Phần 3. Nên chọn những quy tắc nào?
Từ khóa tìm kiếm: Người Đức dạy con học các quy tắc – Annette Kast-Zahn
TỪ CÁC PHẦN VỪA ĐỌC, bạn đã nhận ra mình đang áp dụng loại quy tắc nào với con mình chưa?
Nếu những gì bọn trẻ muốn đều được thực hiện, chúng sẽ không nhận ra được bất cứ giới hạn nào cả. Có khả năng cao đứa trẻ sẽ trở nên ích kỷ, vô tâm và không tôn trọng cha mẹ lẫn mọi người xung quanh, cũng như những mong muốn của họ.
Ngược lại, nếu cha mẹ áp đặt mong muốn của mình và không quan tâm đến nhu cầu của con cái, có thể đứa trẻ sẽ trở nên thiếu tự tin và độc lập.
Phương án khả thi nhất là nhóm quy tắc thứ ba. Đó là các quy tắc đảm bảo tính công bằng, vừa thỏa mãn nhu cầu của con cái, vừa hạn chế những mong muốn của chúng. Đó là các quy tắc yêu cầu trẻ phải biết tôn trọng cha mẹ và những người khác. Đó là các quy tắc giúp trẻ tiếp xúc với nhiều điều bổ ích hơn. Đó là các quy tắc không thay đổi theo cảm xúc của cha mẹ mà phải vững chắc, đáng tin cậy và có thể dự đoán trước được, ví dụ như đứa trẻ biết trước điều gì sẽ xảy ra khi bản thân không tuân thủ một quy tắc nào đó. Đó là các quy tắc phù hợp với độ tuổi và tình trạng phát triển của trẻ; hỗ trợ phát triển kỹ năng của trẻ một cách hợp lý; đề ra những giới hạn hữu ích cho trẻ, không gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển nhân cách. Những quy tắc này cần được cân nhắc một cách kỹ lưỡng. ➞ Các nhân tố ảnh hưởng
Một vài bậc cha mẹ không quan tâm nhiều đến các quy tắc trong gia đình. Họ sử dụng các quy tắc được chính cha mẹ mình dạy dỗ khi còn nhỏ – những quy tắc mà từ đó họ rút ra được những bài học quý báu. Những người khác nghĩ rằng: “Đừng có nghiêm khắc như bố mình hồi trước” hay: “Đừng có khó tính như mẹ mình hồi trước”, và sau đó áp dụng ngược lại với con cái. Những người khác lại hành xử giống hệt như cha mẹ họ, hay gây khó dễ cho con cái mình. Nhiều đứa trẻ hay bị đánh đòn sau này sẽ trở thành những ông bố bà mẹ bạo lực.
Việc suy nghĩ về chính thời thơ ấu của mình hoàn toàn có ích: “Có thể rút ra những bài học gì về cách cư xử đối với trẻ từ chính kinh nghiệm của bản thân? Nên xử sự có hiểu biết và mục đích hay biến mình thành nạn nhân của quá khứ?”
Đôi lúc bạn sẽ thấy khó khăn khi phải bước ra từ cái bóng của quá khứ. Hãy trò chuyện với người bạn đời hoặc bạn bè thân thiết có thể giúp bạn vượt qua điều này. Các cuộc nói chuyện với vợ, chồng hay bạn bè rất hữu ích. Trong một số trường hợp đặc biệt, các bạn có thể xin tư vấn từ các chuyên gia.
Có một điều chắc chắn rằng, bạn không thể tránh khỏi việc phải xác định các quy tắc và giới hạn cụ thể. Con bạn càng nhỏ thì càng không thể phân biệt được những gì là tốt về lâu dài. Bạn phải tự quyết định và chịu trách nhiệm về điều này. Tầm quan trọng của sự cương quyết của bố mẹ thể hiện ở câu chuyện sau đây:
Thomas 12 tuổi và Kerstin 10 tuổi. Chúng khá hiểu nhau. Những cuộc cãi cọ hay tranh giành thường thấy ở các anh chị em trong nhà rất hiếm thấy ở hai đứa trẻ này. Ngay cả cách cư xử của chúng cũng rất dễ chịu.
