Phần 12. Học từ những phương pháp logic

Vào lần tiếp theo mẹ Paul quyết định – như đã bàn trước – tiến thêm một bước nữa: bà đặt Paul vào cũi. Bé có thể nhìn thấy mẹ mình từ cũi. Bé không thể ngăn được điều đó, bé vừa la hét vừa cố trèo lên cũi. Mẹ bé tập trung vào công việc của mình mặc dù vẫn lo lắng khi nghe tiếng Paul kêu gào. Sau hai hoặc ba phút, bà đến gần và nói: “Mẹ phải dọn dẹp bếp đã, sau đó mẹ sẽ chơi với con.” Sau mười phút bà lại tiếp tục chú ý đến Paul trở lại. Bà cảm thấy nhẹ nhõm và tự hào rằng bà đã có thể làm được, ngay cả khi lúc đầu bà không làm được nhiều việc nhà.

Mẹ Paul thực hiện trình tự này vào các ngày tiếp theo. Mỗi lần bà lại tăng thêm việc bà muốn làm trong thời gian này – dọn dẹp, đọc báo, ăn hết bữa sáng của mình. Dần dần bà kéo dài thời gian từ mười lên 30 phút. Ngay ở ngày thứ ba, Paul đã ngừng khóc trong thời gian cách ly tạm thời. Bé ngồi chơi trong cũi dưới con mắt ngạc nhiên của mẹ.

Những ngày sau đó bà không cần phải cho Paul vào cũi nữa. Bà chỉ làm thế mỗi khi Paul bám lấy bà đến nỗi bà không thể cử động được. Dần dần Paul cũng học được rằng trong thời gian này bé không phải là mối quan tâm quan trọng nhất và kêu gào cũng chẳng giúp ích gì cả. Bé quyết định chơi thay vì la hét. Mẹ bé để ý rằng hai mẹ con đã tạo nên sự thay đổi rất tốt. Bà tiếp tục dùng thêm nửa giờ vào buổi chiều bà đã bỏ lỡ trước kia để làm việc.

Ngay cả khi con vẫn còn nhỏ – bạn hãy thể hiện thông điệp “tuyên bố cái tôi” của mìnhtrong thời gian cách ly tạm thời “Mẹ phải dọn dẹp đã”; “Mẹ phải ăn sáng xong đã”; “Mẹ phải nói chuyện điện thoại đã” – bạn không thể bắt đầu những thứ như thế này sớm hơn. Con bạn phải biết chúng được cho phép làm gì và bạn có thể kìm nén bản thân không quát mắng và làm gương xấu cho con.

Bạn còn nhớ Patrick, “Kẻ xấu xa trong nhóm chơi” không? Đứa trẻ 2 tuổi cắn, đánh những đứa trẻ khác, lấy đồ chơi của chúng và ném đi. Mỗi lần như vậy, mẹ bé lại đến và mắng mỏ bé. Gần như lần nào mẹ bé cũng nói những câu như: “Nếu con còn làm thế nữa mẹ sẽ đưa con về nhà ngay lập tức.” Tuy nhiên bà lại chẳng bao giờ làm thế cả.

Vậy mẹ Patrick nên làm gì? Khi Patrick đánh những đứa trẻ khác hoặc quăng ném đồ vật, bà phải nói rõ ràng quan điểm của mình. Bà tới gần ngồi cạnh bé, nhìn bé, giữ chặt tay bé và nói: “Thôi ngay! Con dừng ngay lại cho mẹ!” Bà đưa bé ra một góc khác trong phòng, không để ý tới bé nữa và an ủi những “nạn nhân” của bé. Khi Patrick tiếp tục đánh hoặc cắn, bà xử lý ngay lập tức.

Patrick đã 2 tuổi nhưng không thể ở một mình trong phòng được. Mẹ bé phải ở trong phòng cùng bé. Trong thời gian đó, bà không gần gũi hay có cử chỉ thân mật nào với bé cả. Khi bé la hét, bà chỉ nói: “Khi nào con bình tĩnh lại chúng ta sẽ đi ra ngoài”. Bà còn nhấn mạnh rằng: khi Patrick không ngừng la hét, bà sẽ cùng cậu bé về nhà ngay.