Phần 4 Giá trị
Từ khóa tìm kiếm: Tán tỉnh bất kỳ ai – Leil Lowndes
Giá trị nguyên tắc
“Tôi được lợi gì – TĐLG?” trong tình yêu “Ai cũng có giá trị thị trường cả, em yêu ạ!”
Trong một cuộc tranh cãi nảy lửa, anh chàng – người yêu cũ của tôi – cáu bẳn nói với tôi rằng: “Ai cũng có giá trị thị trường cả, em yêu ạ!”.
Tôi thấy kinh sợ. Thật là thô bỉ! Sao anh ta dám xem tôi như một món hàng vậy? (Đặc biệt là người mà anh ta đã từng nói lời yêu). Thật là một suy nghĩ kinh tởm.
Với tôi, tình yêu rất đẹp. Tình yêu thuần khiết lắm. Đó là ngọn nguồn cảm giác dễ chịu nhất của con người, không điều gì có thể thay thế được.
Với tôi, yêu là chia sẻ, tin tưởng, là gạt bỏ hoàn toàn cái tôi. Những câu thơ của nhà thơ Robert Burns1 đã tác động mạnh mẽ tới trái tim tôi từ khi tôi còn nhỏ: “Tình yêu/ Ôi bài thơ trữ tình/ Vừa đẹp như thiên thần/ Vừa mong manh như cánh chim/ Vừa diệu kỳ vừa khao khát dại điên”.
Vì thế, khi nghe anh ta so sánh người anh ta yêu thương với dạ dày lợn hay hạt đậu tương trên thị trường hàng hóa, tôi thấy thật quá sức chịu đựng. Tôi bừng bừng lao ra khỏi phòng.
Vậy là kết thúc một mối quan hệ.
Bây giờ, nhiều năm sau đó (già dặn hơn và chín chắn hơn, như một số người vẫn nói), tôi tự hỏi: “Anh ta có đúng không?” Hiển nhiên là tôi không hỏi về thái độ của anh ta rồi. Nhưng còn điều anh ta nói thì sao?
Chẳng ai ngạc nhiên khi nghe câu: “Ai cũng muốn đạt được thỏa thuận tốt nhất có thể trong cuộc đời”. Cũng chẳng có ai sốc khi biết về quy luật cung cầu trong kinh doanh. Người ta thậm chí còn chẳng nao núng khi các bậc thầy kinh doanh rao giảng rằng trong mọi thương vụ của con người, câu hỏi được quan tâm nhất là Tôi được lợi gì (TĐLG)?
Vậy tại sao chúng ta lại đứng khựng lại khi các nhà nghiên cứu nói cho chúng ta biết những quy luật tự nhiên giống như vậy được áp dụng cho tình yêu?
Gần đây, cộng đồng khoa học – không bằng lòng với những học thuyết về tình yêu của Sigmund Freud (thăng hoa tình dục) hay Theodore Reik (lấp đầy chỗ trống của bản thân) – đã đặt ra mục tiêu tìm hiểu tình yêu đích thực.
Tiến hành nhiều cuộc khảo sát và thực hiện nhiều thí nghiệm, họ đã bóc tách được tầng sâu hơn trong tâm lý con người. Họ có khám phá ra sự thật đáng sợ nào không? Họ có phải đối mặt với “con quái thú” nào không? Một số người nói: “Có”. Số khác lại bật cười và nói: “Tất nhiên là không”.
Dù bạn coi những phát hiện của họ là Người tuyết hay Thiên sứ thì nó cũng chỉ đơn giản như thế này: Các nghiên cứu quả thực đã hỗ trợ cho lập luận mọi thứ và mọi người đều có một giá trị có thể định lượng được trong thị trường mở. Và ai cũng muốn có được thỏa thuận tốt nhất có thể… trong cả tình yêu lẫn cuộc sống.
Các nhà nghiên cứu đã đặt tên cho những phát hiện của họ là học thuyết tình yêu “Giá trị” (hay “Trao đổi”). Nó được xem như “Nguyên tắc đổi ngựa” ngày xưa.
Tại sao có được tình yêu lại giống như đổi ngựa?
Học thuyết tình yêu giá trị dựa trên những nguyên tắc trao đổi hợp lý trong kinh doanh và giá trị thị trường mở. Mọi thứ đều có giá trị. Mọi thứ đều có giá.