Chúng thích và tự giác làm việc nhà. Cả hai không bao giờ tỏ ra lo âu, thụ động mà luôn vui vẻ thân thiện hòa đồng và có nhiều ý tưởng. “Chúng vốn như vậy đấy”, bà mẹ của bọn trẻ khiêm tốn nói. Ngay sau đó tôi hỏi bà: “Dù gì bà cũng phải làm gì đó chứ?”.
Hóa ra, cả Thomas và Kerstin đều từng trải qua nhiều khó khăn khi còn bé. Thomas bị mắc chứng viêm da thần kinh rất nghiêm trọng trong sáu năm đầu tiên. Đêm nào cậu bé cũng tự cào cấu mình nhiều đến nỗi, sáng dậy ga trải giường thường thấm đầy máu. Kerstin cũng mắc triệu chứng tương tự từ rất nhỏ. Bà mẹ rất tuyệt vọng và cố tìm mọi cách, từ việc đi gặp các bác sĩ, nói chuyện với nhiều người có cùng triệu chứng cho đến việc thu thập tài liệu. Phải rất lâu sau khi trải qua quãng thời gian dài kiên trì thử nghiệm, bà đã tìm ra cách giúp con mình khỏi bệnh: một chế độ ăn kiêng rất phức tạp và nghiêm ngặt mà ngay cả khi ở nhà trẻ hay vào ngày sinh nhật, hai đứa trẻ vẫn phải tuân theo. Cuối cùng tình hình cũng có tiến triển. Thomas và Kerstin trở nên cực kì kỉ luật.
Bà mẹ kết luận: “Cả hai đứa đều nhận ra rằng: ‘Bố mẹ làm mọi thứ để giúp chúng. Bố mẹ biết rõ điều gì là tốt cho con cái. Chúng ta có thể tin tưởng vào bố mẹ.” Có lẽ suy nghĩ này đã giúp chúng chấp nhận những quy tắc và giới hạn chúng tôi đặt ra.
Tôi cũng rút ra bài học: Ngay khi tôi chắc chắn điều gì là tốt cho con mình, các giới hạn sẽ tự động hình thành.”
Để cha mẹ có thêm uy quyền và có sức thuyết phục hơn
Nhưng bố mẹ phải làm thế nào để trở nên cương quyết? Một mặt, phần đông các bậc cha mẹ đều chắc chắn, mọi việc mình làm đều là để bảo vệ con khỏi nguy hiểm. Không một đứa trẻ 2 tuổi nào được phép chạy trên đường phố, nghịch ổ cắm điện hay cho những vật nhỏ vào miệng – những điều này bọn trẻ thường hay phản đối dữ dội và dai dẳng. Cũng như vậy, hầu hết các ông bố bà mẹ mà tôi biết đều thắt đai an toàn cho con khi lái xe. Các bạn có làm được điều này với con mình không? Và nếu có thì các bạn làm như thế nào? Đó là bằng chứng các bạn hoàn toàn có đủ khả năng để đặt ra giới hạn cho trẻ. Mỗi khi con bạn cần sự che chở, các bạn sẽ không cảm thấy bất an nữa, vì các bạn đã biết mình nên làm điều gì rồi.
Phần lớn cha mẹ đều đồng ý rằng con cái họ không bao giờ làm ai bị thương hay không dám chửi mắng ai cả. Trộm cắp, nói dối, phá hoại đồ dùng của người khác – những điều này họ cũng không bao giờ cho phép con mình làm. Các bậc phụ huynh đều nhất trí với vấn đề này, cho dù đôi lúc họ cũng thiếu cương quyết.
Việc khó khăn hơn nhiều là quyết định các quy tắc và giới hạn về những vấn đề như qui định giờ đi ngủ, tác phong ăn uống, ăn đồ ngọt, xem ti-vi, dọn dẹp, làm việc nhà, về nhà đúng giờ, làm bài tập về nhà, phép lịch sự, tinh thần giúp đỡ người khác và còn nhiều thứ khác nữa. Chúng ta có thể và nên đòi hỏi những gì từ trẻ đây?
