Phần 4. Tất cả các bậc phụ huynh đều mắc sai lầm
Từ khóa tìm kiếm: Người Đức dạy con học các quy tắc – Annette Kast-Zahn
Trong chương này bạn sẽ biết… ➞ Vì sao việc giáo dục trẻ sẽ không thành công nếu thiếu sự đấu tranh? ➞ Những lý do chính đáng con bạn có thể đưa ra để biện minh cho những hành động kì quặc nhằm gây sự chú ý ➞ Những lý do dẫn đến hành vi tai hại nhằm gây sự chú ý ➞ Bạn có thể khiến trẻ cảm thấy không cần thiết phải gây sự chú ý bằng cách nào? ➞ Những phản ứng nào của phụ huynh được trẻ đặc biệt ưa thích nhưng lại không hiệu quả? ➞ Vì sao những phản ứng mang tính ghét bỏ của bố mẹ sẽ mang lại những hậu quả khôn lường? ➞ Hàng ngày bọn trẻ đều diễn kịch… Chúng cố gắng thu hút sự chú ý
Vì sao bọn trẻ muốn đấu tranh?
GIÁO DỤC SẼ KHÔNG THÀNH CÔNG nếu không có xung đột và thiếu tính đấu tranh vì việc dạy dỗ được hiểu đơn giản là thỉnh thoảng ngăn cản bọn trẻ làm những thứ chúng thích. Chẳng hạn như xem ti-vi, ăn đồ ngọt, vầy nước, ra ngoài chơi hay bắt chước cha mẹ quát mắng và dậm chân. Với bọn trẻ thì bạn chính là những người dập tắt mọi thú vui và lúc nào cũng nói: “Đủ rồi đấy. Chấm dứt ngay đi.” Điều đó khiến bạn không còn đáng yêu trong mắt lũ trẻ nữa và thật dễ hiểu nếu sau đó lũ trẻ sẽ phản đối, cãi lại hoặc bực bội. Những phản ứng này cho thấy trẻ đang cố gắng thể hiện thái độ không vừa lòng với những kẻ “Dập tắt mọi thú vui của chúng”. Thêm nữa, dạy dỗ trẻ còn có nghĩa là yêu cầu chúng làm cả những việc chúng không thích, chẳng hạn như dọn dẹp phòng, đánh răng, lên giường đi ngủ hoặc làm bài tập về nhà. Rất nhiều trẻ không tự giác và chúng sẽ phản kháng, cãi lại, bực bội hoặc thể hiện thái độ không vừa lòng với những ai bắt chúng phải làm những công việc nhàm chán ấy. Bạn có thấy bất thường không nếu con bạn lúc nào cũng nói: “Vâng thưa mẹ” và sau đó thực hiện ngay lập tức những gì bạn yêu cầu? Lũ trẻ bẩm sinh thường không phải những con cừu non dễ bảo đâu.
Ngay cả trẻ con cũng luôn muốn biết: Ai là kẻ mạnh hơn?
Lũ trẻ giống như một bầy sư tử con cả ngày phải cố gắng thể hiện mình trong những cuộc tranh đấu. Chúng muốn biết chúng có sức mạnh và tầm ảnh hưởng đến đâu, có thể thể hiện sự vượt trội của bản thân với ai và như thế nào. Nhưng lũ trẻ gặp khó khăn hơn bầy sư tử con ở chỗ chúng lớn lên trong khuôn khổ những quy tắc mà không có anh chị em đồng trang lứa. Thậm chí nhiều đứa còn không có anh chị em. Vì vậy bố mẹ cần đóng vai những đối thủ cạnh tranh của chúng.
Con người – cũng như các loài động vật có vú khác – đều có tinh thần sẵn sàng đấu tranh nhằm thể hiện bản thân. Trong khoa học về hành vi, người ta gọi đó là hành vi “tích cực khám phá xã hội”. Lũ trẻ luôn khám phá xem ảnh hưởng của chúng với môi trường xung quanh mạnh đến đâu và những ai nằm trong tầm ảnh hưởng của chúng.
