Phần 2 Tính cách tương đồng, nhu cầu bổ sung

Từ khóa tìm kiếm: Tán tỉnh bất kỳ ai – Leil Lowndes

Tôi muốn yêu người giống hệt mình

(Vâng, gần như giống hệt) “Chính anh và em, người yêu ơi, đơn độc chống lại thế giới điên rồ này”

Hẳn bạn đã nghe câu nói cũ rích này: “Trái dấu thì mới hút nhau”. Và bố mẹ bạn hẳn đã nói với bạn rằng: “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”.

Nghe có vẻ như mâu thuẫn, đúng không? Nhưng trong thế giới điên khùng kỳ diệu nhưng lại hợp lý về mặt khoa học của tình yêu lứa đôi, chúng lại không hề mâu thuẫn. Phần trình bày dưới đây sẽ giải thích lý do tại sao lại như vậy. Tất cả các nghiên cứu đều nói với chúng ta rằng con người thường bị thu hút bởi những người có chung quan điểm, các giá trị, mối quan hệ và cách nhìn nhận về cuộc sống. Trong thế giới hối hả với quá nhiều, đầu óc ta luôn quay cuồng đảo lộn. Ta thường tự hỏi bản thân: “Tôi nên cảm thấy như thế nào về điều đó? Tôi nên tin điều gì?” Với quá nhiều mầm mống của cả sự thật và sự dối trá quẩn quanh trong óc chúng ta, khiến ta băn khoăn: “Cái gì mới có ý nghĩa đây?

Rốt cuộc, khi ta thấy ai đó có cái nhìn tương tự như ta về thế giới, ta có cảm giác thư thái vô cùng. Ta cảm thấy gần gũi với họ. Tình yêu lãng mạn biến điều đó thành: “Chính anh và em, người yêu ơi, đơn độc chống lại thế giới điên rồ này”.

Khi người ta đắp một cái kén nhỏ bao bọc lấy mình và ở cùng một người nữa cũng có chung quan điểm về cuộc sống với mình, điều đó tạo nên trật tự cho một thế giới hỗn độn. Họ có thể dành suốt đêm bên nhau trong một cái kén ấm áp mà không một lực lượng hay giá trị nào có thể tấn công họ được. Sự tương đồng khiến tình yêu trở nên an toàn.

Sự an toàn không phải là lý do duy nhất khiến ta tìm kiếm sự tương đồng. Nếu người ta muốn có một tình yêu lâu bền, họ biết đó là một lựa chọn khôn ngoan. Các nghiên cứu cho thấy những cặp đôi tương đồng có cơ hội sống bên nhau hạnh phúc hơn. Những giá trị giống nhau sẽ giúp những hòn than tình yêu ấm nóng lâu hơn sau khi ngọn lửa đam mê thuở ban đầu nguội lạnh.

Tương đồng… và một chút khác biệt. Một chút thôi

Sự tương đồng đồng nghĩa với an toàn. Nhưng nếu quá giống nhau thì theo thời gian sẽ trở thành nhàm chán. Vì thế người ta cũng tìm kiếm sự khác biệt. Nhưng đây mới là rắc rối: Họ chỉ tìm kiếm một số khác biệt nhất định.

Những người đang yêu muốn những phẩm chất vừa đủ khác để khiến cho quan hệ của họ thú vị – nhưng không ảnh hưởng tới lối sống của riêng họ. Họ chọn các đối tượng có thể đem lại cho họ những trải nghiệm mới, thể hiện với họ những ý tưởng mới, dạy họ những kỹ năng mới, cải thiện lối sống của họ… và bù đắp cho họ những thiếu hụt.

Họ cũng tìm kiếm những đặc điểm có tính bổ sung trong đối tác. Định nghĩa về sự bổ sung nghĩa là một cái gì đó làm “trọn vẹn hoặc mang đến sự hoàn hảo”. Chẳng hạn một người đàn ông rụt rè có thể bị cuốn hút trước một người hoạt ngôn để bù đắp cho sự nhút nhát của anh ta. Một phụ nữ thiếu sự tinh tế trong đời thường có thể rất ấn tượng với một người đàn ông hiểu rõ loại rượu anh ta uống. Những người đang yêu không tìm kiếm những điều quá khác biệt ở đối tác. Chỉ là một sự khác biệt vừa đủ để phù hợp với đời sống của họ và khiến họ trở thành một cặp đôi hoàn hảo.

