Phần 6. Nếu con bạn có thể tự nín khóc, bạn càng có lý do quan tâm và chơi cùng con hơn
Từ khóa tìm kiếm: Người Đức dạy con học các quy tắc – Annette Kast-Zahn
Con bạn đưa ra càng nhiều quyết định về điều chúng muốn thì chúng sẽ càng có cơ hội trải nghiệm những hậu quả tất yếu của những quyết định đó.
Ví dụ: Bạn có thể tự quyết định thời gian dùng bữa và những món ăn giúp con. Nhưng không ai khác ngoài con có thể quyết định nó muốn ăn bao nhiêu! Vì thế nếu đứa trẻ không muốn ăn nữa thì bố mẹ nên dừng cho ăn. Nếu bữa ăn thường kết thúc sau một khoảng thời gian nhất định thì người mẹ nên cân nhắc để tìm ra khẩu phần hợp lý cho trẻ.
Bạn lo lắng liệu con mình có thể tự đưa ra quyết định được hay không. Những ai cầm thìa chạy theo sau đứa trẻ và đút từng thìa thức ăn chắc chắn đã rơi vào khoảng giữa của chu trình “gây sự chú ý”. Bạn hãy thử nghĩ mà xem: việc con ăn quá ít luôn thường trực trong suy nghĩ các bậc cha mẹ. Người mẹ sẽ lo lắng khi con không chịu ăn và đứa trẻ sẽ phát hiện ra rằng điều này giúp nó “thu hút sự chú ý”.
Chịu trách nhiệm ở trường mẫu giáo và ở trường học
Các bậc phụ huynh thường than vãn về sự chậm trễ mỗi khi phải mặc quần áo cho trẻ vào buổi sáng. Bạn biết rằng nhà trẻ sẽ ngừng nhận trẻ vào lúc 9 giờ sáng hàng ngày và nhiệm vụ của bạn là đưa trẻ đến trường kịp giờ. Nhưng con bạn đã chải đầu gọn gàng và mặc quần áo chỉnh tề để có đủ thời gian ăn sáng chưa? – bạn hãy để con tự quyết định những việc này. Khi con bạn cảm thấy bản thân phải có trách nhiệm thì nó sẽ không có lý do để “diễn kịch” mỗi sáng nữa.
Bài tập về nhà là chủ đề nhiều đứa trẻ ghét nhất. Một câu hỏi lại được đặt ra là: Trong gia đình bạn ai có trách nhiệm phải hoàn thành bài tập về nhà? Bạn hay con bạn? Bạn cần trả lại trách nhiệm này cho con và chỉ nên quy định thời gian và khi nào con bạn phải ngồi vào bàn làm bài. Con bạn càng nghe lời một cách đầy đủ, chi tiết và hoàn hảo thì nó càng xứng đáng được trao quyền quyết định. Khi đó chúng sẽ cảm thấy có trách nhiệm hơn với cả thành công lẫn thất bại của mình. Dĩ nhiên bạn có thể theo sát những thay đổi xung quanh con, giúp đỡ con, dõi theo con, chỉ cho con biết lỗi sai và giữ liên lạc thường xuyên với cô giáo. Làm như vậy sẽ giúp bạn và con tránh được những xung đột căng thẳng.
Để trẻ tự đối phó với sự nhàm chán
Với mọi lứa tuổi, hãy cho bọn trẻ tự quyết định chúng sẽ làm gì trong lúc rảnh rỗi. Nếu bạn lúc nào cũng chơi với con thì nó sẽ không nhận ra nhu cầu và khả năng của bản thân. Nếu bạn đặt ra một thời gian biểu cho trẻ thì bạn không những đã bó buộc bản thân mình mà còn hạn chế sự phát triển nhân cách của trẻ nữa.
Điều tương tự cũng sẽ xảy ra với những đứa trẻ đã đến tuổi đi học. Mẹ chúng luôn đóng vai người tài xế mẫn cán, sẵn sàng đưa đón theo lịch trình đã vạch sẵn. Lịch trình càng rõ ràng bao nhiêu thì câu hỏi: “Mẹ ơi, con nên làm gì đây? Con thấy mọi thứ thật nhàm chán” lại càng xuất hiện nhiều bấy nhiêu.