Ví dụ như khi một đứa trẻ liên tục vứt cái thìa từ trên ghế đẩu xuống, chúng sẽ rất thích thú khi lần nào mẹ cũng ra nhặt hộ. Ngoài ra, những hành động như đánh, cắn, nằm lăn ra sàn ăn vạ cũng thể hiện rằng lũ trẻ đang thử nghiệm việc khám phá môi trường xung quanh một cách tích cực. Nhiệm vụ của cha mẹ là đặt ra giới hạn khi lũ trẻ hành động thái quá, cư xử coi thường người khác hoặc khi cố tình không nghe lời dù lúc đó chúng phải thực hiện nghĩa vụ của mình thay vì tiếp tục đùa cợt.
Từ những kiến thức trên đây chúng ta có thể rút ra ba hệ quả sau:
Bầu không khí trong giađình sẽ bất hòa nếu chỉ có bố hoặc mẹ nghiêm khắc uốn nắn con cái trong khi người còn lại nuông chiều chúng. Các ông bố thường chỉ biết chơi đùa với lũ trẻ còn nhiệm vụ dạy dỗ con cái lại hoàn toàn phó mặc cho những người vợ. Chính vì vậy, hai vợ chồng cần phải giúp đỡ lẫn nhau. Cả bố lẫn mẹ đều phải chơi cùng bọn trẻ và tham gia dạy dỗ chúng.
Sự xung đột giữa bọn trẻ và bố mẹ là không thể tránh khỏi. Bọn trẻ thường phản kháng lại khi cha mẹ không làm theo ý chúng. Nhưng điều đó không có nghĩa là bố mẹ phải tham gia vào mọi cuộc tranh đấu. Các bậc phụ huynh không cần thiết phải chấp vặt mọi lời nói hoặc hành động hỗn láo hay nổi khùng của con cái. Thay vào đó, bạn có thể bình tĩnh để cơn giận trôi qua và nghĩ rằng: Con bạn không cố tình làm vậy mà chúng chỉ muốn thử xem hành động đó của chúng sẽ dẫn đến điều gì. Bởi vì, bạn thử nghĩ mà xem, liệu chúng còn có thể thử làm vậy với ai tốt hơn là với chính bạn đây?
Không phải đứa trẻ nàocũng cảm thấy hứng thú với việc đấu tranh và thể hiện bản thân. Điều này thể hiện rõ trong những tháng đầu đời của trẻ. Một “chiến binh” yếu đuối sẽ phản ứng đầy sợ sệt khi có điều gì đó không vừa ý. Với những “chiến binh” đích thực, những chuyện nhỏ nhặt như không cho chúng ăn kẹo cũng có thể sẽ dẫn đến những phản ứng vô cùng mạnh mẽ như la hét rất lâu, nằm lăn ra sàn ăn vạ hay đập đầu vào đâu đó. Đứa trẻ càng mạnh mẽ thì chúng càng cố gắng và kiên trì hơn nhằm đạt được mục đích của mình. Với những đứa trẻ như vậy, các bậc cha mẹ cần có biện pháp giáo dục đặc biệt. ➞ Lý do chính đáng cho các hành vi gây sự chú ý – một vòng tuần hoàn
Khi bạn hạn chế hành vi của một đứa trẻ thì việc chúng tức tối phản ứng lại là điều dễ hiểu. Nó muốn làm theo ý mình và đấu tranh để đạt được điều đó. Cách chúng đấu tranh luôn bị bạn cho là hỗn láo, chẳng hạn như khi con bạn bỏ ra ngoài, la hét, nằm vật ra sàn ăn vạ, đánh trả hoặc không chịu lên giường đi ngủ. Vậy tại sao điều đó luôn xảy ra? Đó có phải chỉ là hứng thú đấu tranh đơn thuần hay không? Tốt hơn hết bạn cần nhìn nhận thấu đáo hơn rằng: Chuyện gì đã xảy ra khi con bạn cố gắng gây sự chú ý? Bạn nên phản ứng lại như thế nào đây? Bạn có nên giải thích cho nó hiểu để lần sau nó cư xử tốt hơn không? Hay con bạn đã có lý do chính đáng rồi và lần sau nó lại tiếp tục “vượt quá giới hạn?” Một đứa trẻ gần như lúc nào cũng có những lý do chính đáng để tiếp tục hành động gây sự chú ý nên các bậc phụ huynh cần quan tâm, chăm lo đầy đủ để chúng thấy những hành động ấy không còn cần thiết nữa.
