Phần 13. Cơ hội cuối cùng: phương pháp “ngồi yên trên ghế”
Từ khóa tìm kiếm: Người Đức dạy con học các quy tắc – Annette Kast-Zahn
Phương pháp “ngồi yên trên ghế” có thể áp dụng cho các bé trên 2 tuổi. Cha mẹ ở cùng với bé trong phòng riêng. Với phương pháp “ngồi yên trên ghế”, bé có được cơ hội cuối cùng để tránh bị cách ly trong phòng một mình. Bé phải dứt ra khỏi các mối bận tâm khác và phải ngồi yên trên một cái ghế ở gần cha mẹ. Một ví dụ sau đây mô tả chính xác hơn về phương pháp này:
Thomas (4 tuổi) rất hay nghịch ngợm khi có khách đến chơi nhà. Lúc nào bé cũng giật đồ chơi của bạn chơi cùng dù bé vẫn còn đang chơi đồ chơi khác. Vậy mà ở nhà Thomas có một quy định là không bao giờ được lấy đồ chơi của những bạn khác.
Thế nên mẹ Thomas trong trường hợp này đã áp dụng phương pháp “ngồi yên trên ghế”. Khi có một đứa trẻ khác đến nhà chơi, bà nhắc lại cho con trai nhớ về quy định này. Tuy thế ngay sau năm phút Thomas giật ngay máy xúc của bạn. Mẹ bé nói rằng: “Thomas, con biết quy định là gì rồi. Con đã giật máy ủi của bạn. Thế là không đúng, con biết mà. Khi bạn tới chơi, bạn có thể được phép chơi chung đồ chơi của con. Vì thế mà con phải ngồi yên trên ghế một lúc đi. Sau đó con có thể cố gắng thử lại.”
Thomas phải ngồi yên trên ghế ở gần mẹ bé khoảng hai đến ba phút. Trong lúc này mẹ bé đặc biệt không chú ý đến bé. Khi bé đã hoàn thành việc ngồi yên lặng, bé được khen và được phép tiếp tục chơi. Nếu bé không làm được, bé sẽ bị cách ly: mẹ bé sẽ đưa bé vào phòng khác trong thời gian ngắn.
Thomas có sự lựa chọn: “Khi mình chấp nhận ngồi yên trên ghế, mình có thể được ở đây và tiếp tục chơi ngay. Nếu không thì mình phải sang phòng khác ngồi.”
Mỗi lần Thomas làm gì trái với quy định “cư xử với người khác”, hậu quả logic sẽ là “ngồi yên trên ghế”.
Phương pháp “ngồi yên trên ghế” đã giúp rất nhiều trẻ nhớ quy định trong gia đình. Trẻ thích được ở lại trong phòng trẻ đang chơi thay vì bị cách ly ở một phòng khác. Vì thế mà “ngồi yên trên ghế” trở thành một phương pháp nhẹ nhàng mà vẫn hiệu quả. Quan trọng là phương pháp này có thể áp dụng được ngay khi trẻ làm trái quy định nào đó.
Về mặt thời gian thì kiểu cách ly này không lâu, chỉ từ một đến năm phút. Bạn cứ thử đặt đồng hồ mà xem! Và có một quy định nữa: trẻ càng ít tuổi thì thời gian cách ly càng ngắn.
Cách ly với bố mẹ: Bố hoặc mẹ ra khỏi phòng
Kiểu cách ly này phù hợp với các bé từ 2 tuổi trở lên. Ví dụ như khi con bạn la hét quá lâu, bé cáu giận hoặc bạn mắng mỏ bé. Bạn nên rời khỏi nơi xảy ra vụ việc thay vì cố khiến bé chú ý lại. Một số ví dụ:
Đứa con 2 tuổi của bạn nhất định đòi ăn sôcôla, nhưng bé không được ăn. Bé lăn ra sàn, giậm chân và la hét. Bạn ra khỏi phòng và chỉ quay lại khi con đã bình tĩnh lại.
Trong trường hợp bé tức giận quá lâu, bạn có thể vào với con vài phút và hỏi rằng: “Mẹ có thể giúp con gì không? Mọi chuyện ổn cả chứ?” Khi bé tiếp tục la hét, bạn lại tiếp tục rời khỏi phòng. Bạn lặp lại như thế cho tới khi con bạn làm hòa lại.
