Phần 4. Tất cả các bậc phụ huynh đều mắc sai lầm
Những bậc phụ huynh có thói quen giải thích đi giải thích lại cho con họ rằng nó không được làm cái nọ cái kia lại thường quát mắng, tranh cãi, nhượng bộ và cuối cùng càng ngày càng trở nên cáu kỉnh. Sự thất bại khiến họ mất kiên nhẫn, đầu óc lúc nào cũng trống rỗng và xử sự với con trẻ ngày càng nóng giận. Kể cả khi đứa trẻ ngoan ngoãn suốt một thời gian dài thì nỗi lo sẽ xảy ra cãi vã với chúng vẫn luôn thường trực trong đầu họ. Ngay cả những phụ huynh dành nhiều thời gian chăm sóc con cái cũng vẫn có khả năng rơi vào vòng tuần hoàn “Gây sự chú ý” mà không hề hay biết. Còn với bọn trẻ, chúng không thể tự thoát ra khỏi chu trình ấy mà chỉ có bố mẹ mới có thể tạo khởi đầu cho chúng và cắt rời từng giai đoạn của chu trình.
Lũ trẻ luôn có hai lý do chính đáng biện minh cho hành động gây sự chú ý của mình. ➞ Các ví dụ cụ thể
Gần như mọi cách ứng xử ương bướng của trẻ đều có thể lý giải dựa theo sơ đồ vòng tuần hoàn “Gây sự chú ý”. Bạn có thể chú ý đến con mình theo những cách thức khác nhau nhưng thật đáng ngạc nhiên khi bọn trẻ cho rằng những sự chú ý mang tính tiêu cực như chửi mắng, ép buộc hay thậm chí đánh đập là những hành vi gây chú hiệu quả nhất chứ không chỉ là vỗ về, chơi cùng hay để chúng ngồi vào lòng. Có lẽ bọn trẻ nghĩ rằng: “Thà được chú ý theo kiểu tiêu cực còn hơn là không được để ý đến”. Ví dụ trên đây đã làm rõ vòng tuần hoàn “Gây sự chú ý”. Mỗi mục dưới đây tương ứng với một mũi tên trong sơ đồ ở trang 57 và bắt đầu từ những hành động nhằm gây sự chú của trẻ.
Manuel đóng “kịch”: Cu cậu chỉ mới 5 tuổi. Nó gây sự chú ý bằng cách tối nào cũng diễn kịch tới một tiếng đồng hồ trước khi ngủ. Cậu bé đòi nghe không chỉ một mà nhiều câu chuyện, sau đó liên tục bật dậy, đòi ăn hoặc uống cái nọ cái kia và cứ hai ngày một lần nó lại bắt mẹ ngủ cùng vì nó “sợ”.
Mẹ Manuel chú ý đến cậu bé: Mẹ Manuel tối nào cũng đọc ít nhất ba câu chuyện để ru cậu bé ngủ. Manuel thường khóc lóc đòi mẹ đọc thêm. Thường thì mẹ nó lại chiều theo ý con và đọc tiếp truyện cho cậu nghe.
Manuel thấy rằng những “vở kịch” của mình rất hiệu quả: Nó nhận thấy “Mỗi lần khóc nhè mình lại đòi được mẹ đọc thêm một đến hai câu chuyện. Thử nghĩ xem mình còn có thể đòi được những gì nữa nhỉ?”.
Manuel lặp đi lặp lại những hành động đáng chú ý này: Cậu bé tiếp tục đóng kịch, bật dậy, gọi mẹ, khóc lóc và đòi hỏi.
Mẹ Manuel bắt đầu mất kiên nhẫn và không chiều theo ý muốn của con nữa: Lúc đầu cô còn khá kiên nhẫn. Cô cho Manuel ăn, uống và bế cậu bé về giường. Nhưng dần dần cô mất kiên nhẫn. Cô bắt đầu quát: “Chấm dứt ngay! Tối nào con cũng làm trò như trong rạp xiếc ấy! Mẹ không chịu nổi con nữa đâu!” Vài lần cô ấy túm chặt lấy Manuel, lắc qua lắc lại thậm chí còn đánh đòn nữa. Nhưng cuối cùng cô lại mềm lòng, nằm bên cạnh ru nó ngủ, nén nỗi tức giận và sốt ruột chờ nó ngủ thiếp đi.
Manuel không còn được mẹ chiều như trước: Mẹ Manuel rất sợ màn kịch mỗi buổi tối của cậu bé. Cô biết rõ điều gì đang chờ đợi mình. Việc đọc truyện khiến cô chán nản vì cô biết thừa với Manuel thì bao nhiêu câu chuyện cũng là chưa đủ. Hành động chiều theo ý con của cô không còn xuất phát từ trái tim nữa. Sự chú ý quá mức cô dành cho Manuel chỉ là miễn cưỡng. Mỗi khi Manuel bất ngờ hài lòng với một câu chuyện và sau đó ngoan ngoãn nằm im trên giường cô lại thấy nhẹ nhõm và bình tĩnh trở lại. Cô cẩn thận nhẹ nhàng bước vào phòng cậu bé để kiểm tra thêm lần nữa.
Manuel hiểu rằng phải đấu tranh cật lực để giành lấy sự chú ý: Cậu bé nhận thấy rõ ràng là mẹ không muốn dành thời gian cho mình hàng tối. Cậu nghĩ thầm: “Chắc mẹ không thích mình. Nhưng mình muốn mẹ chơi với mình cơ! Mình biết mình nên làm gì. Nếu tối nào mình cũng đóng kịch thì mẹ sẽ dành riêng cho mình một tiếng đồng hồ!”. Và một vòng tuần hoàn chấm dứt tại đây.