Con bạn có quyền cảm thấy nhàm chán. Bạn đừng nên lấp mọi chỗ trống trong thời gian biểu bằng cách cho trẻ dùng máy tính hoặc xem ti-vi. Trẻ có thể và phải tự biết chúng nên làm gì để xua tan sự nhàm chán. Trẻ có thể tự quyết định: “Mình có muốn đi loanh quanh chơi và không làm gì cả không hay mình sẽ nghĩ ra một trò gì đấy thú vị hơn nhỉ?”.
Trên thực tế, một đứa trẻ thỉnh thoảng lại thích không làm gì cả và chúng ta – những bậc làm cha mẹ nên thấy điều đó là bình thường. Có lúc những ý tưởng bài trí sáng tạo, ý tưởng về những trò chơi tập thể hay những cuộc hẹn hò ngay gần nhà lại nảy sinh từ sự nhàm chán.
Lý tưởng nhất là khi môi trường xung quanh có tác động tích cực lên bọn trẻ: Chúng có thể chơi một mình trên một con phố vắng. Ở đó có nhiều trẻ em và chúng có thể gặp nhau bất cứ khi nào chúng thích. Tiếc rằng những nơi như thế thường rất hiếm. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh có thể tạo ra không gian tự do ở nhà cho trẻ, chẳng hạn như một chỗ để trẻ tự do vẽ tranh, làm đồ thủ công, chơi đất nặn, nghịch bẩn hay nô đùa. Có thể vì sự eo hẹp về không gian nên không thể tạo ra không gian riêng tại nhà hàng ngày cho trẻ được nhưng các bậc phụ huynh cần thỉnh thoảng tạo điều kiện cho trẻ tham gia các hoạt động trên tại nhà thay vì bắt trẻ tham gia vào các nhóm đã được sắp xếp sẵn. Con bạn càng có nhiều cơ hội tự do phát triển nhân cách thì chúng càng dễ dàng trả lời câu hỏi: “Mình nên làm gì đây?”. Bạn có thể nói với con rằng: “Con hãy tự quyết định xem mình muốn làm gì đi”.
Trách nhiệm và sự tin cậy
Trao cho con bạn nhiều trách nhiệm hơn là một hành động đầy mạo hiểm. Nhiều bậc phụ huynh sẽ hỏi đầy lo lắng: “Tôi có thể yên tâm là con tôi không gào thét cả ngày? Yên tâm là nó đã ăn no, là nó sẽ không mặc quần áo ngủ đi học, là nó sẽ không làm bài tập nếu tôi không giục hay nó sẽ không lang thang cả ngày ở bên ngoài ư?”. Có phải bạn không tin con mình có thể tự quyết định những chuyện này? Bạn luôn gắn bọn trẻ với những thứ tồi tệ nhất? Rồi có lẽ sau đó nó sẽ đúng y như vậy. Con bạn sẽ cảm nhận được rằng bạn không tin tưởng chúng và chúng sẽ bị nhụt chí.
Thông điệp bạn gửi đến con bạn phải là: “Mẹ biết con có thể tự quyết định. Mẹ tin là con sẽ làm tốt”. Dù bạn có nói ra hay không thì con bạn cũng sẽ cảm nhận được điều đó. Sự tin tưởng của bạn sẽ giúp con tự tin đưa ra quyết định và tự chịu trách nhiệm về hành động của mình. ➞ Đặt ra những quy định cụ thể “Có phải gia đình bạn sẽ yên bình nếu bọn trẻ không diễn kịch và khiến bạn stress có phải không”. Sau một thoáng suy nghĩ, nhiều bậc phụ huynh hoang mang liệt kê cho tôi một vài chuyện tương tự như thế và đa số chúng là những thứ có trình tự lặp đi lặp lại. Có lẽ họ sống trong những gia đình mà mọi người không bao giờ được cãi lại họ về những việc nhỏ nhặt như thắt dây an toàn trên xe ô tô, cởi giầy trước khi bước vào phòng, rửa tay trước khi ăn, đánh răng trước khi đi ngủ, chào và tạm biệt khách hoặc tương tự như thế. Vậy gia đình bạn có những luật “bất thành văn” nào? Tất cả các quy định cần được mọi người trong gia đình gương mẫu thực hiện. Bạn chỉ có thể bắt con trai tự ngồi vào toa-lét thay vì chờ mẹ bế vào nếu bố nó cũng bắt nó làm như vậy hoặc bạn luôn hô hào: “Bữa sáng hàng ngày phải đầy đủ dinh dưỡng” nhưng khẩu hiệu này sẽ không trở thành quy định nếu hàng ngày thay vì ăn sáng thì bạn chỉ uống cà phê và hút thuốc.