Bạn đang cố gắng giúp con gái 8 tuổi làm bài tập về nhà. Bé không cần sự giúp đỡ của bạn. Thay vào đó bé bắt đầu la mắng bạn: Cô giáo giải thích khác hẳn, bạn không hiểu gì cả và bạn lại trở thành “bà mẹ xấu xa”.
Lúc đó bạn đi ra khỏi phòng. Tốt nhất là không nên nói gì, trong bất cứ trường hợp nào cũng không nên nói thêm gì gây tổn thương hay giảng giải. Nếu bạn thấy việc giữ im lặng quá nặng nề, bạn có thể nhấn mạnh điều tích cực: “Tới khi nào con nói năng thân thiện trở lại, mẹ sẽ tiếp tục giúp con.”
Hai đứa con của bạn (7 và 9 tuổi) đánh nhau suốt cả buổi chiều. Cứ vài phút lại có tiếng la hét và bạn phải liên tục can thiệp và ngăn chúng. Bạn biết là bạn càng lúc càng tức giận. Bạn có cảm giác: “Nếu mình không hét lên thì chắc mình nổ tung mất!”
Thay vì hét lên và mất kiểm soát, bạn có làm những thứ có tác dụng hơn: để cho cả hai bên thời gian cách ly. Bạn ra khỏi phòng khách và đi một vòng quanh khu nhà – nếu con bạn đã đủ lớn để ở nhà một mình.
Ngay cả trong nhà bạn cũng có thể có chỗ để rút lui. Rudolf Dreikurs đã viết trong cuốn sách của mình về phương pháp “nhà tắm”: Mẹ hoặc bố ra khỏi phòng và vào nhà tắm một lúc (có thể cùng với tờ báo) và ngồi ở đó cho đến khi đã kiểm soát lại được cảm xúc của mình.
Vẫn có một ngoại lệ khác bạn có thể áp dụng cho trẻ sơ sinh 6 tháng tuổi: Khi con bạn phải học cách nằm ngủ một mình trên giường.
Trong trường hợp này, con bạn sẽ được đặt lên giường mà không có hỗ trợ ru ngủ như bình sữa hoặc núm vú cao su. Bạn nói với bé “Chúc ngủ ngon” và ra khỏi phòng. Khi con bạn khóc, bạn lại trở lại phòng sau thời gian ngắn, dỗ dành và vỗ về bé, chỉ cho bé rằng mọi thứ đều ổn, không đưa cho bé những gì bé thích (bình sữa, bế lên dỗ dành…). Bạn ra khỏi phòng ngay khi con bạn vẫn la hét.
Bạn lặp lại những điều này cho đến khi bé ngủ. Chỉ khi bé tự ngủ một mình không cần sự giúp đỡ của bạn, bé mới có thể ngủ liền mạch được. Kiểu cách ly này rất có tác dụng: hầu hết trẻ sơ sinh học được cách ngủ tốt và liền mạch chỉ trong vài ngày.
Với trẻ từ 2 tuổi trở lên: cách ly trong phòng khác
Khi trẻ không tuân theo quy định trong gia đình, bạn có thể có một kiểu cách ly khác: Cha mẹ không ra khỏi phòng mà trẻ phải được đưa sang phòng khác trong thời gian ngắn. Nếu cần phải đóng cửa lại (không được khóa!). Nhờ đó bạn có thể đặt ra một giới hạn đặc biệt rõ ràng và dứt khoát. Điều kiện ở đây là con bạn được 2 tuổi trở lên và không bị mắc chứng sợ bị bỏ lại một mình.
Trẻ có những hành vi không mong muốn nào thì có thể áp dụng kiểu cách ly “cổ điển” này? Chẳng có cha mẹ nào đưa con vào phòng khác rồi đóng cửa lại cho vui cả. Cha mẹ phải chắc chắn rằng, mình không thể nào chấp nhận được hành vi của bé. Đây không phải là những điều nhỏ nhặt. Chẳng hạn như:
Con bạn cắn, đánh, đá bạn hoặc người khác.
Bé cố tình ném đĩa ăn của bé trong bữa ăn xuống đất.
Bé ném mạnh đồ đạc vào người khác.
