Những thứ cần có trong nhà

Hôm kia, cháu được người lớn giao việc cho cạo rửa cái thủ (đầu) của một con lợn chết bệnh, cháu vô ý bị một đầu xương đâm thủng ngón tay, cháu lấy nước rửa chén rửa sạch; sang ngày hôm qua thấy nhức nhối, cháu nặn ra được một ít đất cát rồi rửa sạch bằng nước muối, nhưng vẫn sợ vì sau đó vẫn nhức. Xin cho cháu ngay một lời khuyên bằng thư riêng.

Không biên thư riêng cho cháu làm gì, vì đã qúa trễ (trong trường hợp cần xử trí thật nhanh như vậy, không thể ngồi chờ “thư đi từ quê tới toà soạn rồi đi ngược chiều trở lại”, chí ít cũng mất 7,8 hôm). Nhân đây chỉ muốn nhắc các cháu một số việc, tưởng chừng nhỏ nhoi, nhưng lại cần thiết: 1. Mỗi gia đình nên có một lọ cồn 70 độ, hoặc cồn iốt; một gói bông, một gói gạc nhỏ đã diệt khuẩn; tốt nhất là có thêm loại băng dính có dán sẵn gạc nhỏ. Chi phí cho khoản này không qú15 ngàn đồng, dùng được quanh năm. Cất tất cả vào một chiếc hộp sạch và để nơi dễ tìm thấy khi cần. 2. Khi bị thương tích ở da thịt, phải: – Rỏ cồn ngay vào vết thương (nếu qúa bẩn, có thể dùng nước sạch dội nhiều lần trước khi thấm khô và rỏ cồn); – Xem kỹ, nếu còn dị vật thì dùng kim xoa cồn khều nhẹ để lấy ra; – Vừa bóp mạnh xung quanh vết thương vừa rỏ cồn, để cho máu đẩy hết đất cát ra; nếu vật đâm có dính hóa chất thì làm kỹ càng hơn; – Bôi cồn lần cuối rồi băng lại. – Nên tiêm phòng uốn ván (tại các trạm y tế) nếu vật đâm bẩn (gỉ, bùn…). – Nếu thấy vật đâm bẩn, hoặc vết đâm sâu, nên uống kháng sinh 3 đến 5 hôm. c) Nếu vì xử trí kỳ đầu không tốt, sang ngày thứ hai thấy nhức nhối, thân nhiệt tăng, tức là có hiện tượng nhiễm khuẩn; lúc bấy giờ tuyệt đối không được bóp nặn vào vết thương. Tại sao? Bởi vì vào giai đoạn này đã hình thành hàng rào bảo vệ để chống đỡ với vi khuẩn hiện diện trong vết thương, nếu bóp mạnh sẽ phá vỡ hàng rào đó, tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công ồ ạt, thậm chí thâm nhập ngay vào máu. Phải được khám bác sĩ kịp thời để có biện pháp điều trị thích hợp.