Không phải tất cả mọi quy định đều tốt. Chúng ta thường ra lệnh cho trẻ làm những việc với chúng ta là hiển nhiên như: “Đừng có chống tay lên mặt bàn! Bày đồ ăn của con đi! Không được nói chuyện trong lúc ăn! Trẻ con phải im lặng khi người lớn đang nói chuyện”. Trước đây ở nhiều nhà thì chuyện đánh đòn trẻ cũng là một hành động thường xuyên xảy ra.
Các quy định thúc đẩy tính cộng đồng
Các quy định cũng thúc đẩy tính cộng đồng, sự hiểu biết cũng như khả năng thông cảm lẫn nhau trong gia đình. Một bữa ăn đông đủ thật sự rất quan trọng. Nếu có thể thì hàng ngày cả nhà nên quây quần bên mâm cơm ít nhất một lần. Cả nhà sẽ cùng ăn cơm và trò chuyện. Nếu mỗi người trong gia đình tự nấu súp rồi đến trưa mỗi người tự hâm nóng thức ăn của mình bằng lò vi sóng, tối đến mỗi người lại bê một đĩa về phòng mình hoặc ngồi vừa ăn vừa xem ti-vi thì gia đình sẽ không còn là một tổ ấm đúng nghĩa nữa.
Điều quan trọng không kém chính là các quy định vào buổi tối với trình tự và thời gian cố định. Cuối cùng mọi người trong nhà sẽ cùng kể chuyện cho nhau nghe hoặc cùng chơi với nhau. Nhờ đó con bạn sẽ phấn khởi và tin rằng buổi tối là thời gian vui vẻ cho cả gia đình.
Ngay cả những việc vặt trong nhà cũng có thể trở thành những quy định. Những việc như dọn bàn ăn, lấy bát đĩa bọn trẻ có thể làm được. Tốt nhất là bạn nên phân công cho trẻ một công việc nhất định trong gia đình.
Mẹ của ba cậu bé 6, 8 và 10 tuổi đã kể với tôi rằng: “Con tôi thường đảm nhận việc dọn bàn, tự rửa bát đĩa. Chúng tôi đã sắp xếp bát đĩa để chúng có thể với tới dễ dàng. Mỗi đứa sẽ làm hai ngày trong tuần, còn ngày Chủ nhật là nhiệm vụ của chồng tôi”.
Thường thì tôi rất khó chịu và phải tự kiềm chế bởi nếu tôi trực tiếp làm thì mọi thứ sẽ nhanh gọn hơn nhiều. Lúc đầu thì bọn trẻ thường cố trốn tránh việc nhà nhưng đến giờ thì chúng không còn tranh cãi nữa rồi. Mọi thứ đều ổn cả.”
Khi tất cả mọi người cùng chung tay
Các quy định sẽ rất dễ đi vào cuộc sống nếu không chỉ riêng người trong gia đình mà cả mọi người xung quanh cùng chung tay góp sức. Một ví dụ điển hình là một tục lệ ở Thụy Điển mà một người mẹ bản xứ đã kể lại cho tôi. “Ở nhà tôi bọn trẻ không được ăn kẹo suốt cả tuần. Ngay cả họ hàng hay nhân viên cửa hàng cũng không ai có ý định cho bọn trẻ kẹo cả. Ở quầy thanh toán cũng không hề có viên kẹo nào hết. Bọn trẻ đều mong đến ngày thứ Bảy vì thứ Bảy chúng sẽ được nhận “Loerdagsgodis” – những túi kẹo ngày thứ Bảy. Chỉ vào thứ Bảy bọn trẻ mới được ăn kẹo thoải mái, thậm chí ăn hết cả túi cũng được. Những túi kẹo sẽ được đóng gói vào tối thứ Sáu và sang ngày Chủ nhật chúng sẽ lại biến mất. Thứ Bảy tuần kế tiếp những túi kẹo lại xuất hiện. Những cuộc tranh cãi xung quanh quy định này đã không còn cần thiết nữa vì hầu hết các gia đình tại Thụy Điển đều làm như vậy. Các bác sĩ nha khoa thì vô cùng phấn khởi: “Hầu như không đứa trẻ nào bị sâu răng cả”. ➞ Thời gian dành cho sự quan tâm