Phần 1. Đứa trẻ nào cũng cần theo phép tắc
Vậy thì tại sao lại như vậy? Các bạn có lời khuyên nào cho mẹ của Paul không? Các bạn cũng có thể thử trả lời các câu hỏi trên với các ví dụ sau đây.
Mẹ của Oliver khóc qua điện thoại khi bà đặt lịch hẹn tư vấn với tôi. Đứa con trai 2 tuổi của bà mới bị đuổi ra khỏi nhóm. Người phụ trách cho rằng Oliver quá hung hăng và không thể chơi trong lớp được. “Đôi lúc chính tôi còn sợ nó”, bà nói. “Thằng bé rất hung dữ. Nó cắn và dẫm lên tôi. Một lần, nó còn ném cả cái máy ghi âm vào người tôi. Mỗi khi có gì không vừa ý, nó mặc sức kêu gào. Tôi không thể chịu nổi nữa.”
Carola được 3 tuổi rưỡi. Nó không chịu ăn gì và lúc nào cũng phải có người bón. Bất cứ khi nào Carola cũng có thể nôn oẹ và rất hay giở bài nôn oẹ ra khi phải ăn.
Lúc ăn sáng, con bé thường nhai đến cả nửa tiếng đồng hồ mà không chịu nuốt. Chúng tôi thường mất rất nhiều thời gian trong ngày để tranh cãi và trao đổi về “chủ đề ăn uống”.
Miriam, 6 tuổi, mới có thêm một em trai. Thường thì Miriam lúc nào cũng tỏ ra mệt mỏi, nhưng giờ thì bà mẹ thấy con bé “không thể chấp nhận được nữa”. “Sáng nào nó cũng rề rà mất bao nhiêu thời gian. Nó không chịu mặc quần áo và ăn sáng rất lề mề. Mỗi tuần, nó không đến trường mẫu giáo hai hoặc ba lần, đơn giản vì tôi và nó không bao giờ chuẩn bị kịp. Nó không chịu dọn dẹp bất kì thứ gì. Sau một hồi tranh cãi thì gần như lúc nào tôi cũng phải làm. Nó cũng chẳng để thằng em yên. Cứ lúc nào tôi bế thằng bé, nó lại giằng lấy cho đến khi tôi phải đưa thằng bé cho nó. Còn nữa, tối nào nó cũng giở đủ trò nghịch ngợm mất hai tiếng đồng hồ rồi mới chịu lên giường đi ngủ.”
Vicky, 8 tuổi, là một cô bé nhút nhát và dè dặt. Hai tuần nay nó không chịu đi học. Mỗi buổi sáng nó phải vào toa-lét cả chục lần trước khi ra khỏi nhà.
Sáng nào Vicky cũng kêu đau bụng và cố gắng thuyết phục mẹ cho cô bé được nghỉ ở nhà. Cô bé đã thành công được ba lần.
Tất cả những vấn đề trên bắt nguồn từ đâu? Các bạn có lời khuyên gì dành cho những vị phụ huynh này? Câu trả lời của tôi cho các câu hỏi này sẽ có ở phần sau cuốn sách. § TỔNG KẾT ⇒ Không có tình yêu thương và sự gương mẫu thì không thể giáo dục được con trẻ
Tuy nhiên, đôi lúc chỉ tình yêu thương, sự gương mẫu và những lời nói tốt đẹp vẫn chưa đủ. Lúc đó, cha mẹ cần có thêm những “công cụ” để cứu vãn tình hình. ⇒ Không phải bọn trẻ càng ngày càng “rắc rối” hơn
Nhiều bậc cha mẹ ngày nay thường nghiêm khắc với bản thân hơn hay kém kiên định hơn so với những bậc cha mẹ thời trước. Họ biết rằng cần đặt ra giới hạn cho bọn trẻ. Họ cũng mong muốn được biết chính xác hơn làm thế nào để đặt ra những giới hạn đó một cách hợp lý. ⇒ Bọn trẻ đang thử thách chúng ta
Ví dụ cụ thể về những đứa trẻ “rắc rối” ở mọi độ tuổi từ 8 tháng đến 8 tuổi, đã chỉ ra các khó khăn mà cha mẹ phải đối mặt hàng ngày và đưa ra những vấn đề cần suy ngẫm.