Núi lửa hình thành và hoạt động như thế nào?
Từ khóa tìm kiếm: Hãy Trả Lời Em Tại Sao? – Tập 2 – Arkady Leokum
Tháng 2-1943, ngay trên cánh đồng trồng bắp, một nông dân Mexico đã chứng kiến một sự kiện lạ lùng, hiếm thấy: sự ra đời của núi phun lửa. Chỉ trong ba tháng, cánh đồng trồng bắp này đã biến thành một ngọn núi hình nón cao hơn 300 mét. Thêm vào đó là hai thành phố bị hủy diệt và một vùng rộng lớn bị tàn phá vì tro và đá của núi lửa (đá bọt).
Cái gì đã tạo núi lửa? Ta biết càng đi sâu vào lòng đất thì nhiệt độ càng cao. Chỉ sâu dưới mặt đất khoảng 60km thì nhiệt độ cao tới mức đủ làm cho đá nóng chảy. Khi nóng chảy, đá “nở” ra, do đó, nó cần thêm không gian. Ở một vài nơi trên địa cầu, núi đang bị nâng lên. Ở những chỗ bị núi nâng lên như vậy thì áp suất phía bên dưới giảm đi. Chất đá nóng chảy – ta gọi là “magma” – sẽ tràn vào. Chính chất lỏng đặc biệt đó theo những vết nứt của vỏ trái đất vọt ra ngoài. Khi áp suất phía bên dưới lớn hơn lớp vỏ đá chặn bên trên, chất lỏng “magma” liền theo kẽ nứt vọt lên tạo thành núi lửa.
Trong khi núi lửa hoạt động (phun lửa) thì hơi nóng, chất lỏng “magma” và cả các chất khác bị phun ra. Các chất bị phun ra này tụ quanh miệng núi lửa tạo thành khối nón hình chóp. Miệng núi lửa chính là nơi xả áp lực. Nó thông từ mặt đất xuống sâu đến tận nơi chứa “magma”. Ngọn núi hình chóp là kết quả của núi lửa.
Những chất từ núi lửa phun ra chủ yếu là khí, nhưng cũng có một khối lượng lớn “dung nham” và những chất đặc như đá bọt, tro cũng bị phun ra đồng thời nữa. Dung nham chỉ là tên gọi khác của chất “magma” (đá nóng chảy) do núi lửa phun ra. Khi dung nham lên đến gần miệng núi lửa, nhiệt độ và áp suất giảm đi, sự thay đổi về lý và hóa này đã khiến chất “magma” biến thành “dung nham” (lava).