Giống như sản phẩm, giá trị của một người có thể mang tính chủ quan. Nhưng nhìn chung, cả thế giới đều nhất trí cái gì là hàng tốt và cái gì là hàng xấu.
Trong giới buôn ngựa, có những con ngựa “quán quân vô địch”, có những con ngựa “thải” (dành cho nhà máy keo). Tại một cuộc đấu giá ngựa, người mua thường tìm kiếm những đặc tính mà họ vẫn miêu tả là “chạy nhanh”, “tốt tính”, “không có tật xấu” và thậm chí là cả “đẹp mã” nữa. (Con người có khác gì không nhỉ?)
Tất cả những đặc điểm này của ngựa đều có ảnh hưởng tới giá. Và nếu bạn đang trao đổi một con ngựa được chứng nhận lấy một con ngựa không có giấy chứng nhận nòi (ngựa), thì tốt nhất là con ngựa đó phải có một vài đặc điểm “vượt trội” để cuộc trao đổi trở nên công bằng.
Và trong tình yêu, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng bạn càng đem nhiều phẩm chất vào bàn thương lượng, thì bạn càng đạt được tình yêu dễ dàng. Bạn càng thể hiện nhiều giá trị bản thân, bạn càng dễ có cơ hội tán đổ mọi đối tượng. Các nhà học thuyết giá trị cho chúng ta biết:
Càng công bằng, vô tư trong một mối quan hệ tình cảm, thì mối quan hệ tình cảm đó càng dễ tiến triển thành một cuộc hôn nhân.
Loại tiền nào có thể “mua” được một người bạn đời tốt?
Những người khởi xướng Nguyên tắc Giá trị đã liệt kê ra 6 nhân tố là tài sản trên “thị trường mở” khi những người yêu nhau đi “mua” chồng hoặc vợ. 1) Ngoại hình
2) Tài sản hoặc tiền của 3) Địa vị hoặc uy tín 4) Tri thức
5) Kỹ năng giao tiếp
6) Bản chất
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trong những mối quan hệ hạnh phúc nhất, những người yêu nhau thường hơn hoặc kém nhau trong mỗi một nhân tố nêu trên. Hoặc nếu không, các phẩm chất của họ cũng tương xứng với nhau trên mọi lĩnh vực. Nhưng thường thường, những người yêu nhau, quấn lấy nhau tương đối “đồng đều” trong cùng một nhân tố.
Chúng ta hãy cùng lấy nhân tố thứ nhất – ngoại hình – làm dẫn chứng. Các nghiên cứu ở khắp mọi nơi trên thế giới (Mỹ, Canada, Đức, Nhật Bản) đều chỉ ra rằng đàn ông và phụ nữ thường tiến tới hôn nhân với những người cũng cuốn hút, hấp dẫn như chính bản thân họ.
Một nhóm các nhà tâm lý học đã quan sát các cặp đôi trẻ tại các sự kiện xã hội và đã đánh giá ngoại hình của họ theo thang điểm từ 1-10 – thang điểm được dùng để đánh giá huyền thoại Bo Derek1. Họ đã phát hiện ra rằng 60% các cặp đôi chỉ chênh nhau 1 điểm về ngoại hình, và 85% chênh nhau nhiều nhất 2 điểm.
Tôi đã quyết định tự kiểm tra những phát hiện của họ.
Trong vài tuần, dù đi đâu – xem phim, mua sắm, dự tiệc, đi ăn ở nhà hàng – tôi đều quan sát các cặp vợ chồng, các cặp trai, gái yêu nhau. Trên thang điểm từ 1 đến 10, tôi đã đánh giá ngoại hình của họ. Và không bao giờ ngoại hình của họ chênh nhau quá 2 điểm! Không tin bạn cứ thử đi!
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng nếu một cặp đôi không bằng điểm nhau ở cùng một đặc điểm, thì “tài sản” của họ thường chênh lệch nhau. Đơn cử, khi xuống phố, bạn có thường thấy cảnh một người phụ nữ xinh đẹp lộng lẫy khoác tay một ông già xấu xí hay không? Suy nghĩ đầu tiên của bạn khi nhìn thấy cảnh tượng đó là gì? Thôi nào, thừa nhận đi, chắc hẳn bạn sẽ lẩm bẩm: “Ông ta phải giàu lắm đây!” Hoặc nhìn thấy một anh chàng vô cùng đẹp trai tay trong tay với một người phụ nữ rất, rất bình thường, chắc chắn bạn sẽ nghĩ: “Cô ta hẳn phải rất tốt tính”.
