Phát hiện kịp thời thoát bị bẹn ở trẻ nhỏ
“Con trai em từ khi được tháng tuổi thỉnh thoảng lại khóc thét lên chừng nửa giờ đến cả tiếng đồng hồ. Đến khi cháu 12 tháng mới phát hiện bìu dái to khác thường, được chẩn đoán là thoát vị bẹn và được mổ; nhưng sau đó 5 tháng lại tái phát. Gia đình cho cháu mổ lại, nhưng nghe người ta nói trẻ được mổ điều trị bệnh này sau rất dễ bị vô sinh. Vì vậy, đến nay, cháu vẫn chỉ dùng dây đeo cho ruột khỏi tụt xuống”.
Xin nói ngay rằng không có phẫu thuật nào gây ra chứng vô sinh (không có con) ở nam giới, ngoài việc cắt bỏ hai tinh hoàn, cắt dương vật, hay thắt hai ống dẫn tinh.
Trường hợp của cháu là thoát vị bẹn bẩm sinh mà lỗ thoát bị khá rộng nên đã bộc lộ rất sớm: những lần cháu khóc thét lên từ khi mới được 3 tháng tuổi là do có một quai ruột chui qua lỗ đó và hơi bị nghẹt nhẹ, gây đau. May mà sau mỗi lần như thế quai ruột lại trở lên được ổ bụng, cho nên cháu đã không bị nghẹt ruột hoàn toàn gây tắc ruột do thắt (một biến chứng đáng gờm của thoát vị bẹn). Nếu mổ muộn trong tình huống này, quai ruột nghẹt có thể bị hoại tử phải cắt bỏ.
Nhân điểm này, xin nhắc mọi người là: Khi thấy một cháu bé khóc thét từng cơn, chớ vội cho là cháu khóc hờn mà hãy nghĩ đến một cơn đau ghê gớm ở bụng cháu (do lồng ruột, nghẹt ruột và thoát vị bẹn, thoát vị rốn…) để kịp thời đưa cháu tới một bác sĩ ngoại khoa có trình độ.
Bệnh thoát vị bẹn của cháu tái phát là do có thiếu sót trong khâu tái tạo thành bụng (khâu gân liên kết vào cung đùi để đóng kín lỗ bẹn). Vì vậy, em nên tìm đến một khoa ngoại khác tốt hơn, hoặc về một bệnh viện ở trung ương để mổ lại cho cháu, chậm nhất là trước tuổi đến trường, để cháu khỏi mặc cảm tự ti.
Trong khi chờ đợi, phải dặn cháu mang băng đeo thường xuyên, không để cho ruột tụt xuống. Nếu ruột xuống, phải nhẹ tay đẩy hết lên ngay rồi ép chặt băng vào. Và dặn cháu cho biết ngay nếu xuất hiện đau bụng.