Manuel lặp lại hành động gây sự chú ý: Những ngày tiếp theo nó lại đóng kịch…
Gây sự chú ý ở nhà trẻ
Việc giành lấy sự chú ý không chỉ xảy ra khi trẻ ở nhà với bố mẹ mà còn thường xuyên xảy ra ở trường mẫu giáo và trường học nữa. Một đứa trẻ sẽ lại áp dụng vòng tuần hoàn kia và cách nhìn nhận thế giới xung quanh của nó sẽ càng được củng cố: “Mình có thể bắt tất cả người lớn yêu chiều mình”.
Câu chuyện ở nhà trẻ sau đây sẽ giúp làm rõ vòng tuần hoàn “Gây sự chú ý”:
Nina mới 4 tuổi. Cô bé rất gần gũi và bám mẹ. Tuy nhiên, mẹ Nina thỉnh thoảng cảm thấy mệt mỏi vì mỗi lần rời mẹ là con bé lại khóc lóc và rầu rĩ. Nina được các bạn yêu quý vì cô bé khá cuốn hút và có hàng ngàn ý tưởng tuyệt vời. Thỉnh thoảng cô bé lại ra ngoài chơi cả ngày với bạn. Nina thích rủ các bạn học cùng lớp đến nhà mình nhưng không đến chơi với bất kì ai nếu không có mẹ đi cùng.
Năm đầu tiên đi nhà trẻ, Nina mới đầu gặp khó khăn khi phải xa mẹ nhưng sau đó mọi thứ đều ổn cả. Từ kì nghỉ hè cho đến khi bước vào năm học thứ hai Nina bắt đầu hành động nhằm gây sự chú ý. Từ lúc ở nhà con bé đã bắt đầu khóc lóc thảm thiết: “Con phải đi nhà trẻ thật sao?”
Thường thì Nina sẽ được bố đưa đi để không cảm thấy quá buồn khi phải chia tay mẹ lúc tới trường. Ở trường mẫu giáo, “vở kịch” lại tiếp diễn.
Nina khóc lóc: Cô bé không chơi cùng các bạn mà ngồi thu mình ở góc phòng và khóc dấm dứt. Mỗi khi ai đó hỏi lý do cô bé nói: “Con không biết tại sao lại buồn thế này”.
Các cô giáo bắt đầu chú ý tới cô bé: Mỗi khi cô bé như vậy, cô giáo lại thấy thương, bế Nina đặt lên đùi, an ủi và bày trò cho cô bé chơi. Sau khi được vỗ về thì Nina nín và ngồi chơi ngoan ngoãn một lúc.
Nina đã học được rằng màn kịch của mình thật hiệu quả: Con bé nghĩ: “Các cô giáo chơi với mình nhiều nhất. Những giọt nước mắt của mình làm các cô rất chú ý.”
Nina lặp lại những hành động gây chú ý của mình và ở nhà trẻ thì 25 đứa trẻ sẽ cùng nhau ăn bữa điểm tâm. Cả lớp phải chờ đến khi tất cả các bạn ăn xong thì mới được chơi tiếp. Nina ghét phải ngồi yên một chỗ và cô bé tìm ra cách rút ngắn khoảng thời gian nhàm chán này: Cứ đến bữa điểm tâm thì Nina lại bắt đầu khóc và không ai dỗ được cô bé. Kết quả là Nina thường được phép rời khỏi bữa ăn đầu tiên và chơi một mình ở góc lớp. Tuy nhiên cô bé vẫn tiếp tục khóc.
Các giáo viên bắt đầu mất kiên nhẫn và không chiều theo ý Nina: Khi các cô giáo không thể chiều theo Nina được nữa, họ gửi cô bé đến phòng hiệu trưởng – một người rất bận rộn. Vì muốn nhanh chóng được yên, bà hiệu trưởng thường cho Nina kẹo (ở nhà Nina chỉ được ăn kẹo vào thứ Bảy hàng tuần) và cho phép cô bé chơi trong phòng. Lúc đầu Nina vẫn khóc dấm dứt nhưng sau đó lại ngoan ngoãn và được đưa trở lại lớp.
Nina không còn được chiều chuộng như trước: Các cô giáo rất vui khi Nina nín khóc và từ đó các cô chỉ chú ý đến Nina mỗi khi cô bé khóc. Nina xa cách các bạn vì cô bé trở nên cá biệt. Dần dần các cô cũng không còn cố gắng cho Nina ăn như trước và cô bé kết luận rằng: “Mọi người không còn thích mình nữa rồi”.
Nina học được rằng để giành được sự chú ý cô bé cần phải đấu tranh cật lực: Dĩ nhiên cô bé nhận ra rằng mình sẽ khiến các cô giáo mủi lòng nếu khóc thút thít hàng giờ đồng hồ. Nhưng Nina cũng biết mình phải làm gì để được các cô chiều, cho kẹo hoặc được phép rời khỏi những bữa điểm tâm tập thể nhàm chán. Để rời khỏi bữa ăn, Nina khóc lóc thảm thiết rất lâu. Tiếc rằng để khỏi phải ngồi chờ bữa ăn kết thúc các bạn thì Nina đã bị các bạn xa lánh!
Nina lặp lại hành động nhằm gây sự chú ý: Hôm sau con bé lại tiếp tục khóc…