Phần 5. Những biện pháp hiệu quả khiến trẻ không cố gây chú ý nữa
Từ khóa tìm kiếm: Người Đức dạy con học các quy tắc – Annette Kast-Zahn
BẠN ĐÃ XÁC ĐỊNH rằng bạn và con bạn sẽ nằm trong chu trình đã được mô tả như trên hay chưa? Hay bạn muốn tránh phải tham gia vào một chu trình như vậy? Ở đây tôi sẽ giới thiệu cho bạn một vài công cụ hữu ích.
Bạn hãy nghĩ rằng những hành động hỗn láo nhằm gây sự chú ý của trẻ sẽ chẳng ích lợi gì cho chúng nữa đâu.
Bạn nên lắng nghe và chú ý đến những nhu cầu của trẻ.
Bạn cần cho chúng thấy bạn mới là người làm chủ tình hình.
Bạn nên yêu cầu trẻ chịu trách nhiệm với hành động của mình.
Bạn hãy đề ra những phân công, quy định cụ thể cho trẻ.
Bạn có thể chú ý nhiều hơn đến trẻ để trẻ sẽ không cần phải gây sự chú ý nữa. ➞ Không tán thưởng những hành động không phù hợp
Chúng ta đã có nhiều ví dụ để chứng minh rằng một đứa trẻ có biết bao lý do để đóng kịch. Thường thì những bậc làm cha mẹ sẽ phản ứng lại khi bị làm phiền. Mỗi khi như vậy, chúng ta nên hành xử sao cho đúng? Đáp án cho những câu hỏi này sẽ được đề cập chi tiết ở Chương 3. ➞ Lắng nghe trẻ
Lắng nghe – điều này nghe có vẻ đơn giản nhưng kì thực rất khó. Trẻ sơ sinh không biết nói. Nhưng chúng ta vẫn phải học cách lắng nghe chúng: Chúng ta có thể cố gắng tìm hiểu điều chúng muốn nói thông qua tiếng khóc. Phải chăng đứa bé muốn nói với chúng ta: “Con đói, con khát nước, con bị đau, con đang tức hoặc đang buồn chán”? Để hiểu chính xác con muốn gì, chúng ta cần quan sát tỉ mỉ và luyện tập kĩ lưỡng.
Cũng như một đứa trẻ tập nói không phải lúc nào chúng ta cũng hiểu rõ lời nó. Nhưng thật đáng hổ thẹn nếu chúng ta – những người lớn – lại phản ứng chậm chạp và không thể hiểu nổi một câu chỉ gồm hai từ. Chúng ta có thể khuyên hoặc chỉ cho chúng những cách làm khác nhưng hãy cho trẻ thấy rằng chúng ta luôn tin tưởng và lắng nghe chúng.
Trẻ con thường không thích chia sẻ cảm giác và nhu cầu của mình. Cũng giống như khi còn bé, chúng ta cũng muốn bố mẹ cố gắng tự hiểu chúng ta thực sự đang nghĩ gì. Từ năm 1970, nhà tâm lý học người Mỹ Thomas Gordon đã viết một cuốn sách về chủ đề này. Đó là một trong những cuốn sách kinh điển về nghệ thuật giáo dục con cái. Trong cuốn sách này, ông đã sử dụng thuật ngữ “Lắng nghe tích cực” và kêu gọi các bậc phụ huynh: “Thông qua những lời con bạn nói, hãy suy đoán xem con muốn điều gì?”. Bạn hãy đáp ứng những gì mà bạn nhận ra được. Bạn có thể giúp đỡ con hiểu rõ cảm giác của chúng và giúp chúng tìm ra cách giải quyết. Đoạn hội thoại giữa Tom – cậu bé 8 tuổi và mẹ sau đây sẽ làm rõ nghĩa thuật ngữ “lắng nghe tích cực”.
Tom: “Bastian là thằng điên. Lúc nào nó cũng muốn quyết định tất cả. Nó chẳng muốn chơi với con nữa.”
Mẹ: “Con đang tức Bastian lắm phải không?”
Tom: “Con mà phải tức nó á? Con ghét nó. Nó sẽ chẳng bao giờ có bạn bè gì đâu.”
Mẹ: “Con này, con đang tức lắm à? Tốt nhất là con không nên gặp bạn ấy nữa, được không?”
Tom: “Đúng thế mẹ ạ, không bao giờ. À mà thế thì con sẽ chơi cùng ai bây giờ nhỉ?”
Mẹ: “Không có bạn bè không tốt chút nào đâu con!”
Tom: “Vâng. Nhưng con không thể chịu nổi nó nữa! Nó thật điên rồ!”
Mẹ: “Cứ giữ sự tức giận trong lòng thế thì làm sao mà chịu được hả con?”
Tom: “Buồn cười thật, trước kia con được quyết định tất cả còn nó chỉ cần thực hiện thôi. Bây giờ nó còn muốn cả quyền quyết định nữa.”
Mẹ: “Nó chỉ không muốn lúc nào cũng phải nghe lệnh con thôi!”
Tom: “Quả thật nó không phải là em bé sơ sinh nữa rồi. Bây giờ thỉnh thoảng chơi với nó cũng khá vui mẹ ạ!”
Mẹ: “Thật ra con rất thích điều đó đúng không?”
Tom: “Vâng, nhưng mà bây giờ lúc nào nó cũng như sếp của con ấy! Con không thể chịu được. Bây giờ con cho nó quyền quyết định đấy. Để xem con với nó có chịu được nhau thêm nữa không?”
Mẹ: “Ý con là hai bọn con sẽ thay nhau quyết định và không còn cãi cọ lẫn nhau nữa?”