Cha mẹ cũng chỉ là những con người bình thường nên thỉnh thoảng họ vẫn phản ứng trái ngược với những gì mình muốn. Họ tán dương hành động hỗn láo của đứa con và khiến nó nghĩ mình không cần phải thay đổi hành vi. Đứa trẻ có một mong muốn hết sức cơ bản là: “Con muốn được chú ý! Con muốn mình trở nên quan trọng! Con muốn tham gia vào việc đó”.
Chúng ta hãy phân tích lại một lần nữa hành động của những đứa trẻ cứng đầu đã được đề cập từ chương đầu. Trước tên là Paul, thằng bé luôn không ngừng nghịch ngợm. Tại sao Paul thường xuyên la hét khi nó có rất nhiều thứ để chơi? Câu hỏi ngược lại là: Tại sao nó phải dừng la hét? Vì nó nhận thấy tiếng hét của nó rất hiệu quả: Chỉ vài phút sau khi nó hét mẹ nó lại chạy đến và chiều theo ý nó. Vậy làm thế nào để nó tự biết tìm thứ gì đó để chơi? Làm thế nào để nó có thể tự quyết định một mình và chấm dứt việc la hét vì cứ mỗi lần như thế mẹ nó lại phải chạy đến vỗ về an ủi?
Bạn có nhớ Patrick – “nỗi sợ hãi” của mỗi nhóm nó chơi cùng không? Chuyện gì xảy ra khi nó liên tục đánh một đứa trẻ khác hoặc đập phá đồ chơi của bạn? Mẹ Patrick thường chạy ngay đến và giải thích rằng nó không được làm như vậy. Trong 15 phút tiếp theo, bà cố gắng giáo dục để Patrick không hành xử như vậy nữa. Tuy nhiên, bằng cách này, Patrick không những không mất gì mà còn gây được sự chú ý. Tại sao cậu bé lại phải thay đổi hành vi của mình cơ chứ?
Carola – đứa trẻ biếng ăn nhận thấy rằng: mọi người chú ý đến mình nhiều nhất khi mình diễn kịch trong lúc ăn. Nhờ đó mình có thể kéo dài và kiểm soát thời gian ăn theo ý muốn.
Miriam – một học sinh trường mẫu giáo – thường đủng đỉnh tìm cách câu giờ để được ở nhà thay vì đi học.
Vicky lại hay giả vờ đau bụng mỗi khi nó không thích đi học.
Tất cả những đứa trẻ này đều có một điểm chung: Việc giả vờ cũng như những hành động gây sự chú ý của chúng tỏ ra hiệu quả. Chúng đều nhận được nhiều sự chú ý hơn từ mọi người xung quanh. Những hành động nhằm gây sự chú ý chúng áp dụng không khác nhau là mấy. Mỗi đứa trẻ đều có cách hành xử riêng và mỗi ông bố bà mẹ cũng đều có những lúc dễ mủi lòng. Thường thì những đứa trẻ cảm nhận được khá rõ chúng cần làm gì để khiến cha mẹ bị rối trí. Bố mẹ càng rối trí thì đứa trẻ càng được lợi. Nó hiểu thêm rằng: “Mình không những được chú ý mà còn có thể tự ý làm những điều mình thích. Mình còn mạnh hơn cả bố mẹ! Ở đây mình mới là người có quyền quyết định”.
Trên thực tế, trẻ em thường gây nhiều ảnh hưởng hơn là chúng có thể. Đứa trẻ cảm thấy mình thật mạnh mẽ vì nó thường giành chiến thắng trước bạn bè hoặc thậm chí người lớn mỗi khi phải quyết định ai là người mạnh hơn. Tuy nhiên, đứa trẻ giành chiến thắng không hề cảm thấy tự tin mà nó còn bất an hơn. Nó cảm thấy không được chấp nhận nên luôn muốn chứng tỏ cho chính bản thân và những người xung quanh thấy nó “mạnh mẽ hơn”. Mỗi ngày nó phải nghĩ ra một cái gì đó mới để thu hút sự chú ý vì nó tự thuyết phục bản thân mình rằng: “Chẳng ai tự nguyện dành thời gian cho mình cả. Và khi mình gây chú ý thì người khác sẽ ngay lập tức quan tâm tới mình. Còn khi mình ngoan ngoãn thì sẽ chẳng ai thèm đoái hoài gì đâu”.