Núi cao có cao thêm nữa không?
Từ khóa tìm kiếm: Hãy Trả Lời Em Tại Sao? – Tập 6 – Arkady Leokum
Tuổi của trái đất là 4,6 tỷ năm. Vì trái đất là một khối tròn chuyển động, magma trong lòng trái đất chảy qua chảy lại dưới tác dụng của nhiệt độ cao và áp lực cao, nên vỏ ngoài của trái đất không ổn định, không ngừng thay đổi. Trong mấy tỷ năm đó, vỏ trái đất có sự thay đổi rất lớn. Khi khoan thăm dò dầu mỏ ở đáy biển, nơi sâu nhất của đại dương, người ta khám phá thấy có hóa thạch động thực vật trên cạn, chứng tỏ nơi đây xưa kia là lục địa, do vỏ trái đất sụp xuống hóa thành đại dương ngày nay. Trên núi cao ngày nay lại tìm thấy khá nhiều loài cá hóa thạch sinh sống ở biển, chứng tỏ thời kỳ địa chất xưa kia nơi này là đại dương, do vỏ trái đất trồi lên biến thành lục địa hoặc núi cao ngày nay.
Cao nguyên Tây Tạng và dãy Hymalaya hiện nay, trước kia là nơi sâu nhất của đáy biển, về sau vỏ trái đất nâng lên nhô khỏi mặt biển trở thành lục địa, còn tiếp tục trồi lên nữa thành cao nguyên Tây Tạng và dãy Hymalaya vậy đó. Theo sự nghiên cứu của các nhà khoa học, một triệu năm trở lại khu vực núi Hymalaya đã nâng lên khoảng 3000 mét, bình quân cứ mười ngàn năm nâng lên 300 mét. Hiện nay, dãy Hymalaya còn đang nâng lên cao, chứng tỏ núi cao còn đang nâng cao nữa.
Trên lục địa có dãy núi đang ở vào thời kỳ ổn định, không nâng cao lên mà cũng không hạ xuống rõ rệt. Có một số dãy núi đang ở trong quá trình hạ xuống, thí dụ các dãy núi ở dọc theo bờ biển, bờ biển ở lân cận không ngừng kéo dài hướng về phía lục địa, nước biển thâm nhập lục địa ngày càng sâu, tuyến bờ biển khúc khuỷu có nhiều vịnh tốt, chứng tỏ khu vực đó đang hạ xuống; “núi cao cũng trở thành thấp”.
Cũng với lý giải như vậy, khi lục địa ven biển đang cao lên, nước biển cách xa lục địa, tuyến bờ biển bằng và thẳng, vịnh ở biển dễ bị ách tắc, độ sâu nước biển giảm thiểu. Cho nên, căn cứ vào sự tiến thoái của nước biển có thể phán đoán được sự nâng lên hay hạ xuống của vỏ trái đất.