Nhôm là gì?
Từ khóa tìm kiếm: Hãy Trả Lời Em Tại Sao? – Tập 5 – Arkady Leokum
Nhôm là một kim loại có khá nhiều trong thiên nhiên. Vỏ quả đất gồm 8% là nhôm. Tuy nhiên cái khó là nhôm đâu có nằm khơi khơi trên mặt đất hay kết tầng, kết tảng dưới lòng đất để ta cứ việc đem về, sàng lọc sơ sơ rồi dùng. Nhiều, nhưng nhôm không ở trạng thái tự do, nghĩa là nguyên chất, ròng, mà luôn luôn “đi đôi” với vô số chất khác, chủ yếu là “bắt cặp” với đá, đất. Bởi vậy, vấn đề là làm thế nào để tách nhôm ra khỏi các “bạn bè” của nó với số lượng nhiều và với giá rẻ. Vậy mà ngay từ ngày 23-3-1886, một chàng thanh niên tên là Charles Martin Hall mới có 22 tuổi đã giải quyết được vấn đề này. Thế là một kim loại “mới” đã ra chào đời. đã đành là quặng nhôm thì có lẽ có từ ngày tạo thiên lập địa rồi. Nhưng có quặng nhôm đâu có nghĩa là có kim loại nhôm để dùng, phải không? Có thiếu gì dân tộc chết đói trên mỏ vàng, mỏ kim cương. Bởi vì có mỏ, quặng là một đàng, moi nó lên, chế biến nó thành vàng ròng, cái hột xoàn thì lại khác, khác xa.
Charles Martin Hall làm thế nào? Ông nung chảy “cryolite” (quặng nhôm) trộn lẫn với nhôm oxide rồi cho dòng điện chạy qua. Lát sau có những “núm” nhôm nguyên chất xuất hiện. Về nguyên tắc thì chỉ đơn giản có vậy thôi.
Nhôm trắng như bạc, có ánh kim, chỉ nặng bằng 1/3 sắt, có thể kéo thành sợi rất nhỏ, nhỏ hơn sợi tóc, tán mỏng hơn tờ giấy. Trừ phi bị tác dụng của vài ba loại acid, nhôm không bị ăn mòn (sét rỉ) trong điều kiện bình thường. Nếu pha thêm một vài kim loại khác nhôm trở nên dai hơn, cứng hơn, bền hơn chính nhôm nguyên chất.
Bước khởi đầu, công dụng của nhôm là từ nhà bếp, nói rõ hơn nữa, từ cái bình pha trà. đồ nhà bếp bằng nhôm thì thích hợp quá rồi: dẫn nhiệt rất tốt, chùi một cái là sáng loáng, sạch boong mà lại nhẹ, nhất là không có các chất độc như mấy cái nồi xoong bằng đồng. (Nấu ăn mà lỡ có sulfat đồng tức là cái “teng” xanh xanh của đồng là dễ chết lắm. Vì sulfat đồng là chất liệu chủ yếu của thuốc… chuột đấy). Nhưng công dụng của nhôm đâu chỉ có bấy nhiêu, đâu chỉ quanh quẩn ở nhà bếp mà nó còn bay lên trời, lên mặt trăng nữa kìa. Nhờ cái tính năng nhẹ mà lại bền, lại không bị sét rỉ ăn mòn nên hợp kim nhôm rất đắc dụng: thân máy bay, cánh máy bay, tên lửa… đều có sự dự phần của nhôm cả đấy. Ngôi nhà hơn trăm tầng kia đứng vững được cũng có phần của nhôm đấy.
Công dụng của nhôm mỗi ngày mỗi tăng. Tán nhuyễn nhừ ra, nhôm làm sơn rất tuyệt. Giấy gói kẹo, thuốc lá, thức ăn, xà bông sáng lấp lánh đó là gì? Nhôm đấy! Cũng không thiếu chi tiết trên tivi, cassete, máy truyền thông… đều có mặt nhôm.