân sự biến đổi này rất phức tạp, nhưng có thể phân thành hai yếu tố, đó là yếu tố tự nhiên và yếu tố nhân tạo. Yếu tố tự nhiên có: hoạt động của Mặt Trời, bao gồm bão từ của Mặt Trời, quầng Mặt Trời và các vết đen; hoạt động của quả đất bao gồm sự hình thành, sự biến mất và sự di chuyển của băng hà, sự biến đổi của các dòng hải lưu lạnh và hải lưu nóng, hoạt động của núi lửa; nguyên nhân vũ trụ có sự biến đổi mang tính chu kỳ của độ nghiêng hoàng đạo, sự biến đổi tốc độ tự quay của Trái Đất, v.v..

Yếu tố nhân tạo là chỉ những hoạt động không hợp lý của loài người gây nên. Ví dụ, cùng với sự phát triển của công nghiệp, các nhà máy đã đốt cháy một lượng lớn than đá, dầu mỏ, khí đốt thiên nhiên khiến cho hàm lượng khí CO2 trong không khí tăng lên mạnh mẽ; con người chặt phá rừng, chăn thả quá mức các súc vật trên thảo nguyên, khiến cho rừng xanh, các bãi cỏ hấp thụ khí CO2 và nhả ra khí oxi bị giảm thấp, làm cho hàm lượng khí CO2 tăng lên nhanh. Khí CO2 là màn chắn ngăn cản nhiệt lượng trên mặt đất khuếch tán ra bên ngoài bầu khí quyển. Nếu hàm lượng khí CO2 trong bầu khí quyển tăng lên sẽ sản sinh hiệu ứng nhà kính. Kết quả ánh nắng Mặt Trời có thể chiếu lên Trái Đất, còn nhiệt lượng trên Trái Đất thì rất khó khuếch tán vào vũ trụ, làm cho khí hậu trên Trái Đất ấm lên.

Từ khoá: Hiệu ứng nhà kính; Khí CO2.