Tom: “Vâng có lẽ thế. Con sẽ cố.”
Lắng nghe và thấu hiểu khiến việc cố gắng gây sự chú ý của trẻ bớt căng thẳng. Lắng nghe còn giúp trẻ tự tìm ra cách giải quyết và câu trả lời cho những vấn đề chúng gặp phải.
Thỉnh thoảng việc lắng nghe còn bao gồm cả “giải mã” nữa. Ví dụ: Bạn đón con ở trường mẫu giáo. Nó giận dỗi và nói: “Mẹ thật ngốc. Đáng lẽ mẹ không nên đón con.” Điều gì đã xảy ra với thằng bé vậy? Bạn có nghĩ là nó thấy bạn ngu ngốc thật không? Có lẽ nó chỉ hơi thất vọng khi bị đón về trong khi đang mải chơi với các bạn khác. Trong tình huống này, bạn có thể nói: “Chết thật, mẹ lại đến đón con về đúng lúc con đang chơi mới chán chứ.”
Bạn “giải mã” thông điệp trẻ muốn gửi đến mình. Nó sẽ cảm thấy bạn thấu hiểu nó. Bạn khiến nó không còn lý do nào để tiếp tục phụng phịu nữa. Bạn không nên tiếp tục tranh luận với con nữa, mà thay vào đó, hãy chỉ cần biết là con sẽ ngoan ngoãn theo bạn về nhà ngay bây giờ. ? GIẢI PHÁP
Gửi những thông điệp khẳng định cái tôi của bản thân
Theo nhà tâm lý học Thomas Gordon, ông có những công cụ hiệu quả để đối phó với việc gây sự chú ý của bọn trẻ. Ông đã đề cập đến những thông điệp khẳng định cái tôi cá nhân. Thông điệp kiểu này được hiểu là: “Mỗi khi con cái cư xử không đúng mực, chúng ta có thể nói với chúng rằng chúng ta biết điều đó”. Điều đó sẽ khiến con bạn nghiêm túc hơn và tự ý thức thay đổi hành vi hơn là bạn quát mắng chúng. Trong bảng dưới đây, bạn sẽ tìm thấy một ví dụ những thông điệp khẳng định cái tôi mà bố mẹ có thể gửi đến con cái.
Với những thông điệp này, bạn sẽ cho trẻ cơ hội nhận ra và sửa chữa sai lầm. Bạn hãy tránh những phản ứng mang tính tiêu cực và con bạn sẽ học được cách chịu trách nhiệm trước những hành động của mình. “Mẹ (bố) rất tiếc nhưng…”
Những câu nói mở đầu bằng cách “Mẹ (bố) rất tiếc nhưng…” cũng thường là những thông điệp cứng rắn rất hữu ích. Ngược lại, những câu được bọn trẻ ưa thích như “Con không được như thế” hay “Thế cũng được rồi, không quá tệ” sẽ chẳng mang lại điều gì cả.
Với câu nói thần kì “Bố (mẹ) rất tiếc”, bạn tỏ ra hiểu và thông cảm với con bạn nhưng ẩn sau những lời nói đó là thông điệp của bạn: “Bố (mẹ) tin con có thể tự giải quyết vấn đề này”.
Nhưng quan trọng là bạn phải thực lòng nghĩ như vậy. Nếu bạn gằn giọng hay cao giọng lên rất có thể thông điệp của bạn sẽ phản tác dụng. ➞ Trao cho trẻ nhiều trách nhiệm hơn
Ngay từ chương đầu, tôi đã nhấn mạnh rằng cần phải gấp rút đặt ra giới hạn cho bọn trẻ. Các bậc phụ huynh cần thấy rõ nghĩa vụ của mình và quyết định đâu là giới hạn cho trẻ. Thêm một lời khuyên nữa cho các bậc cha mẹ: “Hãy có trách nhiệm hơn với bọn trẻ”. Hai câu này nghe có vẻ mâu thuẫn nhưng thực ra chúng lại gắn liền với nhau.
Nhiều đứa trẻ thích nhất việc kiểm soát và điều khiển được người lớn. Nhưng bọn trẻ lại không biết thực chất chúng cảm thấy như thế nào và thực sự muốn gì. Chúng không rõ nên làm gì với bản thân mình, nên làm gì khi rảnh rỗi. Vì thế, bọn trẻ cần học cách tự quyết định và chịu trách nhiệm.
Ngay cả trẻ sơ sinh cũng có thể tự đặt ra quy định
Bạn hãy tưởng tượng: Con bạn đang no và đã được đóng bỉm. Nó khỏe mạnh hiếu động và bạn đã dành nửa tiếng đồng hồ chơi với con. Giờ bạn đặt con vào cũi và đi làm vài việc nhà. Con bạn không thích chơi một mình và nó bắt đầu khóc. Bạn nên làm gì đây? Bạn sẽ dừng làm việc nhà và chạy đến ôm con và dỗ dành nó chăng? Vậy mỗi lần nó khóc bạn lại làm như vậy sao? Con bạn sẽ học được gì từ hành động của bạn?
Nó sẽ hiểu là: “Mẹ hiểu cảm giác của mình. Khi mình không vui thì mẹ sẽ dỗ dành ngay”. Con bạn không có cơ hội tìm ra cách tự làm mình vui. Nó cũng không có cơ hội để học được rằng: “Mình có thể bắt đầu khóc mỗi khi không vui. Nhưng mình cũng có thể nín khi phát hiện ra có một thứ khác làm mình thích”. Bạn hãy cho con tự quyết định khóc hay không khóc và đối mặt với rủi ro rơi vào chu kì “Thu hút sự chú ý”.