Bé cáu giận trong lúc cùng ngồi chung bàn với mọi người.
Bé to tiếng và xúc phạm bằng những lời lẽ thô tục.
Bé hét to khi bạn đang có cuộc điện thoại quan trọng.
Bé đòi hỏi bạn đủ thứ mà không để bạn yên tĩnh làm việc quan trọng.
Bé chọc tức, khiêu khích và “thử” bạn xem bạn có nói ra quan điểm của mình hay không.
Việc cách ly sẽ thực hiện như sau:
Đầu tiên bạn phải suy nghĩ xem bé đã vi phạm quy định như thế nào để bạn phải cách ly bé.
Khi con bạn chưa biết phương pháp bị cách ly, nói trước để bé chuẩn bị tinh thần. Bạn nói cho bé chính xác những gì sẽ xảy ra, nếu bé không tuân theo quy định.
Bạn sử dụng phương pháp cách ly mỗi lần bé vi phạm quy định và có hành vi không phù hợp.
Chọn một phòng cách ly. Đưa bé đến đó nếu bé không tự nguyện đi.
Bạn phải lo liệu trước việc con bạn có thể không tuân theo phương pháp cách ly. Đóng cửa lại (không khóa!). Nếu cần phải giữ bé lại. Nếu con bạn có chứng sợ bị bỏ lại một mình, bạn có thể sử dụng chặn cửa và để cánh cửa mở.
Cách ly chỉ kéo dài ít phút. Đặt đồng hồ hẹn giờ. Quy tắc bất di bất dịch: cứ một năm tuổi tương ứng với một phút (2 tuổi ứng với hai phút, ba phút với bé 3 tuổi…).
Khi con bạn sau giờ cách ly vẫn còn la hét hoặc khóc, bạn tới gần và cho bé cơ hội lập lại “hòa bình”. Hãy hỏi bé một cách thân thiện xem mọi chuyện có ổn không hoặc bạn lại phải đóng cửa lại lần nữa. Nếu trẻ lại khóc hoặc la hét tiếp, bạn kéo dài thêm thời gian cách ly. Con bạn có sự lựa chọn.
Thời gian nghỉ cách ly sẽ chấm dứt khi con bạn bình tĩnh lại và hết thời gian đặt ra. Nếu cần thiết hãy lặp lại thời gian nghỉ cách ly. Một ví dụ từ những việc hàng ngày:
Tôi đã đề cập đến câu chuyện của bé Oliver từ phần đầu tiên. Mẹ bé thấy bé thật sự rất “xấu tính”. Bà bị bé đánh, cắn và đá, ngoài ra bé còn rất hay cáu giận và la hét rất lâu.
Với việc bé cáu giận và la hét, mẹ Oliver có thể sử dụng kiểu cách ly đã mô tả ở đoạn trên: bà ra khỏi phòng và để bé lại một mình. Khi bà vẫn còn việc gì đang làm ở trong phòng hoặc khi Oliver bắt đầu đánh, đá hoặc cắn, bà đưa bé vào trong phòng riêng của bé. Sau đó bà đóng cửa lại và ở gần đó.
Oliver đã có thể tự mở cửa, nhưng bé không làm thế. Bé ngồi trong phòng mình và gào thét. Sau hai phút mẹ bé đi vào và cho bé cơ hội “lập lại hòa bình”: “Mọi thứ đã ổn lại chưa? Con có muốn làm hòa với mẹ không?” Oliver tiếp tục gào thét. Mẹ bé tiếp tục ra khỏi phòng và đóng cửa lại. Sau hai phút tiếp theo, bà lại vào và hỏi lại bé. Lần này Oliver đưa tay ra với mẹ bé. Bé ngừng khóc và được phép ở bên cạnh mẹ. Ngay lập tức mọi thứ trở nên bình thường.
Trong ngày đầu tiên Oliver đã chú ý tới giới hạn: sau một khoảng thời gian ngắn, bé lại tiếp tục có những hành vi không tốt. Tổng cộng là bé bị cách ly trong phòng mình 12 lần. Mỗi lần bé đều khóc rất dữ dội nhưng lại chóng nín. Lần nào mẹ bé cũng vào phòng bé và hỏi mọi thứ ổn chưa, cho tới khi bé tự bình tĩnh lại được.