Ấn tượng của tôi là nhiều bậc phụ huynh vẫn đánh giá thấp những nhu cầu riêng của họ. Ít nhất điều này rất đúng đối với các bà mẹ. Trong khi đề ra các quy tắc, bạn có thấy mình đã ngủ đủ giấc chưa? Bạn có thường tạo không khí vui vẻ trong các bữa ăn? Bạn để cho trẻ giúp đỡ việc nhà và không dựa dẫm vào bạn? Hay bạn cũng có quyền được nghỉ ngơi thư giãn? “Chỉ làm nốt lần này nữa thôi!” – tôi thường nghe rất nhiều bà mẹ thở dài như vậy. Bạn không hề ích kỷ khi những quy tắc bạn đề ra thuận theo ý muốn của riêng bạn. Trái lại, chỉ có như vậy, con bạn mới có thể học được cách quan tâm và tôn trọng người khác.
Cha mẹ thường yêu cầu rất ít từ con cái. Mặt khác, nhiều đứa trẻ lại phải gánh vác quá nhiều trách nhiệm. Bọn trẻ thường phải tự quyết định những điều mà chúng chưa từng trải qua. Mới đây, một người trông trẻ đã nói với tôi có hôm lớp của cô ấy phải nhận đến ba đứa trẻ bị cảm lạnh và sốt cao. Các bà mẹ được gọi điện và phải đến đón bọn trẻ. Cả ba đều giải thích giống nhau: “Tôi biết là con mình bị ốm. Tôi có thể để cháu ở nhà nhưng cháu lại thích đến trường hơn. Tôi phải làm sao?”
Việc cho bọn trẻ quyền quyết định trong những trường hợp như vậy thực sự là việc quá sức với chúng. Trẻ muốn cảm thấy an toàn và được bảo vệ. Vì vậy chúng cần ai đó có thể chở che, chăm sóc. Trẻ cần phải có cảm giác rằng: “Bố mẹ biết rõ điều gì là tốt cho mình.” Khi bạn cho con quyền quyết định quá nhiều quy tắc, con sẽ thấy tự do hơn – nhưng con sẽ không yêu quý bạn hơn mà thậm chí còn tỏ ra thiếu tôn trọng bạn. “Những gì con tôi thấy bằng lòng thì được coi là luật ở nhà!” – nếu điều này đúng với gia đình bạn, đây là lúc bạn nên chịu trách nhiệm và điều chỉnh lại mọi thứ. ➞ Chúng ta nên tránh những điều gì?
Chúng ta phải làm sao để trẻ cảm thấy được che chở, an toàn mà không có cảm giác bị gò bó? Chúng ta không cần trẻ phải vâng lời vô điều kiện. Chúng ta cần đề ra cho chúng các quy tắc hợp lý để tránh phải giải quyết các vấn đề tương tự nhau và tạo điều kiện để hai mẹ con cùng hợp tác. Chúng ta sẽ hướng sang mặt tích cực của vấn đề. Trước tiên, một điều quan trọng mà chúng ta nên nắm được là: Những vấn đề nào thường xuất hiện hàng ngày giữa bố mẹ và con cái?
Để tìm câu trả lời cho câu hỏi này, tôi đã cùng bác sĩ nhi khoa, Tiến sĩ Morgenroth lập ra một bản khảo sát và gửi tới các bậc phụ huynh có con ở lứa tuổi từ 4 tháng đến 6 tuổi khi đến khám bệnh. Trong bản khảo sát có tất cả 16 loại vấn đề về hành vi ứng xử được sắp xếp theo độ tuổi. Không thể khái quát toàn bộ kết quả nhưng sau khi tổng hợp 320 bản khảo sát, có thể rút ra một số kết luận thú vị sau:
Trong tất cả các nhóm tuổi từ 4 tháng đến 4-5 tuổi, vấn đề phổ biến nhất là: “Con tôi lúc nào cũng muốn chơi đùa mãi.” Khoảng 20% đến 25% các bậc cha mẹ cho đó là một vấn đề. Đối với những đứa trẻ 6 tuổi – tức là đã vào độ tuổi đi học – thì điều này không còn quan trọng nữa.
Những vấn đề sau đây cũng thường xuyên được nhắc đến: “Con tôi không chịu nghe lời. Con hay làm những thứ con thích” (từ 1 đến 6 tuổi). “Con tôi thường xuyên tỏ ra cáu kỉnh vài lần một tuần” (không nghiêm trọng khi trẻ 1 tuổi, nhưng trở thành vấn đề lớn khi trẻ từ 2 đến 4 tuổi). “Con tôi gặp khó khăn vớiviệc ngủ” (thường xuyên xuất hiện với trẻ từ 7 tháng đến 2 tuổi).