Đôi khi bạn thấy có những người mong muốn những tính cách hoàn toàn khác ở đối tác. Điều đó có xảy ra. Chẳng hạn, một người đàn ông được nuôi dưỡng trong kỷ luật hà khắc của một gia đình quý tộc có thể sẽ “phát điên” vì một phụ nữ khôn ngoan, có địa vị thấp. Và người phụ nữ khôn ngoan này có thể lại rất thèm muốn một chiếc xe Limousine, một người quản gia, một cô hầu gái. Nhưng ngay cả khi họ đã tìm thấy những gì họ nghĩ là mình muốn, mối quan hệ kiểu này thường cũng không kéo dài. Và họ hiếm khi có được cuộc sống hôn nhân hạnh phúc lâu dài.

Bạn có thể sử dụng kiến thức này như thế nào (việc những người đang yêu tìm kiếm sự tương đồng và một chút khác biệt) để khiến ai đó phải lòng bạn? Thật không may là khi lần đầu tiên gặp đối tượng, bạn chưa thể hiểu rõ về họ. Bạn không có đủ dữ liệu để tiết lộ với họ, dù các bạn có sự tương đồng, rằng bạn có đủ sự khác biệt để trở thành một nửa phù hợp với họ.

Vậy nên bạn phải bắt đầu với những gì bạn cảm nhận được. Hãy quan sát đối tượng của bạn thật cẩn thận. Sau đó bắt đầu tô sáng những điểm tương đồng của hai người. (Nếu tất cả mọi thứ tốt đẹp, sau này bạn sẽ có thời gian để đánh giá những điểm khác biệt có bổ sung cho cuộc đời của người đó hay không).

Tất cả những nghiên cứu về sự hấp dẫn ban đầu thiết lập nên thực tế này: Sự hấp dẫn với một người lạ là chức năng của tỉ lệ tương đồng mà đối tượng cảm thấy. “Cảm thấy” là từ khóa ở đây. Ngoại trừ việc phẫu thuật não ở thùy trước trán, bạn không thể thay đổi được thái độ, giá trị, cảm xúc hay cách nhìn về cuộc sống để bạn thực sự trở nên tương đồng với đối tượng. Bạn chưa đủ hiểu biết về đối tượng mới để bắt đầu đưa ra những triết lý tương tự, ám chỉ về những xác tín tương tự, bóng gió đến những thẩm mỹ giống nhau. Nhưng bạn có thể trang bị cho bản thân mình những thủ thuật tinh tế để khiến đối tượng cảm thấy các bạn có nét tương đồng.

Trong các trang sau, tôi sẽ trang bị cho bạn những thủ thuật ngôn ngữ và phi ngôn ngữ để đối tượng của bạn cảm thấy hai người thực sự rất giống nhau. Trong số đó có một vài thủ thuật hơi cao siêu. Số khác rất cụ thể. Nhưng tất cả đều có tác dụng.

Làm thế nào để thiết lập sự tương đồng trong tiềm thức?

Làm thế nào để khiến đối tượng cảm thấy “Tại sao chúng ta lại giống nhau đến vậy?”

Bạn đã từng gặp ai đó và ngay lập tức cảm thấy “Người này và mình có rất nhiều điểm chung” không? Thu hút tức thời, giao cảm tức thời, thân mật tức thời, yêu thích tức thời.

Hoặc ngược lại, một ai đó khiến bạn nghĩ “Người này đúng là đến từ một hành tinh khác!” Thờ ơ tức thì, dửng dưng tức thì, lạnh lùng tức thì và không ưa tức thì. Mỗi lần bạn gặp ai đó, bạn thường có những cảm xúc dao động giữa hai thái cực này. Bạn không thể hiểu rõ tại sao bạn cảm thấy như vậy. Chỉ là bằng cách nào đó, bạn cảm thấy nó mà thôi.

Có thể bạn không ý thức về điều đó, nhưng sự lựa chọn từ ngữ của họ có liên quan mật thiết tới việc bạn cảm nhận như thế nào về họ. Và cũng giống như vậy, sự lựa chọn từ ngữ của bạn sẽ cho họ thấy rất nhiều về bạn. Ngôn ngữ tiết lộ suy nghĩ của chúng ta. Ngôn ngữ phân loại tầng lớp xã hội của chúng ta. Ngôn ngữ thể hiện mối liên hệ công việc, học vấn tri thức, những mối quan tâm và thậm chí là cách nhìn nhận về cuộc sống của ta nữa. Những lựa chọn dường như ngẫu nhiên về từ ngữ lại tiết lộ cách ta cảm nhận về thế giới.