Đó chính là cách vận hành của Nguyên tắc Đổi ngựa hay Công bằng. Đó là điều không thể chối cãi được. Ngoại hình đẹp, nhiều tiền, địa vị xã hội tốt là yếu tố quyết định trong việc tìm kiếm tình yêu.
Vào những năm 1930, một số nhà giáo dục Oakland California đã quan sát các học sinh nữ khối lớp 5 và lớp 6 nô đùa trên sân chơi. Họ đã xếp loại các cô bé dựa theo ngoại hình của chúng.
Khoảng 20 năm sau, một nhà xã hội học đã sử dụng các kết quả của nghiên cứu cũ và tìm lại những cô gái này, xác định xem họ đã lập gia đình với người như thế nào. Nhà nghiên cứu này đã phát hiện ra là cô nào xinh hơn, cô đó kiếm được người chồng “tốt hơn”. Những cô xinh đẹp hơn, hấp dẫn hơn thường lấy được người chồng giàu có hơn, quyền lực hơn. Còn những cô kém xinh, kém hấp dẫn hơn không “làm tốt được như vậy”.
Điều này có đồng nghĩa với việc diện mạo của chúng ta là vận may của chúng ta hay không?
Với những thay đổi nho nhỏ, chúng ta sẽ phải sống cả đời với một anh chàng. Nhưng, thật may mắn, đó không phải là loại “tiền tệ” duy nhất chúng ta có thể dùng để “mua” được tình yêu. Tính cách dễ chịu, kỹ năng giao tiếp xã hội lịch sự, nhã nhặn và tri thức mà người bạn đời có thể được hưởng cũng thêm điểm, tăng giá trị cho bạn.
Thông qua cuốn sách này, bạn sẽ tìm thấy những thủ thuật để tán dương những phẩm chất khiến Con mồi/Đối tượng của bạn yêu bạn. Đối với những đặc điểm bạn không thể thay đổi được (như ngoại hình, tiền của và uy tín của bạn), tôi sẽ cung cấp cho bạn những thủ thuật để tăng mối cảm nhận, suy nghĩ của đối phương về những đặc điểm đó của bạn.
Tuy nhiên, trước khi khám phá những phương pháp để “thao túng” suy nghĩ của người kia, chúng ta hãy cùng kiểm tra xem bạn muốn người bạn đời của bạn xinh đẹp/đẹp trai, giàu có hay quyền năng như thế nào nếu mục tiêu của bạn là tìm kiếm hạnh phúc trong tình yêu.
Có một sự thật đáng ngạc nhiên – nhưng lại được tất cả các nghiên cứu xác nhận, đó là: Cơ hội tìm thấy và duy trì được tình yêu đích thực của bạn sẽ cao hơn nhiều nếu bạn không lấy một người cực-kỳ lộng lẫy, vô cùng giàu có, hay một cô công chúa hoặc một vị hoàng tử.
Tại sao? Vì lợi ích cân bằng đem lại hạnh phúc cho những người liên quan. Đặc biệt là về lâu về dài. Người ta thường hạnh phúc hơn khi môn đăng hộ đối. Vì vậy, chúng ta hãy cùng bóc tách vài lớp của Nguyên tắc Công bằng và kiểm tra xem chúng ta muốn vận dụng nó (nguyên tắc này) như thế nào.
Và khi đó, nếu bạn vẫn muốn, tôi sẽ chỉ cho bạn cách thực hiện nguyên tắc.
Tôi có thể sử dụng nguyên tắc công bằng để tìm tình yêu như thế nào?
Bạn có đoán được không? Bạn thực sự không muốn cưới một chàng hoàng tử đẹp trai hoặc một cô công chúa xinh đẹp đâu!
Thực tế, tất cả các cô gái thế hệ tôi tối nào cũng trùm chăn mơ về chàng hoàng tử đẹp trai một ngày nào đó sẽ cưỡi bạch mã xuất hiện. Tất nhiên, chàng hoàng tử đó sẽ yêu chúng tôi say đắm, che chở chúng tôi, và cùng chúng tôi sống hạnh phúc mãi mãi.