Ở một số nước châu Âu, điều này còn rõ rệt hơn nữa. Có thể có 5 hay 10 ngôn ngữ trong tiếng mẹ đẻ. Họ gọi chúng là “phương ngữ”. Và khi hai người nói cùng một phương ngữ được giới thiệu với nhau tại một nơi nào đó bên ngoài địa phương của họ, họ thực sự có thể ôm nhau để ghi nhận sự tương đồng giữa họ.

Thủ thuật tương đồng đầu tiên là công cụ ngôn ngữ thuộc tiềm thức và dễ sử dụng nhưng vẫn tạo nên một chấn động mạnh mẽ. Bạn có thể khiến đối tượng cảm thấy bạn là một phần của gia đình họ chỉ bởi cách bạn lựa chọn ngôn từ.

Những ngôn từ giúp đối tượng của bạn có “cảm giác gia đình”

Các nhóm người gần nhau thường sử dụng những cụm từ giống nhau. Các thành viên trong gia đình và bạn bè thường dùng ngôn ngữ giống nhau. Đồng nghiệp hoặc các thành viên của câu lạc bộ đều nói giống nhau. Mọi người bạn gặp đều có ngôn ngữ riêng của anh/cô ấy giúp phân biệt một cách tinh tế giữa gia đình, bạn bè và đồng nghiệp với những người bên ngoài. Mọi ngôn từ đều thuộc một ngôn ngữ, nhưng các lựa chọn khác nhau giữa vùng này với vùng khác, giữa ngành này với ngành khác và thậm chí giữa gia đình này với gia đình khác.

Có thể bạn không nhận ra nó, nhưng đối tượng của bạn có một cách nói đặc biệt để gắn kết anh/cô ấy với thế giới của họ – gia đình, bạn bè, công việc và cách nhìn nhận về cuộc sống. Và bạn – để khiến đối tượng có cảm giác rằng bạn giống họ – có thể bắt chước ngôn ngữ của họ. Bạn chỉ cần lắng nghe chăm chú là được.

Ngôn từ có những ý nghĩa không giống nhau với những người khác nhau. Ngày bạn còn đi học, ý nghĩa của một từ là cách hiểu theo nghĩa đen. Còn nghĩa hàm súc là tất cả những ý nghĩa của nó, không khí xung quanh nó – nó có cảm nhận như thế nào. Và để đối tượng của bạn cảm thấy gần gũi với bạn, hãy sử dụng chính những từ mà anh/cô ấy thường dùng.

Các quý ông thân mến, giả sử bạn vừa được giới thiệu với một thiếu phụ trẻ hấp dẫn vừa ly hôn. Trong cuộc trò chuyện đầu tiên, cô ấy nói về “đứa trẻ” của mình. Hoặc có thể cô ấy dùng những từ khác như “trẻ nhỏ”, “trẻ sơ sinh”, “trẻ em”, “trẻ chập chững biết đi”.

Có thể mọi người trong gia đình cô ấy cũng dùng từ này. Vì vậy, khi trò chuyện với nàng, bạn hãy dùng bất cứ từ nào cô ấy thường dùng khi nhắc tới đứa nhỏ. Khi bạn lặp lại lời nàng nói, nàng sẽ cảm thấy tự nhiên gần gũi với bạn hơn – như thể bạn đã là một phần của gia đình nàng rồi vậy.

Bác sỹ của tôi là một bà mẹ trẻ. Trong suốt những cuộc trò chuyện đầu tiên giữa chúng tôi, cô ấy thường nhắc tới “em bé mới sinh” của mình. Tôi biết ý nghĩa của từ “em bé mới sinh”, nhưng đó không phải là từ tôi vẫn dùng hàng ngày. Trên thực tế, tôi không nhớ mình đã từng dùng từ này trong khi nói chuyện bao giờ chưa. Nhưng tôi đã hỏi cô ấy rằng: “Ai trông nom em bé mới sinh trong khi cô đi làm?”